Multimedia Đọc Báo in

Khi phụ nữ cầm vô lăng

15:17, 30/10/2014

Những năm gần đây, việc học bằng lái ôtô với phái nữ không còn xa lạ, ngày càng thu hút, lôi cuốn chị em tham gia, và hình ảnh người phụ nữ ngồi sau vô lăng trên các tuyến đường cũng trở nên quen thuộc, gần gũi với mọi người…

Khi kinh tế khấm khá, đời sống vật chất, tinh thần của mỗi gia đình được nâng lên thì nhu cầu mua sắm một chiếc ôtô cũng tăng theo. Nếu như trước đây, việc điều khiển ôtô người ta thường nghĩ ngay đến nam giới, thì ngày nay trở nên khá phổ biến ở các trung tâm, phố, thị… Sở GTVT cho biết, trong 9 tháng năm 2014, trong tổng số 10.360 GPLX ôtô được cấp mới thì có đến 30% là của học viên nữ. Còn theo thống kê tại Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ (TP. Buôn Ma Thuột), những năm trước, mỗi lớp chỉ có một, hai nữ tham gia học lái ô tô thì nay số lượng nữ có lúc lên đến 15 người/lớp. Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng khoa đào tạo lái xe của trường này cho biết, năm 2013, Trường có 303 học viên nữ đăng ký tham gia học GPLX ôtô, chủ yếu hạng B2, còn tính đến hết tháng 9 năm nay, tại đơn vị có đến 273 học viên nữ. Con số này vẫn không ngừng gia tăng, khi số lượng các chị em gởi hồ sơ về trường để học lái ô tô ngày càng nhiều. Việc học bằng lái ôtô của chị em không đơn thuần chỉ để phục vụ việc đi lại hằng ngày mà còn giúp họ thể hiện cá tính năng động, mạnh mẽ như em Huỳnh Thị Quỳnh Như (sinh năm 1990, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, bố mẹ và bản thân em hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, nhu cầu đi lại, giao tiếp nhiều, do đó dự định trong năm nay gia đình em sẽ sắm một chiếc ôtô để thuận tiện cho công việc. Đó là lý do để em tìm đến cơ sở đào tạo ghi danh học GPLX hạng B2. Sau hơn 3 tháng học tại trường, em cảm thấy rất tự tin khi cầm vô lăng, qua lần thi thử phần lý thuyết và thực hành, em đều đạt kết quả cao. Trong khi đó, chị Thùy (TP.Buôn Ma Thuột) đã có xe 7 chỗ, nhưng vì chưa học bằng lái nên đi đâu chị cũng phải phụ thuộc vào chồng rất bất tiện. Được sự động viên của chồng và người thân trong gia đình, chị đã mạnh dạn đăng ký đi học bằng lái ôtô, đầu tháng 11 tới chị rất tự tin sẽ vượt qua kỳ sát hạch để cầm tấm GPLX trong tay, và chị sẽ chủ động hơn trong việc đưa đón con, gặp gỡ bạn hàng…

Học viên nữ thực hành lái xe tại Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ.
Học viên nữ thực hành lái xe tại Trường Trung cấp nghề Việt Mỹ.
Với bản tính cẩn thận, chịu khó – là lợi thế đối với chị em khi học, thi GPLX ôtô, đặc biệt ở phần lý thuyết. Theo đánh giá của các trung tâm đào tạo trên địa bàn tỉnh và cơ quan tổ chức sát hạch, những kiến thức lý thuyết trong bộ đề 405 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, phần lớn chị em đều nắm rất chắc, đó là yếu tố rất cần thiết để họ cảm thấy tự tin hơn khi điều khiển xe lưu thông trên đường, cũng như khi sát hạch lái xe, tỷ lệ nữ đậu rất cao. Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng vận tải (Sở GTVT) cho biết, các khóa học lái ôtô trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây tỷ lệ học viên nữ thi đạt khoảng 90%, số còn lại không đạt chủ yếu do tâm lý yếu.

Một số hãng taxi như Mai Linh, Quyết Tiến đều có nữ tài xế, dù số lượng không nhiều, nhưng cũng tăng dần đều theo các năm. Đơn cử, tại Công ty TNHH Taxi du lịch Quyết Tiến (TP. Buôn Ma Thuột), có thời điểm, số lượng tài xế nữ lên đến 10 người. Với tính cách nhẹ nhàng, khéo léo, các nữ tài xế rất được lòng khách, có rất nhiều hành khách khi đăng ký đi xe cũng yêu cầu hãng cử tài xế nữ. Chị Tùy Vân, là một trong những tài xế nữ có gần 6 năm làm việc tại Công ty Quyết Tiến chia sẻ, đối với chị, lái xe là một niềm đam mê, sự hài lòng của hành khách sau mỗi chuyến xe là động lực lớn nhất để chị tiếp tục sự nghiệp cầm lái của mình.

Tuy nhiên, việc học, thi và điều khiển ôtô đối với chị em không phải khi nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, bởi yếu tố tâm lý, sức khỏe, đặc biệt khi tham gia giao thông đường trường, phụ nữ thường xử lý chậm, mất bình tĩnh hơn so với nam giới khi gặp các tình huống bất ngờ có gia súc, các vật cản, phương tiện lưu thông cùng thời điểm nhiều…

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc