Multimedia Đọc Báo in

Một phụ nữ Êđê thiết tha với nghề truyền thống

15:12, 30/10/2014

Cứ nhắc đến rượu cần, đến chiêng ché cổ và những gì liên quan đến văn hóa truyền thống là khuôn mặt amí Dzoan (buôn Cuôr Đăng B, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) sáng rỡ, có thể nói hàng giờ không dứt một cách say mê...

Năm nay ở tuổi 52 thì có đến hai mấy năm amí Dzoan gắn bó với rượu cần. Từ ngày còn nhỏ, cô bé H’Hương Byă (tên thật của amí Dzoan) đã làm quen với quy trình ủ rượu cần của cha mình – một trong những người làm rượu cần ngon nhất buôn. Lớn lên, với bí quyết ủ rượu cần được cha truyền lại, H’Hương bắt đầu làm rượu cần bán cho bà con trong buôn những dịp tang ma, cưới hỏi. Hương thơm, vị say ngọt của rượu cần amí Dzoan “quyến rũ” không chỉ người trong buôn mà cả nhiều buôn khác. Sau đó, rượu cần thương hiệu amí Dzoan dần dần có mặt ở TP. Buôn Ma Thuột và các huyện, xuất hiện ở các khu du lịch sinh thái trong tỉnh, đến Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… và theo chân du khách ra cả nước ngoài. Những người đã từng được uống rượu cần amí Dzoan đều rất thích hương vị đặc biệt của nó…

Amí Dzoan bảo: rượu cần nhà mình ngon ở cách làm men rượu, cách ủ và dùng ché tốt. Không sử dụng men công nghiệp như nhiều nơi khác, gia đình amí Dzoan đến nay vẫn tự làm men rượu theo cách thức truyền thống, từ các nguyên liệu tự nhiên như bột gạo, củ riềng và cây ngọt (loại cây mà người Êđê gọi là “na ngăm”, có vị ngọt giống cam thảo, phải đặt mua từ các buôn xa, nơi còn rừng). Chị cho biết: “Men công nghiệp rất ngọt nhưng một thời gian sau thường bị chảy nước, không giữ được độ bền, không thơm rượu. Còn loại men truyền thống làm theo công thức ông bà để lại giúp rượu có vị rất thơm, càng để lâu càng ngon. Bên cạnh đó, ché rượu cũng góp phần rất quan trọng vào chất lượng rượu cần. Trong quá trình làm rượu cần, thử qua rất nhiều loại ché, mình mới ưng ý với loại ché sản xuất từ gốm Bình Dương, ché nhẹ mà chất lượng tốt”. Không chỉ duy trì công thức làm rượu cần truyền thống, amí Dzoan còn suy nghĩ tìm cách cải tiến để rượu cần thơm hơn, ngon hơn và giữ được vị thơm lâu hơn. Chị thấy ngày xưa cha mình thường lấy lá bàng cột miệng ché rượu nhưng cách này không giữ được độ thơm lâu cho rượu, chị đã cải tiến bằng cách dùng lá chuối, bên ngoài lót thêm lớp ni lông rồi mới cột dây vừa giữ được độ thơm của rượu vừa ngăn được bồ hóng bay vào đẻ trứng (thường khiến rượu bị chua). Chị còn thay loại gạo thường sang nếp lức để nấu cơm rượu bởi nhận thấy nấu rượu bằng nếp lức khiến rượu thơm hơn, có vị ngọt ngon hơn gạo thường.

Amí Dzoan cột lại những ché rượu cần của mình.
Amí Dzoan cột lại những ché rượu cần của mình.

Rượu cần thơm ngon có tiếng, nhiều lúc làm ra bán không kịp thế nhưng mỗi ngày amí Dzoan cũng chỉ nấu chừng một tạ gạo (ủ được 30 ché rượu) bởi chị bảo nấu nhiều, sản xuất đại trà sẽ không bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi ché rượu phải ủ từ một tháng trở lên mới xuất bán, thu nhập từ rượu cần mang lại cho gia đình amí Dzoan chừng hơn 100 triệu đồng mỗi năm, trừ hết chi phí còn lãi khoảng 50 triệu đồng. Vì vậy, để có được cơ ngơi khang trang như hiện nay, gia đình amí Dzoan không chỉ làm rượu cần mà còn canh tác 2 ha cà phê và chăn nuôi heo, bò với mức thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm. Có của ăn, của để, amí Dzoan sẵn lòng giúp đỡ các hộ nghèo trong buôn, trong xã bằng cách hỗ trợ bò, dê cho họ nuôi làm vốn. Trong số 6-7 hộ nghèo được amí Dzoan giúp đỡ, đã có hộ vươn lên phát triển kinh tế ổn định như nhà ama Hen ở buôn Ering từ chỗ làm không đủ ăn đã thoát nghèo sau khi được amí Dzoan hỗ trợ cho hai con bò cái để nuôi… Amí Dzoan còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương với vai trò là đại biểu HĐND xã và Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Cư M’gar từ năm 2000 đến nay.

Dù cuộc sống dư giả nhưng mỗi ngày amí Dzoan vẫn giữ nếp quen cặm cụi, tỉ mẩn làm ra những ché rượu cần thơm ngon. Chị bộc bạch: Việc làm rượu cần không đơn thuần là để kiếm tiền mà đã là niềm đam mê của mình rồi. Say mê đến mức đi đến vùng nào chị cũng muốn tìm hiểu xem rượu cần ở vùng ấy như thế nào, chị còn đọc thông tin về rượu cần trên mạng Internet “để xem, để biết, để so sánh hương vị và cách làm rượu cần của các dân tộc”. Tìm hiểu rồi mới thấy mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có bí quyết nấu rượu cần rất riêng mà loại rượu nào cũng rất ngon, như người M’nông tạo hương thơm của rượu bằng cách rang gạo trước khi nấu cơm, người J’rai thì bỏ chút cà phê khiến hương của rượu có mùi thơm của cà phê, rượu cần của người Thái cũng có hương vị rất ngon, thường đựng trong những chiếc ché bầu tròn, uống cùng lúc 4 cần…

Niềm say mê rượu cần của amí  Dzoan còn thể hiện ở việc chị và các chị em trong nhà giữ lại hết những ché cổ do ông bà để lại, chị còn sưu tầm những ché cổ ở các buôn xa, làng gần và ché rượu của người M’nông, J’rai. Đến chơi nhiều nhà người Êđê, M’nông, thấy ché rượu cổ là chị xin về, chị bảo chị như bị hút hồn vào những chiếc ché cổ ấy dù dưới mắt chủ nhà chúng chỉ là những chiếc ché cũ sứt sẹo bị vứt lăn lóc trong nhà. Những ché tuk, ché tang, ché dài, ché bầu, ché Êđê, ché M’nông cứ thế được chị mang về và giữ gìn trân trọng nơi một góc nhà sàn.

Quan tâm đến tất cả những gì thuộc về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, người phụ nữ Êđê ấy cũng đau đáu với nỗi lo những nét văn hóa đặc sắc đang dần bị mai một. “Nhiều nhà trong buôn giờ không còn làm rượu cần hay dệt thổ cẩm nữa, chiêng ché cũng bị bán đi nhiều. Mình thì giữ lại hết, từ chiêng, ché cho đến những chiếc bát đồng thường dùng để thờ cúng. Mình cũng truyền lại cách thức nấu rượu cần cho con cháu trong nhà với mong muốn chúng sẽ nối tiếp truyền thống của gia đình, không quên những gì cha ông để lại”, amí Dzoan bộc bạch...

Hồng Thủy 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.