Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ Câu lạc bộ tiền hôn nhân ở huyện Krông Pak

09:49, 29/12/2015

Thông qua những buổi tư vấn, các hoạt động thiết thực, thời gian qua, các Câu lạc bộ tiền hôn nhân (CLBTHN) ở huyện Krông Pak đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên, đồng thời giúp họ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.

Từ năm 2011, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) huyện Krông Pak đã triển khai thí điểm mô hình CLBTHN tại 5 xã, thị trấn (gồm Hòa Tiến, Hòa An, Ea Knuêc, Ea Kly, Phước An) nhằm cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi cho vị thành niên, thanh niên trên địa bàn, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Trải qua hơn 3 năm hoạt động, các CLB này đã thực sự trở thành cầu nối giúp các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, tư vấn về những vấn đề liên quan đến SKSS, KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS cũng như các vấn đề cần biết trước khi kết hôn... Ông Bùi Phụng, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Krông Pak đánh giá: “Mô hình CLBTHN rất cần thiết đối với thanh niên, vị thành niên. Các kiến thức được tiếp nhận ở CLB sẽ giúp các bạn trẻ lựa chọn cách tốt nhất để bảo vệ bản thân, CSSKSS cũng như chuẩn bị đầy đủ tâm thế trước khi kết hôn. Không những thế, hoạt động này cũng đã thúc đẩy sự phối hợp, tạo hiệu quả kép giữa các hoạt động của tuổi trẻ và dân số, góp phần đưa hoạt động dân số ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Trên thực tế, hiệu quả dễ thấy nhất mà các CLB này đem lại là sự thay đổi nhận thức của các thành viên CLB thể hiện bằng các hành động cụ thể như: tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, biết sử dụng các biện pháp tránh mang thai ngoài ý muốn; khi mang thai đã đến cơ sở y tế để khám sàng lọc trước, trong và sau sinh…”.
Chủ nhiệm CLBTHN thôn 1 xã Hòa Tiến Nguyễn Hữu Tuấn cùng thành viên CLB tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản.
Chủ nhiệm CLBTHN thôn 1 xã Hòa Tiến Nguyễn Hữu Tuấn cùng thành viên CLB tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản.

Tìm hiểu thực tế tại 2 CLBTHN ở xã Hòa Tiến mới thấy, CLB thực sự là “sân chơi” bổ ích dành cho các bạn trẻ trên địa bàn. Theo chị Bùi Thị Kim Ngân, Bí thư Đoàn xã Hòa Tiến, Chủ nhiệm CLBTHN ở thôn 2: “CLBTHN là một mô hình bổ ích cho giới trẻ, đặc biệt là đối với thanh niên vùng nông thôn. Bởi, không ít bạn trẻ là con em gia đình khó khăn, đôi khi không được học hành nhiều, lại phải lo lao động để phụ giúp gia đình nên ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo, tìm hiểu những thông tin liên quan đến sức khỏe bản thân và tích lũy kinh nghiệm cho cuộc sống gia đình sắp tới. Đến thời điểm này, CLBTHN thôn 2 đã thu hút được 30 thành viên ở độ tuổi từ 16 đến 30 tham gia. Mỗi kỳ sinh hoạt của CLB, các thành viên đều tham dự đầy đủ. Thông qua đó, mỗi thành viên không chỉ tiếp nhận những kiến thức cho riêng mình mà còn trở thành một tuyên truyền viên đắc lực về sức khỏe, giới tính trong cộng đồng dân cư”. Còn anh Nguyễn Hữu Tuấn, Chủ nhiệm CLBTHN thôn 1 chia sẻ: “Từ khi được thành lập đến nay, CLB đều duy trì sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần. Qua mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên CLB được trang bị những kiến thức cần thiết và định hướng phát triển tâm sinh lý đúng đắn, phù hợp lứa tuổi, cách giao tiếp ứng xử với người khác giới… gắn với giao lưu vui chơi, giải trí, nhằm nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng. Ngoài những thành viên CLB, trong mỗi buổi sinh hoạt, chúng tôi còn mời cả các bậc phụ huynh tham gia để từ đó định hướng giáo dục các thành viên ở lứa tuổi vị thành niên trong gia đình. Nhờ hoạt động đều đặn, nội dung sinh hoạt phù hợp thực tế, nên đến thời điểm này, trong số 28 thành viên của CLB đã có 10 cặp vợ chồng kết hôn đúng độ tuổi quy định và tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn”.

Quả thực, việc triển khai mô hình CLBTHN ở xã Hòa Tiến đã giúp nhiều bạn trẻ có suy nghĩ đúng, hình thành các mối quan hệ lành mạnh, trong sáng về tình bạn, tình yêu và hôn nhân gia đình; nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, tự nguyện chủ động đến cơ sở y tế kiểm tra tình trạng sức khỏe trước khi kết hôn để được phát hiện sớm, điều trị, phòng ngừa các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trước khi lập gia đình, sinh con. Đồng thời, việc trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản cũng giúp giảm tình trạng nạo phá thai, mang thai ở tuổi vị thành niên, duy trì hôn nhân bền vững, sinh con khỏe mạnh. Chia sẻ về lợi ích khi tham gia CLB này, chị Lương Hoàng Kim Chi, thành viên CLBTHN thôn 1, xã Hòa An bộc bạch: “CLBTHN đã trang bị cho em kỹ năng  sống và những kiến thức cơ bản về sức khỏe sinh sản để có thêm hành trang bước vào cuộc hôn nhân sắp tới”.

Có thể nói, với các hoạt động thiết thực, mang tính xã hội cao mà CLBTHN mang lại đã giúp nhiều bạn trẻ trên địa bàn huyện Krông Pak được  trang bị những kiến thức hữu ích về tình yêu, hôn nhân, gia đình, từ đó, góp phần tạo dựng cuộc sống lành mạnh, hạnh phúc sau khi kết hôn. Song, để các CLB có sự hoạt động hiệu quả hơn theo nội dung đã đề ra, rất cần sự đầu tư nhiều hơn về kinh phí và công tác tập huấn. Có như vậy, tác động xã hội sẽ rộng và trở thành mô hình hoạt động thường xuyên trong cộng đồng dân cư.

Kim oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.