Ấm áp tình quân dân vùng biên giới
Ngoài trách nhiệm giữ gìn bảo vệ vùng biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giúp dân phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là vô cùng quan trọng.
Một ngày cuối tháng mười, theo chân các chiến sĩ quân y BĐBP tỉnh chúng tôi đến buôn Drang Phôk, xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) để thăm, khám bệnh và phát thuốc cho bà con. Sáng cuối tuần, tiết trời buốt lạnh, nhưng chưa đến 7 giờ, anh em trong đội đã có mặt tại Phòng khám quân dân y kết hợp buôn Drang Phôk để khẩn trương thu dọn sân bãi, làm công tác chuẩn bị đón tiếp người dân.
Người dân ngồi trật tự chờ tới lượt thăm khám ở Phòng khám quân dân y kết hợp. |
Được tin bộ đội về khám bệnh, cấp thuốc cho dân, bà con trong buôn ai cũng háo hức có mặt từ rất sớm. Không giấu được niềm vui, chị H’Lệ Byă (21 tuổi) phấn khởi nói: “Được các chị em trong Hội Phụ nữ thông báo có chương trình cấp phát thuốc của BĐBP nên mình tranh thủ đi từ tờ mờ sáng. Chỗ mình ở xa xôi thế này nhưng bộ đội không ngại tới thăm mình rất cảm động. Nhà mình nghèo, bệnh viện lại xa quá, ngày thường bị đau ốm gì cũng đều tới phòng khám này để các y sĩ khám bệnh và cho thuốc về uống. Các y bác sĩ ở đây ai cũng nhiệt tình và tốt với bà con mình lắm!”.
Nhà cách phòng khám quân dân y gần 10 km nhưng chị H’ hoách (22 tuổi) là một trong những người dân có mặt sớm nhất. Chị bộc bạch: “Buôn Drang Phôk nằm cách trung tâm xã hơn 18 km, đường sá xa xôi nên chỉ khi ốm nặng bà con mới đi bệnh viện. Nhờ năm nào bộ đội cũng về đây thăm hỏi, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, nên bà con mình yên tâm lắm. Trước đây có nhiều người mắc bệnh cả tháng trời, phải cúng mo, tế thần tốn nhiều tiền bạc, heo, gà... mà đâu có khỏi. Nhờ bộ đội chỉ cho dân làng mình, muốn có sức khỏe tốt là phải ăn uống sạch sẽ, sống vệ sinh, nằm ngủ mắc màn, nuôi trâu bò, heo gà xa nhà là hết bệnh ngay thôi!”.
Cán bộ quân y Bộ đội Biên phòng khám bệnh cho người dân. |
Có lẽ trong số người đến khám bệnh thì chị H’Tin Knul là bệnh nhân “đặc biệt” hơn cả. Chị đến từ sớm nhưng ngồi yên lặng một góc, không chen lấn, dáng vẻ của chị ra chiều có gì đó ngại ngùng không thể nói. Thấy vậy, một nữ cán bộ quân y nhẹ nhàng đến trò chuyện với chị. Sau vài phút ngập ngừng, chị H’ Tin mới giãi bày hoàn cảnh của mình. Chuyện là chị năm nay mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 6 người con. Vì đông con, gia cảnh lại nghèo nên đời sống đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Chị tâm sự: “Mình cũng muốn đi triệt sản nhiều lần nhưng chồng mình bảo thủ lắm, cứ nói “trời sinh voi sinh cỏ” nên cứ đẻ. Nhìn bọn trẻ thiếu thốn không được đầy đủ như con của người khác mình thương lắm. Thấy mình đông con, các chị em trong Hội Phụ nữ buôn vận động mình tham gia buổi khám bệnh này, bảo rằng có các bác sĩ quân y của BĐBP về thăm khám, phát thuốc và tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho chị em nên mình mừng lắm. Được các bác sĩ quân y nhiệt tình chia sẻ những thắc mắc lâu nay không biết hỏi ai, chỉ cho mình thấy những hạn chế của việc đông con, sau buổi khám bệnh này mình sẽ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, quyết tâm chăm lo làm ăn giỏi, nuôi con tốt.”
Thiếu tá Nguyễn Tiến Thanh, Phó Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Sêrêpôk cho biết: Buôn Drang Phôk có 109 hộ dân với gần 455 nhân khẩu thì trong đó quá nửa là thuộc diện nghèo và cận nghèo. Do địa bàn sinh sống trong khu vực núi rừng vùng giáp biên giới, mưu sinh chủ yếu là chăn nuôi và trồng lúa nước, hoa màu, nhưng bà con thường chăn nuôi gia súc, gia cầm sát ngay dưới sàn nhà, ở lại rừng săn thú nhiều ngày không mắc màn có tẩm thuốc diệt muỗi khi ngủ, nên người dân hay mắc tiêu chảy và sốt rét. Những năm trước do việc đi lại xa xôi cách trở, gây cho bà con tâm lý “ngại” khám sức khỏe, chỉ khi bị ốm đau quá nặng mới tới bệnh viện, trạm y tế xã để chữa trị. Nắm bắt được tâm lý đó, BĐBP tỉnh đã thành lập Phòng khám quân dân y kết hợp đặt tại buôn Drang phôk để khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con vùng giáp biên. Thành lập từ năm 2009, tới nay phòng khám đã tổ chức khám, cấp thuốc chữa bệnh miễn phí và sơ cứu ban đầu cho nhân dân cũng như cán bộ nhân viên một số trạm Kiểm lâm thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn được 6123 ca, với tổng giá trị thuốc và dụng cụ y tế trên 250 triệu đồng. Ngoài ra phòng khám còn phối hợp với Trạm Y tế xã Krông Na tổ chức khám sàng lọc, tiêm chủng, cho uống thuốc phòng đối với 290 lượt bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ và 370 lượt trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng. “Năm nào đơn vị cũng tổ chức thăm, khám, phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo vùng biên giới. Hằng quý, quân y đơn vị còn tổ chức xuống tận nhà thăm khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng gia đình chính sách, người già neo đơn. Mỗi khi nghe nói có bộ đội về bà con vui mừng lắm, có lúc còn được bà con cho quà, đôi khi chỉ là buồng chuối chặt vội, hay nhánh lan rừng,... nhưng món quà quý giá nhất đối với chúng tôi chính là tình cảm chân thành mà người dân dành cho người lính biên phòng” - thiếu tá Thanh chia sẻ.
Kết thúc buổi thăm khám vào lúc đã nhá nhem chiều, chia tay Drang Phôk, nơi có những người dân thật thà, chất phác, chúng tôi lên đường trở về thành phố với mong muốn đời sống bà con sẽ ngày càng phát triển, diện mạo buôn làng ngày càng khởi sắc đi lên. Một lần đến vùng biên với người lính Biên phòng mới thấy những việc làm thiết thực, đầy nghĩa tình của các anh đã để lại trong lòng nhân dân những tình cảm sâu nặng. Với chúng tôi, ngoài hình ảnh người lính biên phòng cương nghị, cứng rắn, ngày đêm luôn vững vàng tay súng trên tuyến đầu Tổ quốc, các anh còn sáng ngời hình tượng người Bộ đội Cụ Hồ luôn gần gũi, chân thành, nặng nghĩa tình với người dân nghèo miền biên giới.
Hồng Chuyên
Ý kiến bạn đọc