Multimedia Đọc Báo in

Thị trấn Ea Pôk: Đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước

14:30, 30/12/2015

Đưa các quy định về dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) vào hương ước, quy ước đã và đang được các thôn, buôn, tổ dân phố trên địa bàn thị trấn Ea Pôk (huyện Cư M’gar) áp dụng. Cách làm này đã mang lại hiệu quả tích cực: nhận thức của nhân dân về chính sách dân số - KHHGĐ đã có bước chuyển biến rõ rệt; nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, đặc biệt là các cặp vợ chồng có đạo.

Năm 2008, khi sinh đứa con gái đầu chị H’Bút Niê (buôn Ea Mấp) đã áp dụng ngay biện pháp tránh thai. Không những không bị phản đối mà chị còn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chồng là anh Y Chu Êban. Đầu năm nay, chị H’Bút mới đến cơ sở y tế tháo vòng tránh thai để sinh thêm con thứ hai. Anh Y Chu chia sẻ: “Cuộc sống bây giờ khác trước nhiều rồi, nếu chỉ sinh con thì dễ lắm, nhưng quan trọng là chăm sóc các con thế nào. Gia đình tôi cũng chỉ dừng lại ở hai con thôi, không sinh thêm nữa. Cũng nhờ sinh ít con và sinh thưa nên có thời gian để phát triển kinh tế. Ngoài 200 cây cà phê của gia đình, vợ chồng tôi còn nhận khoán thêm 6 sào cà phê của Công ty Cà phê Ea Pôk để làm, tăng thêm thu nhập. Kinh tế phát triển, tôi không chỉ có điều kiện chăm sóc các con được chu đáo mà còn xây dựng được ngôi nhà khang trang, kiên cố…”.

  Chị H’My Êban, cộng tác viên dân số  buôn Ea Mấp thường xuyên đến các hộ dân tuyên truyền về chính sách dân số  cho các  cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Chị H’My Êban, cộng tác viên dân số buôn Ea Mấp thường xuyên đến các hộ dân tuyên truyền về chính sách dân số cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.

Hiện nay trong buôn Ea Mấp, trường hợp như gia đình chị H’Bút Niê không còn hiếm như trước. Có thể kể đến như: vợ chồng chị H’Den Êban và anh Y Lơng ADrơng lấy nhau năm 2007, đến nay mới chỉ sinh 1 con. Hiện tại con trai anh chị đã được 6 tuổi nhưng gia đình chị vẫn chưa có ý định sinh tiếp mà đợi đến khi con được 10 tuổi. Nhờ áp dụng tốt biện pháp tránh thai mà nhiều năm nay vợ chồng chị không bị “vỡ” kế hoạch… Chị H’Den Êban tâm sự: “Gia đình mình chỉ có 5 sào đất canh tác cà phê nên kinh tế cũng không phải dư giả, thu nhập hằng năm chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học. Hiện mình đang áp dụng biện pháp đặt vòng tránh thai. Gia đình mình cũng sẽ sinh thêm con nhưng ý định này chắc phải 4 năm nữa vợ chồng mình mới thực hiện và cũng chỉ dừng lại ở 2 con để nuôi dạy các con được tốt…”.

Thị trấn Ea Pôk có 3.289 hộ, với 16.147 nhân khẩu; trong đó có hơn 50% là đồng bào dân tộc thiểu số; số người có đạo chiếm tỷ lệ 35,4%. Trong những năm qua, công tác dân số gắn với việc xây dựng hương ước ở buôn đã mang lại hiệu quả tích cực, nhận thức của người dân được nâng cao rõ rệt. Việc thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ không chỉ được phụ nữ đồng thuận mà còn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nam giới. Nếu như, năm 2010 thị trấn có 1.386 người sử dụng các biện pháp tránh thai thì đến nay đã tăng lên 2.186 người; trong đó có 167 người đình sản…

Ông Y On Niê, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pôk, Trưởng Ban Dân số - KHHGĐ thị trấn cho biết: Hiện nay 16 thôn, buôn và tổ dân phố trên địa bàn đã đưa nội dung về dân số vào các hương ước, quy ước. Trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị trấn đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các địa phương tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về nội dung của hương ước, quy ước. Qua đó, tiếp thu ý kiến của nhân dân để thay đổi, sửa chữa những nội dung không phù hợp với thực tiễn và có những hành động thiết thực để thực hiện hương ước, quy ước… Nhìn chung việc đưa công tác dân số - KHHGĐ vào hương ước, quy ước đã đem lại hiệu quả đáng kể. Từ việc nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai mà tình trạng gia tăng dân số ở thị trấn đã giảm dần theo từng năm: từ 13,4% (năm 2010) giảm xuống 11,28% (năm 2014); kèm theo đó, tỷ lệ các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên cũng giảm đáng kể, từ 19,6% giảm xuống còn 16,2%…

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.