Multimedia Đọc Báo in

Cần có chính sách riêng đối với việc sử dụng lao động đặc thù, theo thời vụ

09:20, 05/11/2014
Việc ký kết hợp đồng lao động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động như chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), thất nghiệp hoặc trường hợp bị chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
 
Vì vậy, đối với các trường hợp lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên đều phải đóng BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhưng sau đó nếu tiếp tục ký tiếp hợp đồng với người lao động thì người sử dụng lao động vẫn phải đóng BHXH bắt buộc. Việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động là cần thiết nhưng ở khía cạnh nào đó đã gây khó khăn cho DN và cho cả chính người lao động. Điều này thường xảy ra ở các DN nhỏ và rất nhỏ thường chỉ có vài ba nhân viên và mới đi vào hoạt động với quy mô nhỏ.

Có thể lấy ví dụ như trường hợp các văn phòng công chứng tư nhân mới thành lập, doanh thu mỗi tháng từ phí công chứng và tiền thù lao soạn thảo các hợp đồng, giao dịch chỉ khoảng 6-7 triệu đồng nhưng vẫn phải có đầy đủ bộ máy. Ngoài công chứng viên đứng đầu văn phòng công chứng thì ít nhất phải có thêm 2 lao động khác là 1 kế toán (kế toán là bắt buộc) và 1 nhân viên hành chính. Số tiền lương phải trả cho 2 lao động này ít nhất là 4 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn phải nộp các khoản khác như: thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, hay tiền thuê mặt bằng, điện nước, giấy tờ... ít nhất cũng thêm 2 triệu đồng/tháng nữa. Do đó, lợi nhuận của văn phòng công chứng coi như bằng không, nếu có thì rất ít, thậm chí những năm đầu người đứng đầu văn phòng công chứng làm không lương, nhiều khi còn thua lỗ. Vì vậy, trong trường hợp này nếu buộc văn phòng công chứng phải đóng BHXH cho người lao động làm việc theo thời vụ, đặc thù nghề thì rất khó, nhất là đối với nhân viên kế toán mỗi tháng chỉ làm vài ngày hoặc có việc thì mới đi làm còn không thì ở nhà.

Theo quy định pháp luật bất cứ DN tư nhân nào dù lớn hay nhỏ đều phải có nhân viên kế toán để làm sổ sách, quyết toán thu - chi, khai thuế của DN... Tuy nhiên, kế toán là công việc mang tính đặc thù, ở một số doanh nghiệp, nhất là DN nhỏ và rất nhỏ thì chỉ thuê kế toán làm quyết toán thuế, xuất hóa đơn vài ngày là xong. Do đó, nếu bắt buộc DN phải đóng BHXH cho những người này như những người lao động khác làm việc thường xuyên thì không hợp lý. Mặt khác, do có tính thời vụ, chủ yếu là làm thêm nên một người làm công tác kế toán có thể làm việc cho nhiều DN, vì vậy nếu buộc DN phải đóng BHXH cho họ thì DN nào đứng ra đóng và mức đóng bao nhiêu cũng rất phức tạp, khó xác định. Ngoài ra, trong trường hợp DN mới thành lập còn khó khăn hoặc hoạt động cầm chừng, chưa có doanh thu mà vẫn buộc phải đóng BHXH cho những người lao động theo dạng thời vụ, đặc thù như trên là chưa thỏa đáng, chưa khuyến khích được người dân thành lập DN làm ăn, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nếu cứng nhắc buộc DN phải đóng BHXH cho người lao động đặc thù, lao động theo việc như nhân viên kế toán, nhân viên kỹ thuật, sửa chữa máy móc làm theo vụ việc còn gây khó khăn cho chính người lao động. Bởi vì, người lao động muốn có việc làm nên trong thời gian tạm nghỉ chờ việc họ không đòi hỏi bất cứ chế độ gì một cách hoàn toàn tự nguyện.

Vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét quy định những trường hợp không bắt buộc phải đóng BHXH cho người lao động làm việc thời vụ, đặc thù như nhân viên kế toán, nhân viên kỹ thuật, sửa chữa máy móc, bảo dưỡng thiết bị định kỳ... không thường xuyên làm việc hoặc chỉ làm một vài ngày trong tháng ở các DN nhỏ, rất nhỏ. Đây là việc làm thiết thực tháo gỡ khó khăn cho những DN nhỏ, DN mới thành lập khi hợp đồng với những người làm việc theo thời vụ, đặc thù góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời giải quyết bài toán về việc làm, thu nhập cho người lao động nhàn rỗi, người lao động thất nghiệp hoặc những người muốn làm thêm tăng thu nhập.

Phạm Văn Chung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.