20:03, 29/11/2014
Quê ở Thanh Hóa, năm 1992, ông Lê Năng Mười đưa gia đình vào Dak Lak lập nghiệp ở thôn 13, xã Ea Ktur (Cư Kuin). Ở vùng đất mới, ông Mười khai khẩn đất hoang để trồng cà phê, xen cây ngắn ngày với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.
Bên cạnh đó, ông còn nhận liên kết 5 sào cà phê của Công ty Cà phê Ea Sim để chăm sóc. Năm 2006, ông trồng xen 650 trụ tiêu trong vườn cà phê, dùng trụ xây gạch, trồng mỗi trụ 2 cây giống. Từ đó kinh tế gia đình dần ổn định, ông tiếp tục mở rộng, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với 3 đợt xuất chuồng, mỗi năm ông bán ra thị trường gần 4 tấn thịt heo thương phẩm, hàng nghìn con gà, vịt. Ông Mười còn xây dựng hệ thống hầm biogas và làm đệm lót sinh học, tận dụng chất thải từ chăn nuôi làm phân bón cho cà phê, tiêu. Ông Lê Năng Mười chia sẻ kinh nghiệm: Trồng cà phê xen cây tiêu, ngoài việc tận dụng nguồn thu quanh năm, còn giúp hạn chế sâu bệnh trên cây tiêu và tận dụng được nguồn nước tưới trong mùa khô. Với mô hình chăn nuôi khép kín kết hợp này, mỗi năm gia đình ông thu về hàng trăm triệu đồng.
|
Ông Lê Năng Mười thu hoạch cà phê. |
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, từ năm 2007 ông Mười còn tham gia công tác Hội Nông dân, rồi được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ktur. Ông luôn tích cực trong các hoạt động của Hội, tham mưu với Huyện Hội mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân. Ông cũng đi đầu trong việc áp dụng những phương pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, rút kinh nghiệm từ bản thân rồi hướng dẫn trực tiếp cho các hộ khác để họ áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Nhờ đó, nhiều người ở địa phương được tiếp thu và vận dụng các mô hình hay, các biện pháp kỹ thuật mới trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi…
Với việc phát triển kinh tế ổn định và nhiệt tình trong công tác Hội, ông Lê Năng Mười nhiều lần được các cấp khen tặng và là một trong 20 hộ nông dân tiêu biểu được vinh danh trong Lễ hội Cà phê năm 2013.
An Phương
Ý kiến bạn đọc