Multimedia Đọc Báo in

Chàng trai khởi nghiệp bằng Coffee Take away

08:33, 28/10/2014
Thời gian gần đây, du khách đi máy bay tại Sân bay Buôn Ma Thuột thường thấy một hình ảnh khá lạ lẫm, một chàng trai trẻ miệng luôn tươi cười đạp xe ba bánh có dòng chữ “Cafe Take away” dọc tuyến đường dẫn vào sân bay để bán cà phê. Thế nhưng ít ai biết rằng, đây là một cách khởi nghiệp độc đáo của một chàng trai... thất nghiệp.
 
Đó là Nguyễn Văn Hải, trú tại xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), anh đến với Coffee Take away (cà phê mang về) rất đỗi tự nhiên nhưng cũng lắm gập ghềnh… Sinh năm 1987, sau khi học xong ngành tiện tại Trường Trung cấp Nghề Dak Lak, cuối năm 2007, Hải đi Dak Nông làm việc cho một công ty cơ khí tư nhân. Sau 5 năm làm công việc yêu thích của mình, năm 2012, công ty nơi Hải làm việc chuyển hướng kinh doanh nên cắt giảm nhân sự, thế là Hải bị mất việc làm, anh quay về nhà phụ mẹ trồng rau xanh để vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng việc làm nông dường như không phù hợp lắm với anh nên đầu năm 2014, trong một lần đến chơi nhà bạn có quán cà phê, thấy việc pha chế cà phê đơn giản nhưng cho thu nhập ổn định, nên anh đã nhờ bạn chỉ cho cách pha chế và nung nấu ý định mở riêng cho mình một quán cà phê. Nhưng muốn mở quán, đòi hỏi phải có số vốn lớn, điều đó nằm ngoài khả năng của anh.
 Nguyễn Văn Hải đang pha cà phê cho khách.
Nguyễn Văn Hải đang pha cà phê cho khách.

Trong lúc chưa biết làm gì thì bất ngờ vận may đã đến với anh, khi tình cờ anh mở tivi xem chương trình Talk Việt Nam, có nói đến Coffee Take away. Đó là một hình thức kinh doanh cà phê với mô hình nhỏ và vừa, chi phí đầu tư thấp, tiện lợi khi di chuyển, không tốn chi phí thuê nhân viên... Hải tìm hiểu thêm qua mạng Internet và được biết, mô hình Coffee Take away ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đều có chi phí đầu tư lớn, quá khả năng của anh. Không chịu “bó tay”, Hải nảy ra sáng kiến tự mình mang cà phê đến cho khách, nghĩa là bán cà phê di động, không cần nhiều vốn hay mặt bằng và Hải bắt tay vào thực hiện ngay ý tưởng của mình. Sẵn có nghề cơ khí, việc đầu tiên là anh làm một chiếc xe ba bánh, nhẹ, dễ di chuyển và chở được tất cả những vật dụng cần thiết như thùng đựng đá, bếp gas mini, ly tách, loa đài… Vừa làm vừa mày mò, sau gần 4 tháng mới làm xong chiếc xe, ngày 30-4-2014, “quán cà phê di động” mang thương hiệu “Coffee Take away” của Hải chính thức được khai trương, với tổng chi phí gần 12 triệu đồng.

Với cách bán hàng nhẹ nhàng, tiện lợi, đồ uống được phục vụ tận nơi cho khách hàng nên chỉ một thời gian ngắn, Coffee Take away của Hải đã thu hút được nhiều thực khách. Không chỉ bán cà phê, Hải còn bán nhiều loại đồ uống thông dụng khác nên khách hàng của anh cũng khá đa dạng và ổn định. Hải cho biết, từ 6 giờ sáng đến 17 giờ chiều, bất kỳ lúc nào khách có nhu cầu cà phê, giải khát anh đều có thể đáp ứng trong thời gian nhanh nhất. Khách hàng của anh có thể là các bà, các chị ở chợ Hòa Thắng, các bạn trẻ ở những trường học trên địa bàn, hay khách đến sân bay tiện đường cũng hay ghé vào Coffee Take away của anh… Nhờ vậy, hằng ngày, sau khi trừ hết chi phí Hải lời được trên dưới 300 nghìn đồng. Từ một người thất nghiệp, với mô hình kinh doanh độc đáo của mình, Nguyễn Văn Hải không chỉ tự lo được cho cuộc sống bản thân mà đến nay anh còn phụ giúp mẹ lo cho các em ăn học. Qua kinh nghiệm của mình, Hải cho rằng, đây cũng là mô hình kinh doanh mà các bạn trẻ khác mới bắt đầu khởi nghiệp hoàn toàn có thể áp dụng thành công…


Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.