Multimedia Đọc Báo in

Những chiều chủ nhật "xanh" ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

16:57, 27/10/2014
Cứ mỗi chiều chủ nhật hằng tuần, các em nhỏ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh lại háo hức chờ đón các anh, chị sinh viên của Câu lạc bộ Giải pháp xanh Trường Đại học Tây Nguyên. Không chỉ vì được các anh chị tổ chức vui chơi, sinh hoạt mà các em còn được hướng dẫn thêm những kiến thức cũng như các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống...
 
“A! Anh Tuấn đến rồi! Em chào anh Tuấn, em chào các anh chị ạ!”, bé Nguyễn Thị Kim Mai reo lên khi thấy bạn Hồ Anh Tuấn cùng các thành viên của CLB Giải pháp xanh, Trường Đại học Tây Nguyên đến khu người già và tàn tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Năm nay bé Mai được 6 tuổi, bị khuyết tật từ lúc mới sinh ra nên chân tay teo tóp, đi lại khó khăn. Mai rất thích học nhưng Trung tâm lại chưa có điều kiện. Giờ đây, khi được các anh, chị sinh viên tận tình chỉ dạy, Mai đã có thể nhận biết hết các  chữ cái, bé vui lắm: “Em vẫn mơ có được một người anh, người chị để dạy em học, dạy em biết chữ. Em vui lắm vì giờ đã bắt đầu biết đọc rồi ạ”. Trường hợp của em Nguyễn Hữu Thắng (sinh 1997), còn đáng thương hơn. Năm nay tuy đã 17 tuổi, nhưng thân thể em lại như một bé lên mười. Bị tàn tật, lại nằm một chỗ nên việc học chữ đối với Thắng có lẽ là một ước mơ xa vời. Thế nhưng, sau ba tháng được các bạn sinh viên CLB Giải pháp xanh hướng dẫn, giờ Thắng đã có thể nhận biết được mặt chữ. Nhìn Thắng đang bập bẹ tập đánh vần, mọi người và các nhân viên tại Trung tâm ai cũng mừng cho em. Thắng tâm sự: “Em được các anh chị sinh viên giới thiệu các gương tàn tật trên thế giới, trong đó có anh Nick (Nick Vujicic) bị mất hết tay chân nhưng vẫn đi thuyết trình khắp nơi. Em nghĩ mình phải tự vươn lên, học giỏi để có thể tự nuôi bản thân mình”. Ngoài việc dạy kiến thức cho các em bị khuyết tật tại Trung tâm, các bạn sinh viên CLB Giải pháp xanh cũng tổ chức một lớp ôn tập kiến thức và dạy kỹ năng cho các em mồ côi ở đây. Đều đặn, mỗi chiều chủ nhật các thành viên của CLB đều thay phiên nhau đứng lớp, hôm thì dạy tiếng Anh, hôm thì dạy kỹ năng giao tiếp, các tư thế võ…
Bé Nguyễn Thị  Kim Mai giờ đây đã nhớ và  phát âm hết các mặt chữ.
Bé Nguyễn Thị Kim Mai giờ đây đã nhớ và phát âm hết các mặt chữ.

Hiện Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh đang nhận nuôi dưỡng 350 người bao gồm: người già không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, khuyết tật và trẻ lang thang. Với điều kiện hiện có, các nhân viên tại Trung tâm cũng chỉ có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và kèm thêm đối với các em mồ côi và còn đi học. Còn việc dạy thêm kiến thức, theo chị Phan Thị Trung, nhân viên khu người già và khuyết tật tại Trung tâm thì, công việc hằng ngày của các chị rất bận rộn khi phải chăm sóc cho nhiều người, nhưng khó khăn hơn cả là việc dạy chữ được cho các cháu bị khuyết tật. Chị Lê Thị Vân, Phó Trưởng phòng Quản lý chăm sóc người già và người khuyết tật cho biết: “Hiện Trung tâm có 3 khu vực: khu các cháu mồ côi còn đi học; khu người già, người khuyết tật; người tâm thần, lang thang. Mỗi năm Trung tâm vẫn tổ chức các chương trình vui chơi, giao lưu cho các cháu nhân các sự kiện như Tết thiếu nhi, Tết Trung thu... Việc dạy học, dạy kỹ năng là ngoài khả năng của các nhân viên tại Trung tâm. Thế nhưng, trong ba tháng trở lại đây, với việc các em sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên chung tay, giúp đỡ tổ chức lớp học văn hóa, kèm cặp, dạy chữ, các em tại Trung tâm học được rất nhiều điều, đặc biệt là các em tàn tật đã có thể nhận biết được mặt chữ và đánh vần”.

Để có được những lớp học như thế, các thành viên CLB Giải pháp xanh mà nòng cốt là các bạn sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đã nỗ lực bằng tất cả lòng nhiệt thành. Chính những hoạt động này cũng đã giúp các bạn sinh viên trưởng thành hơn rất nhiều. Bạn Hoàng Anh Tuấn, thành viên phụ trách các hoạt động kỹ năng tại Trung tâm của CLB cho biết, hiện có 12 thành viên trong CLB thường xuyên đến với Trung tâm để tổ chức các chương trình cho các em tại đây. Tuy có khó khăn trong việc di chuyển do đường xa, nhưng các bạn đều rất quyết tâm thực hiện các chương trình. Trong thời gian tới, ngoài việc thu hút nhiều bạn tham gia hơn nữa, CLB sẽ nỗ lực tổ chức thêm nhiều chương trình để các em tại Trung tâm được học nhiều kiến thức. Đặc biệt là giúp các em khuyết tật có thể đọc thông, viết thạo, sau đó sẽ cố gắng mời những chuyên gia về khuyết tật để có hướng giúp các em phát triển hơn trong cuộc sống về sau.

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.