Nguồn lực cho Y tế học đường: Những "lỗ hổng" cần lấp đầy
Kỳ II: Đâu là nguyên nhân? *
Theo quy định, các trường học phải có y tế học đường để chăm sóc sức khỏe ban đầu, cũng như tuyên truyền giáo dục sức khỏe học đường cho HS. Thế nhưng, công tác y tế học đường vẫn còn lắm gian nan mà theo nhận định của ngành Giáo dục nguyên nhân chính là do… thiếu nguồn lực.
Bác sĩ Võ Thị Kim Yến, nhân viên y tế Trường THPT Buôn Ma Thuột kiểm tra sức khỏe cho giáo viên nhà trường |
Ngay ở TP. Buôn Ma Thuột đã vậy, các địa phương khác càng khó khăn hơn. Theo thống kê đầu năm học 2014-2015 của Sở GD-ĐT, trong số 987 trường học từ bậc mầm non đến THPT, thì chỉ có 726 trường có nhân viên y tế (chiếm gần 73,6%). Cụ thể, bậc MN là 192/279 trường (gần 69%); TH là 285/422 trường (gần 68%); THCS là 195/232 trường (84%) và THPT là 54/54 trường (100%). Như vậy, toàn tỉnh hiện còn trên 26% trường học “trắng” nhân viên y tế. Đây là một trong những nỗi lo của ngành Giáo dục, bởi vai trò của y tế trường học không hề nhỏ, như lời một nhân viên y tế trường học: “Bình thường nhìn vào sẽ thấy công việc của y tế học đường có vẻ nhẹ nhàng, nhưng mỗi lần xuất hiện dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, đau mắt đỏ… thì công việc của chúng tôi rất vất vả”. Đáng quan ngại, với bậc học MN, TH, y tế học đường rất quan trọng, lẽ ra phải được “bao phủ” nhân viên y tế thì lại thiếu nhiều hơn so với các bậc học khác. Không chỉ vậy, trong số 726 nhân viên y tế trường học hiện có, số có trình độ đúng quy định chưa nhiều và đó chính là điều thực sự đáng lo.
Lý giải về việc thiếu nguồn nhân lực y tế học đường, nhiều lãnh đạo trường học cho rằng, trước hết là do mức lương và mức phụ cấp của nhân viên y tế so với công chức, viên chức khác trong nhà trường còn quá thấp nên chưa đủ “sức hút” theo nghề này. Thử làm một phép so sánh đơn giản thì thấy, giáo viên ngoài lương còn có phụ cấp thâm niên, phụ cấp đứng lớp, còn với nhân viên y tế trường học nguồn thu nhập duy nhất là lương cơ bản. Trường hợp của điều dưỡng Võ Thị Hảo, nhân viên chuyên trách y tế Trường THCS Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ điển hình. Phải đảm nhận rất nhiều hoạt động trong ngày từ chăm lo sức khỏe, tuyên truyền cho HS về vệ sinh môi trường, vệ sinh lớp học, phòng, chống dịch bệnh theo mùa… nhưng mỗi tháng thu nhập chỉ vỏn vẹn 2.570.000 đồng! Cô Hảo chia sẻ: “Em gắn bó với công việc này là do yêu thích, muốn đem kiến thức của mình giúp HS trang bị kỹ năng sống. May mà em không bị áp lực về tài chính, chứ không thì cũng phải “nhảy việc” từ lâu rồi”. Với những trường có định biên đã vậy, còn những trường chưa có định biên lại khó khăn hơn rất nhiều. Hiện tại, đa số kinh phí cho hoạt động y tế học đường tại các cơ sở giáo dục chủ yếu được trích từ % bảo hiểm y tế HS. Với nguồn kinh phí ít ỏi này rất khó để duy trì việc chi trả lương cho nhân viên y tế trường học chuyên trách và tổ chức các hoạt động y tế tại nhà trường.
Có thể nói, việc đầu tư cho công tác y tế học đường có ý nghĩa quan trọng, nên việc có cơ chế phù hợp nhằm thu hút cán bộ y tế có chuyên môn, tâm huyết; đồng thời có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ y tế trường học để lấp đầy “khoảng trống” chính là biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác y tế học đường hiện nay.
(còn nữa)
Kim Oanh – Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc