Multimedia Đọc Báo in

Gặp gỡ sứ giả "bảo vệ Tê giác"

09:18, 30/10/2014

Phạm Quốc Nam, lớp 11 Chuyên Lý, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du là một trong 6 học sinh Việt Nam vừa tham dự Hội nghị Thượng đỉnh của Giới trẻ thế giới về Tê giác diễn ra từ ngày 21 đến 23-9 tại Khu bảo tồn động vật ImFolozi, tỉnh Kwa-Zulu  Natal (Cộng hòa Nam Phi).

Em Phạm Quốc Nam (đứng giữa) cùng các thành viên Đoàn Việt Nam chuẩn bị lên đường sang Nam Phi tham dự Hội thi. (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Em Phạm Quốc Nam (đứng giữa) cùng các thành viên Đoàn Việt Nam chuẩn bị lên đường sang Nam Phi tham dự Hội thi. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Cơ duyên đưa Nam và các bạn tham dự Hội nghị là thông qua một kỳ thi vẽ tranh toàn quốc Rhino Art Viet Nam do tổ chức WildAct Vietnam, Humane Society International và Sở GD-ĐT Hà Nội tài trợ. Cùng tham dự sự kiện lần đầu tiên được tổ chức này còn có 40 sinh viên đến từ 20 nước trên thế giới để góp tiếng nói về việc đưa ra các giải pháp cần thiết nhằm ngăn chặn tội ác đối với động vật hoang dã đang diễn ra trong đó có tình trạng săn bắn trộm tê giác. Nam chia sẻ: “Nhìn tên mình trong danh sách những thí sinh đoạt giải Nhất, nhưng em không tin đó là sự thật. Phải mất một lúc lâu, em mới định thần lại, vội vàng thông báo cho bố, mẹ biết tin vui này”. Chị Trần Thị Diễm Thu – mẹ Nam tự hào nói: “Nam có năng khiếu vẽ và vẽ rất nhanh, mỗi bức tranh chỉ mất vài chục phút, nhưng đoạt giải cao tại một cuộc thi mang tầm cỡ quốc gia là nằm ngoài sự kỳ vọng của bố mẹ”. Chị kể: “Như mọi ngày, mình giúp con dọn bàn học thì nhìn thấy bản thảo của bức tranh. Mình thật sự xúc động khi thấy một cậu bé Nam Phi đang ôm chú tê giác khóc nức nở, bên cạnh là một con tê giác khác vừa bị cưa mất sừng nằm phủ phục dưới đất với dòng máu đỏ tươi đang chảy ra từ vết đạn bắn trên lưng và từ chiếc sừng bị cắt. Như một phản xạ tự nhiên, mình lấy chiếc điện thoại chụp lại bức tranh vẫn chưa hoàn thiện. Bữa cơm trưa hôm ấy, mình đã khen: “Ý tưởng bức tranh rất độc đáo! Suýt nữa mẹ đã bật khóc vì thương con tê giác xấu số bị kẻ xấu giết hại!”. Vài ngày sau, Nam đưa cho bố, mẹ xem bức tranh hoàn chỉnh.

Bức tranh của Nam đoạt giải Nhất cuộc thi về đề tài bảo vệ động vật hoang dã.
Bức tranh của Nam đoạt giải Nhất cuộc thi về đề tài bảo vệ động vật hoang dã.

Cũng như nhiều bạn trẻ Việt Nam, Nam ít quan tâm đến loài tê giác, thỉnh thoảng chỉ nghe một vài thông tin trong bản tin thời sự, nhưng khi biết về kỳ thi vẽ tranh này, em đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về quá trình sinh trưởng, phát triển, nguy cơ tuyệt chủng của chúng. Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ sừng tê giác nhiều nhất thế giới. Những thông tin liên quan đến tê giác cứ ám ảnh, thôi thúc Nam phải làm một việc gì đó để góp  thêm tiếng nói bảo vệ loài động vật được mệnh danh là “nhà chữa cháy của tự nhiên”. “Thoạt nhìn hình ảnh, xem tê giác qua truyền hình, internet ai cũng nghĩ chúng rất hung dữ, nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Nếu mình không trêu chọc, chúng sẽ không tấn công!”, Nam khẳng định. Bằng chứng, trong những những ngày tham dự Hội nghị, Nam đã ngắm thỏa thê loài động vật này qua lớp hàng rào bảo vệ tại Khu bảo tồn động vật ImFolozi. Nhiều lúc, Nam có cảm giác con vật này đang ở rất gần với mình, có thể đưa tay sờ vào lớp da mà không hề có chút sợ hãi, bởi chúng rất thân thiện. “Tê giác không có kẻ thù trong tự nhiên, ngoại trừ con người. Không như suy nghĩ của một số ít người, sừng tê giác hoàn toàn không có tác dụng chữa trị bệnh ung thư, giảm sốt, say rượu hay thể hiện sự giàu có, sức mạnh đàn ông. Vì vậy, con người cần phải thay đổi nhận thức, hành vi để muôn loài có quyền bình đẳng, đều là chủ nhân của Trái đất. Qua hội nghị lần này, em và nhiều bạn trẻ của các nước tự nhủ phải góp thêm một tiếng nói để thay đổi nhận thức, hành vi, cùng chung tay bảo vệ loài vật này trước nguy cơ tuyệt chủng”, Nam bộc bạch.     

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc