Huy động sức dân xây dựng nhà văn hóa
Trong khi nguồn kinh phí từ ngân sách còn hạn hẹp, người dân các địa phương trong tỉnh đã nêu cao tinh thần tự giác, góp tiền, hiến đất xây dựng công trình công cộng.
Hàng chục năm nay, người dân thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) không có mặt bằng cũng như kinh phí để xây dựng nhà văn hóa nên việc tổ chức các buổi họp dân, Ban tự quản thôn phải loay hoay nhờ hết hộ này đến hộ khác. Những ngày nắng ráo thì không sao, nhưng những ngày mưa gió, các cuộc họp có số lượng người tham gia đông, thì cực kỳ khó khăn và rất phiền toái. Xác định nhà văn hóa là ngôi nhà chung, là nơi gắn kết giữa người dân các khu dân cư với nhau và đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, từ giữa năm 2014, Ban tự quản thôn đã tuyên truyền, vận động người dân đóng góp tiền, ngày công xây nhà văn hóa thôn Đoàn Kết. Ngay từ khi bắt tay vào triển khai việc xây dựng nhà văn hóa, thôn xác định tuyên truyền là khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định hiệu quả của phong trào, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Tuy nhiên, khi bàn đến kinh phí đóng góp, vẫn còn một số hộ đắn đo, băn khoăn, phần vì tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phần vì số tiền đóng góp rất lớn, trong khi điều kiện kinh tế các hộ vẫn còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, sau nhiều lần tổ chức họp, bàn bạc, các hộ đã nhận thức đúng đắn về chủ trương làm nhà văn hóa bằng nội lực và tham gia nhiệt tình. Đặc biệt, trước tấm gương của gia đình ông Dậu, một người dân không cư trú tại địa bàn, nhưng đã tự nguyện hỗ trợ tiền mặt 50 triệu đồng và hiến một phần đất nhà mình để thôn xây nhà văn hóa thì tất cả mọi người dân đã không còn đắn đo, băn khoăn nữa mà tin tưởng, tự giác làm theo. Theo phương án đưa ra, 1 ha đất sản xuất phải đóng góp 500.000 đồng, cứ thế hộ nào nhiều đất thì đóng nhiều, hộ ít đất đóng ít. Qua vận động, thôn Đoàn Kết đã huy động được 200 triệu đồng tiền mặt do nhân dân đóng góp, nhờ đó, đầu tháng 6-2014, nhà văn hóa thôn đã được khởi công xây dựng. Sau 2 tháng triển khai, đến cuối tháng 8, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của người dân. Ông Nguyễn Đức Hiển, trưởng thôn Đoàn Kết cho biết, với diện tích 120 m2, nhà văn hóa đủ sức chứa cho khoảng 200 người trong các buổi họp dân. Đây là kết quả của sự đoàn kết, đồng sức đồng lòng của người dân trong thôn.
Nhà văn hóa thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M'gar) được đưa vào sử dụng trong tháng 8-2014. |
Trong khi đó, tại thôn Cao Bằng, xã Ea Knuêh (huyện Krông Pak) người dân cũng đóng góp hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn trong năm nay. Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, mỗi lần họp dân, Ban tự quản thôn phải chạy ngược chạy xuôi mượn nhà dân, có khi phải nhờ phòng học của lớp mẫu giáo trong thôn, diện tích vừa nhỏ, bàn ghế thiếu nên kẻ đứng người ngồi rất lộn xộn. Đối với những cuộc họp dân bình thường thì không sao, nhưng với những lúc tổ chức cuộc họp quan trọng, triển khai các chủ trương, chính sách từ cấp trên đòi hỏi nhiều thời gian, do không có chỗ ngồi nên người dân rất e ngại, dè chừng việc đi họp. Đa số người dân thôn Cao Bằng là đồng bào Nùng từ các tỉnh phía Bắc chuyển đến, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng sau khi tuyên truyền, vận động đóng góp kinh phí để làm nhà văn hóa, đông đảo bà con hưởng ứng. Một thuận lợi nữa là thôn đã có sẵn quỹ đất, mặt bằng nên không phải “loay hoay” tìm kiếm đất xây dựng nhà văn hóa như một số thôn, buôn khác.
Với lợi thế đó, Ban tự quản thôn đã họp dân và đưa ra mức đóng góp 1,2 triệu đồng/hộ, với tinh thần “đảng viên đi trước dân bước theo sau”. Một điều đáng ghi nhận khi triển khai góp tiền làm nhà văn hóa thôn Cao Bằng, ngoài sự gương mẫu của đảng viên, những hộ thuộc diện hộ nghèo tiên phong đóng trước. Đơn cử như hộ anh Phan Văn Cảnh, hộ anh Đàm Văn Bằng, mặc dù chưa có nhà phải mượn nhà người quen tá túc, thu nhập cũng từ việc làm thuê cuốc mướn, thế nhưng các gia đình đã không hề đắn đo khi nộp tiền làm nhà văn hóa. Ngoài ra, để hoàn thành công trình rộng hơn 90 m2, được xây bằng tường kiên cố, lợp mái tôn… theo tiêu chuẩn của xây dựng nông thôn mới, Ban tự quản thôn còn tích cực đến tận rẫy của các hộ có đất canh tác tại thôn và doanh nghiệp có đất sản xuất trên địa bàn thôn để vận động. Kết quả, thôn đã huy động hơn 100 triệu đồng từ phía người dân, Công ty TNHH Một thành viên Cà phê 15 hỗ trợ 10 triệu đồng mua máy móc, thiết bị phục vụ các buổi họp dân.
Từ kinh nghiệm ở 2 địa phương trên cho thấy, để triển khai việc huy động được sức dân, cần bảo đảm công khai, dân chủ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cùng với đó, để mọi việc huy động không trở thành gánh nặng cho dân, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc