Cơ cực nghề hầm than thuê
Với nguồn nguyên liệu củi đốt dồi dào, mấy năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã bỏ tiền ra để xây dựng lò đốt than, kéo theo đó, các chủ lò đã thuê những “chuyên gia” hầm than ở các tỉnh miền Tây lên để làm việc. Họ là những người có “bí kíp” hầm than (đốt than) lâu đời nhưng do hoàn cảnh nghèo khó nên phải bỏ xứ ngược lên cao nguyên để mưu sinh.
Ông Nguyễn Công Thống, một người có gần 20 năm kinh nghiệm hầm than ở xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) cho biết, ở xứ ông sinh sống hầu như nhà nào cũng làm nghề hầm than. Nhà nào có điều kiện thì tự mở lò, còn không thì đi hầm than thuê . Trước đây, người dân ở đây chỉ đi hầm than thuê cho các tỉnh ở khu vực miền Tây, nhưng mấy năm nay, những thợ lò ở đây bắt đầu ngược lên các tỉnh Tây Nguyên mưu sinh. Cách đây 2 tháng, nhiều người đi hầm than thuê về kể ở trên cao nguyên đang cần rất nhiều thợ lò và trả công cao. Nghe bùi tai, hai vợ chồng ông với 4 người con và 4 đứa cháu nhỏ dắt díu nhau lên Dak Lak nhận hầm than thuê cho một chủ lò ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar với tiền công khoảng 10 triệu đồng/lò (từ chất củi đốt cho đến khi than ra lò). Để hầm được than trước tiên phải xây lò. Lò được xây từ gạch thẻ và đất bùn, có hình bầu tròn giống như chiếc nón úp xuống, cao khoảng 3m, đường kính khoảng 4 - 5m, có cửa lò để chất củi vào và lấy than. Sau khi chất củi đầy lò, thợ lò sẽ bịt cửa lò, chờ khoảng 3 ngày để cho cửa lò khô thì bắt đầu chất củi vào bếp chụm lửa. Hơi nóng từ bếp chụm lửa sẽ lan tỏa vào trong lò làm củi chín thành than. “Người hầm than sẽ dùng kinh nghiệm của mình quan sát, ngửi và nhìn màu khói để biết than trong lò đã chín hay chưa. Thời gian để hầm một lò than từ 1-2 tháng tùy thuộc vào diện tích lò, củi hầm than to nhỏ”, ông Thống chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Thống đang điều chỉnh lửa ở bếp chụm để hầm chín than. |
Khệ nệ bê những cây củi xếp vào lò, ông than thở: “Nghề này cực lắm chú ơi! Mấy cha con phải thức sáng đêm để canh lửa, chụm củi, không may sơ sẩy để hư than thì chủ lò bắt đền chết. Thương nhất là mấy đứa cháu nhỏ, lên đây thời tiết lạnh nên cứ ho suốt”. Cạnh đó, vợ ông đang ngồi nhặt rau để chuẩn bị cơm trưa cho cả nhà thấy vậy rầu rĩ: “ Ổng bị thấp khớp mấy năm rồi, không có tiền chữa trị mà vẫn phải làm việc nên bệnh càng ngày càng nặng”. Nhìn sang đứa cháu lớn phải dở giang việc học hành theo gia đình lên đây mắt bà ngấn lệ, tiếng nói cứ nghèn ngẹn trong cổ họng: “Mấy hôm rồi thầy giáo chủ nhiệm cứ gọi miết bảo đưa nó về đi học nhưng giờ lỡ lên đây rồi, phải đốt xong than cho người ta thì mới có tiền đưa nó về. Với lại ở dưới đó chủ nợ giục quá trời, về mà không có tiền trả cho họ thì cũng không xong. Thôi ráng bám trụ thêm thời gian nữa”.
Ngoài vườn, những người con trai, con gái, dâu rể của hai ông bà hì hục cắt những cây gỗ muồng nhà, cà phê ra thành những khúc củi chiều dài khoảng nửa mét để chuẩn bị nguyên liệu cho lò than mới. Những đứa trẻ con cũng vô tư vui chơi bên cạnh. Anh con trai lớn xoa đầu đứa con đang học lớp ba phải bỏ dở theo ba, má lên đây mưu sinh nói: “Ráng ít bữa nữa rồi ba đưa con về quê đi học lại, phải gắng học mới mong thoát khỏi được cái nghề cơ cực này con nhé!”. Chia tay đại gia đình hầm than thuê, tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh những đứa trẻ nheo nhóc, nhem nhuốc vì bụi than, liệu rồi ông bà, bố mẹ chúng có kiếm đủ tiền để cho chúng về đi học lại; hay rồi những lò than ở nơi khác chuẩn bị đỏ lửa lại đưa họ đi, để tương lai của những đứa trẻ cũng trở nên bất định.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc