Multimedia Đọc Báo in

Mãi xanh màu áo tình nguyện

09:00, 30/12/2015

Được phát động từ năm 2000, đến nay phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã thực sự tạo nên một hình ảnh đẹp về lớp thanh niên biết sống vì mọi người, vì cộng đồng, có trách nhiệm với sự phát triển của xã hội và chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hằng năm, cứ vào mùa thu hoạch cà phê, người dân thôn 6a và 6b, xã Ea Ô (Ea Kar) lại rất vất vả trong việc vận chuyển nông sản. Nguyên nhân chính là có một con suối rộng chừng 7 m chạy ngang qua địa phận của hai thôn. Bao năm qua người dân phải qua suối bằng hai cây cầu gỗ, vừa nhỏ hẹp, lại rất mất an toàn và chỉ sử dụng được trong mùa khô, vào mùa mưa mỗi lần nước lên cao là lại bị cuốn trôi. Bà Nguyễn Thị Liên, trú thôn 6b, có nhà ngay sát con suối đã quá quen với việc chạy ra cứu những chiếc xe chở nông sản, xe gắn máy bị sập ngay tại cầu để không bị nước cuốn trôi… Đầu năm 2014 vừa qua, hai cây cầu nông thôn đã được các đoàn viên thanh niên xây dựng, là một niềm vui lớn của người dân nơi đây. Ông Ngân Văn Ao, trú thôn 6a, xúc động cho tâm sự: “Đã 20 năm người dân quá vất vả trong việc đi lại. Giờ đây, khi cây cầu do chính các thanh niên tình nguyện hoàn thành thì  giấc mơ của tôi cũng như của bà con nơi đây đã trở thành hiện thực rồi”. Hai cây cầu nông thôn tại xã Ea Ô chỉ là một trong những phần việc của đoàn viên thanh niên tỉnh Dak Lak trong 15 năm xây dựng và phát triển phong trào “Thanh niên tình nguyện”.
 Nhiều  công trình thanh niên đã được  các bạn sinh viên tình nguyện mùa hè xanh hoàn thành, mang lại  lợi ích  cho đời sống nhân dân  tại các  vùng sâu, vùng xa  của tỉnh.
Thanh niên tình nguyện tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn ở huyện Ea Kar

Cẩn thận gấp chiếc mũ và cái áo màu đỏ mà chỉ có những tình nguyện viên của chương trình “Hành trình đỏ” có được, bạn Hoàng Thị Giang, trú xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar) không khỏi xúc động: “Đối với em được tham dự vào chương trình và hiến máu cứu người là một hành động đã cho em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Hành trình đỏ là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, đặc biệt là với những người mắc căn bệnh thalessami và những người thiếu máu. Em tự hào là một trong những tình nguyện viên đầu tiên trong hành trình này”. Vào mùa hè năm 2013, có một sự kiện đã gắn với phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh, đó chính là “Ngày hội hiến máu tình nguyện – Tình người Tây Nguyên” lần thứ nhất do chương trình “Hành trình đỏ” tổ chức tại Dak Lak. 1.800 đoàn viên thanh niên, cán bộ công nhân viên chức, tình nguyện viên và nhân dân trong toàn tỉnh tham dự hiến máu trong ngày hội. Đây có lẽ là một sự kiện đưa phong trào hiến máu tình nguyện của tỉnh lên một bước mới. Tính đến nay, phong trào này đã thu hút được 98.800 lượt thanh niên tham gia hiến máu nhân đạo và thu được 61.798 đơn vị máu, qua đó đã giúp rất nhiều bệnh nhân thoát khỏi cơn hiểm nghèo…

Và không thể không kể đến Chiến dịch Thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh được tổ chức hằng năm. Chính phong trào này đã mang màu áo xanh tình nguyện về với người dân tại các buôn làng xa xôi, khó khăn nhất của tỉnh để thực hiện những công trình và phần việc thanh niên mang lại lợi ích cho nhân dân… Trong 15 năm qua, các hoạt động của phong trào tình nguyện đã trở thành một “ngọn lửa” cháy mãi trong tinh thần của đoàn viên thanh niên Dak Lak, thắp lên nhiệt huyết sáng tạo và hoài bão cống hiến. Qua từng mùa chiến dịch tình nguyện, phong trào dần khẳng định ý nghĩa và sự lan tỏa, không chỉ thể hiện ở số lượng tình nguyện viên tham gia mỗi năm mà còn ở những công trình, phần việc thanh niên rất thiết thực đối với người dân. Thông qua các phong trào tình nguyện, đến nay tuổi trẻ Dak Lak đã đóng góp hơn 7,83 triệu ngày công, xây dựng được 6.510 công trình, phần việc thanh niên trị giá gần 53 tỷ đồng. Tổ chức Đoàn các cấp đã phối hợp tổ chức được 3.479 hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu với 971.261 lượt tình nguyện viên tham gia; thu gom 2.510 tấn rác thải, trồng 975.000 cây xanh, xây dựng 178 đoạn đường thanh niên tự quản xanh - sạch - đẹp với 1.131 công trình, phần việc thanh niên về môi trường. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, phong trào “Bốn mới trong thanh niên nông thôn” thu hút được nhiều nguồn lực hỗ trợ; tổ chức được gần 1.500 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 71.700 đoàn viên thanh niên; giải ngân được 394 tỷ đồng cho 618 tổ tiết kiệm vay vốn hỗ trợ cho thanh niên phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập; duy trì và phát triển các mô hình có hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, như: Câu lạc bộ khuyến nông, khuyến lâm thanh niên, Tổ đổi công, Tổ góp vốn, Trang trại trẻ... Những hoạt động trong các phong trào tình nguyện này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, mà còn mang lại những giá trị tinh thần, rèn luyện phẩm chất đạo đức và đào tạo được những thế hệ thanh niên biết sống và cống hiến cho cộng đồng.

Có thể nói, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã tạo dựng hình ảnh đẹp về tuổi trẻ Dak Lak giàu lòng yêu nước, xung kích không quản ngại khó khăn, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh và văn minh. Phát huy những kết quả đã đạt được, anh Y Nhuần Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, trong thời gian tới, các hoạt động tình nguyện sẽ được đổi mới, đa dạng hóa phương thức và tổ chức thêm nhiều chương trình, hoạt động để đoàn viên thanh niên có cơ hội tham gia. Tiếp tục triển khai các chương trình hành động, phong trào tình nguyện hướng về cơ sở, những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội, gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và vì cuộc sống cộng đồng…

Hoàng Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.