Multimedia Đọc Báo in

Nguồn lực cho Y tế học đường: Những "lỗ hổng" cần được lấp đầy (Kỳ cuối)

10:21, 26/12/2014

Kỳ cuối: Đầu tư nguồn lực – yêu cầu bức thiết

Hiện nay, khi dịch bệnh bùng phát rộng rãi, bệnh học đường tăng cao thì nhiệm vụ và trách nhiệm của nhân viên y tế học đường càng nặng nề hơn, đòi hỏi yêu cầu cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Do đó, việc đầu tư nguồn lực cho y tế học đường ở các trường là yêu cầu bức thiết.

Thay đổi quan niệm xem nhẹ y tế trường học

Từ năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định đưa công tác y tế trường học (YTTH) là Chương trình mục tiêu Quốc gia. Bên cạnh đó, YTTH còn là một trong những tiêu chí bắt buộc trong quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia. Những điều này càng khẳng định hơn vai trò quan trọng của y tế trong nhà trường. Nhìn nhận một cách công tâm, trong những năm gần đây, công tác y tế học đường tại các cơ sở giáo dục đã được quan tâm hơn. Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Y tế tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe học đường. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội triển khai công tác bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên; chú trọng công tác tuyên truyền vận động học sinh, sinh viên tự nguyện tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định, bảo đảm đầy đủ và kịp thời quyền lợi của người tham gia; đồng thời sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí từ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chi cho hoạt động YTTH (hằng năm, các trường chỉ được trích lại 10,8% trong tổng số tiền nộp BHYT của học sinh để tổ chức các hoạt động về y tế). Nhưng, ở nhiều nơi vẫn còn xem nhẹ công tác này hoặc chỉ làm cho có. Nói như ông Nguyễn Văn Sơn, chuyên viên phụ trách các hoạt động ngoài giờ lên lớp của Phòng GD-ĐT thành phố thì: “YTTH là “lá chắn” trong phòng ngừa và điều trị các loại bệnh phát sinh trong trường học, nhưng trên thực tế không phải ở trường nào công tác này cũng nhận được sự quan tâm đúng mức. Ở nhiều nơi, việc giao YTTH cho giáo viên, nhân viên văn phòng kiêm nhiệm đã khiến cho hoạt động y tế trong nhà trường mờ nhạt, không đáp ứng được yêu cầu, thậm chí ngay cả trong tình huống có thương tích xảy ra nhân viên YTTH kiêm nhiệm cũng không xử lý được. Chẳng hạn như, trong Hội thao cán bộ công nhân viên chức ngành Giáo dục diễn ra tháng 11 vừa qua, Ban tổ chức Hội thao không thành lập bộ phận y tế do các trường đều đã có nhân viên YTTH (có thể là chuyên trách hoặc kiêm nhiệm). Thế nhưng, khi có thương tích xảy ra, các trường, nhất là những trường có YTTH kiêm nhiệm lại chạy đôn chạy đáo tìm Ban tổ chức nhờ ứng cứu trong việc xử lý vết thương…”

Khảo sát tại một số trường học trên địa bàn tỉnh có thể thấy, vấn đề thiếu và yếu về nguồn lực y tế học đường đã trở thành “lỗ hổng” lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất – một nội dung quan trọng không kém so với việc giáo dục kiến thức cho học sinh. Tình trạng chung dễ thấy của YTTH ở không ít trường học trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa hiện nay là không có phòng y tế, thiếu trang thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiếu thuốc, phòng ốc không bảo đảm môi trường bảo quản thuốc… Nhưng rõ ràng, để giải quyết được những khó khăn, bất cập này trước hết phải thay đổi quan niệm chưa đúng về YTTH ở một bộ phận không nhỏ lãnh đạo trường học.

Nhân viên YTTH Trường Mầm non 10-3 đang lưu mẫu thức ăn để kiểm soát VSATTP.
Nhân viên YTTH Trường Mầm non 10-3 đang lưu mẫu thức ăn để kiểm soát VSATTP.

Cần chuẩn hóa đội ngũ làm Y tế trường học

Có thể nói, trong những khó khăn của YTTH hiện nay, việc nhân viên y tế trường học chưa đủ về số lượng, chưa chuẩn về chuyên môn đã khiến cho công tác này trong nhà trường không đạt được hiệu quả đề ra. Thực tế là như vậy, nhưng làm thế nào để có được đội ngũ nhân viên YTTH đạt chuẩn đang là vấn đề khó khăn đối với ngành Giáo dục. Theo ông Lưu Tiến Quang, Phó Trưởng phòng Pháp chế, công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT: “Tuy Thông tư liên tịch số 35 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ đã hướng dẫn cụ thể định mức biên chế nhân viên y tế trong trường học, nhưng đến nay nhiều trường học trên địa bàn tỉnh vẫn “loay hoay” tìm kiếm nhân lực. Bởi, trong bối cảnh dịch vụ y tế tư nhân ngày càng mở rộng với mức lương cao hơn ở trường học, cộng với điều kiện làm việc phù hợp chuyên môn thì việc thu hút người tốt nghiệp trung cấp y trở lên vào làm việc ở trường học là chuyện không hề đơn giản. Bên cạnh đó, trong thời gian qua, việc đào tạo y sĩ đa khoa ở tỉnh ta chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi đó đào tạo về trung cấp điều dưỡng thì khá đông, dẫn đến việc tuyển dụng nhân lực phù hợp với nhu cầu công việc vốn đã khó lại càng khó hơn”.

Được biết, hiện nay, để giải quyết những khó khăn trong vấn đề nhân lực, ngành Giáo dục đã đề ra giải pháp trước mắt là tổ chức đào tạo và đào tạo lại đối với nhân viên YTTH. Theo đó, ngành Giáo dục sẽ phối hợp với ngành Y tế tổ chức tập huấn chuyên môn cho những cán bộ, giáo viên, nhân viên kiêm nhiệm công tác YTTH để có thể đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của công tác này trong nhà trường. Đối với những đơn vị có nhân viên y tế là điều dưỡng hoặc những chuyên ngành khác không phải là y sĩ đa khoa hoặc bác sĩ thì sẽ khuyến khích, tạo điều kiện nâng cao trình độ. Nhưng, rõ ràng đây chỉ là giải pháp tình thế, về lâu dài vẫn cần có thêm những giải pháp khác hiệu quả hơn trong việc kiện toàn đội ngũ, chẳng hạn như đề ra chính sách hỗ trợ cho YTTH để họ yên tâm công tác, hoặc có chế độ thu hút bác sĩ đảm nhiệm công tác này… Có như vậy mới hy vọng cải thiện được tình trạng “u ám” của YTTH như hiện nay.

Thiết nghĩ, để bảo đảm cho y tế trường học làm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh theo nội dung hoạt động quy định của y tế học đường thì những nguồn lực cần thiết phải được bố trí, sắp xếp phù hợp, bởi nếu không có đủ những điều kiện tối thiểu thì YTTH có cũng chỉ mang tính hình thức, không phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, việc đầu tư cho công tác này là điều rất quan trọng và cấp thiết. Song, để làm được điều đó không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của ngành Giáo dục, Y tế mà cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.

Kim Oanh – Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


Chung tay Vì người nghèo - để không ai bị bỏ lại phía sau
“Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu mà đã và đang được tỉnh Đắk Lắk - địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.