Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện lộ trình giảm nghèo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: Mong về đích đúng hẹn

09:17, 09/12/2014

TP. Buôn Ma Thuột đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 bình quân 1,2%/năm nhằm đưa tỷ lệ này xuống dưới 1% vào cuối năm 2015. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn nhưng thành phố đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đưa lộ trình giảm nghèo về đích đúng hẹn.

Khó khăn từ thực tế

Hai vợ chồng H’Ner Niê ở buôn Cư Mblim (xã Ea Kao) lấy nhau từ năm 1990 và được bố mẹ chia cho 2 sào cà phê, do không có tiền đầu tư nên mỗi năm chỉ thu được khoảng 2 tạ. Lâu dần, vườn cà phê ngày càng cằn cỗi, vợ chồng chị đành phá bỏ chuyển sang trồng sắn. Đất canh tác ít, lại không có việc làm ổn định nên ai thuê gì anh Y Luet BKrông – chồng chị H’Ner cũng làm để có thu nhập trang trải cuộc sống. Cái nghèo càng đeo bám dai dẳng hơn khi chị lần lượt sinh 9 đứa con và chỉ quanh quẩn ở nhà chăm lo cho chúng. Đông người ăn, ít người làm, 2 đứa con đầu của chị phải nghỉ học sớm đi làm thuê cùng bố. Nhìn lũ con nheo nhóc, chị H’Ner chỉ biết thở dài: “Đã nghèo lại đông con nên càng nghèo khổ hơn. Không biết rồi sau này chúng làm gì để ăn vì mình cũng chẳng có đất mà chia. Bây giờ mình chỉ mong sao được hỗ trợ con bò để phát triển sản xuất, có điều kiện lo cho các con”. Anh Nguyễn Trọng Tấn, cán bộ giảm nghèo xã cho biết, năm 2014, UBND thành phố giao chỉ tiêu cho xã giảm 60 hộ nghèo, nhưng thực tế chỉ giảm được 42 hộ. Hiện xã còn 88 hộ nghèo, chiếm 2,36%, trong đó có 5 hộ nghèo mới phát sinh và 4 hộ từ cận nghèo chuyển sang. Phần lớn các hộ nghèo là do thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, không biết cách làm ăn, ốm đau, bệnh tật và đông con, một số ít lại lười lao động nên mặc dù đã được hưởng nhiều chính sách trợ cấp, ưu đãi của nhà nước nhưng vẫn rất khó để vươn lên thoát nghèo.

Nhờ trồng rau xanh, người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Nhờ trồng rau xanh, người dân phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ khi được bình xét hộ nghèo đến nay đã 6 năm nhưng gia đình ông Nguyễn Hoài Sơn ở tổ dân phố 4 (phường Ea Tam) vẫn chưa dám mơ đến ngày thoát khỏi danh sách trên. Nhà có 3 khẩu nhưng không ai có việc làm ổn định, người con trai đầu đã 30 tuổi vẫn còn lông bông, đứa cháu ngoại đang học lớp hai cũng do một tay ông nuôi dưỡng vì mẹ cháu mới mất. Ông Sơn mưu sinh bằng nghề vá xe, mỗi ngày chỉ kiếm được 30.000 - 50.000 đồng nên cuộc sống rất khó khăn, chật vật. “Lo đủ cái ăn qua ngày đã khó nói gì đến chuyện thoát nghèo. Giờ nhà nước có cho vay vốn làm ăn cũng không dám vay vì sợ không trả nổi nên đành túc tắc cho qua ngày” - ông Sơn thổ lộ.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cuối năm 2014, phường Ea Tam giảm được 65 hộ so với đầu năm nhưng lại phát sinh thêm 18 hộ mới, nên tổng số hộ nghèo vẫn còn cao là 153 hộ (chiếm 2,97%). Theo chị Bùi Thị Sương, cán bộ giảm nghèo phường, càng về cuối giai đoạn, công tác giảm nghèo càng gặp nhiều khó khăn nên địa phương không thực hiện được chỉ tiêu giảm 100 hộ nghèo như kế hoạch UBND thành phố giao trong năm 2014.

Nỗ lực về đích

Xác định rõ thực trạng trên, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2012, Thành ủy Buôn Ma Thuột đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về giảm nghèo đến năm 2015, trong đó, tập trung triển khai đồng bộ nhiều chương trình an sinh xã hội đối với hộ nghèo, tạo điều kiện và hỗ trợ nguồn lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Theo đó, từ năm 2011 đến 2014, các hộ nghèo, cận nghèo đã được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 242 tỷ đồng; hơn 12.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí; hàng nghìn lượt hộ nghèo được hỗ trợ về y tế, giáo dục. Bên cạnh đó, hộ nghèo còn được các cấp, ngành tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo phù hợp với điều kiện địa phương như: nuôi gà thả vườn, chăn nuôi dê, bò, trồng nấm, ghép cải tạo cà phê, ủ thức ăn gia súc… Những buôn đồng bào dân tộc thiểu số còn được hưởng lợi từ các chương trình, nghị quyết của Thành ủy về phát triển kinh tế - xã hội các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể cũng triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực chia sẻ khó khăn với người nghèo như: xây dựng quỹ “Xóa đói giảm nghèo”, tổ, nhóm tín dụng tiết kiệm, hũ gạo tình thương, giúp nhau vốn, ngày công, cây, con giống; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh; tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề ngắn hạn… là “đòn bẩy” trợ giúp người nghèo vươn lên.

Cán bộ giảm nghèo xã Ea Kao thăm hỏi tình hình đời sống, sản xuất của gia đình chị H’Ner Niê.
Cán bộ giảm nghèo xã Ea Kao thăm hỏi tình hình đời sống, sản xuất của gia đình chị H’Ner Niê.

Sau 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu giảm nghèo, số hộ nghèo trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã giảm từ 3.671 hộ (chiếm tỷ lệ 5%) năm 2011, xuống còn 1.135 hộ (chiếm 1,49%) năm 2014; số hộ cận nghèo cũng giảm từ 4.231 hộ (chiếm 5,8%), xuống còn 2.139 hộ (chiếm 2,81%). Anh Chu Văn Việt, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: thành phố Buôn Ma Thuột đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 bình quân 1,2%/năm, đến cuối năm 2015 tỷ lệ này còn dưới 1%. Tuy nhiên, trong năm 2014, thành phố chỉ giảm được 0,52% hộ nghèo so với năm 2013. Nguyên nhân là do tỷ lệ hộ nghèo càng về những năm sau của giai đoạn càng khó giảm vì đa phần là những hộ rất khó thoát nghèo như: có người bị tàn tật, già neo đơn, thiếu đất sản xuất, thiếu lao động, đông người ăn theo; các chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo còn ít; nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình mục tiêu về giảm nghèo còn dàn trải, chưa tập trung đầu mối... Để đưa lộ trình giảm nghèo về đích đúng hẹn, bên cạnh việc tiếp tục triển khai đồng bộ các chương trình an sinh xã hội, các chính sách hỗ trợ theo hướng tạo sinh kế cho hộ nghèo, năm 2015, thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, phân loại hộ nghèo để có biện pháp giúp đỡ thiết thực, hiệu quả.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc