Multimedia Đọc Báo in

Tình cảm gia đình – nền tảng nhân cách, lối sống của giới trẻ

11:25, 12/12/2014
Trong bài viết “Vô cảm – căn bệnh của lối sống ích kỷ, thiếu tính cộng đồng” đăng trên chuyên mục Diễn đàn trẻ của Báo Dak Lak vừa qua, tác giả Nguyễn Mai có đề cập đến một hiện tượng, vấn đề xã hội đã và đang hình thành ở một bộ phận của giới trẻ - lối sống vô cảm. Thiết nghĩ, hiện tượng đó có nhiều nguyên nhân, bên cạnh tác động của xã hội thì nhân tố tác động trực tiếp và có tính ổn định đó là nền tảng gia đình.

Gia đình là tế bào của xã hội, cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách của mỗi con người. Thành ngữ Việt Nam có câu “Giỏ nhà ai, quai nhà ấy”, hay “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”… không chỉ nói đến diện mạo bên ngoài của con người mà còn muốn nói đến tính cách, thái độ ứng xử, lối sống của người đó. Tình cảm gia đình có vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dục, định hướng cho giới trẻ.

Cuộc sống hiện đại với tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, của nền kinh tế thị trường cũng kéo theo đó sự biến đổi của những gia đình Việt ngày càng “Tây hóa”, thiếu hẳn hình ảnh những gia đình truyền thống Việt Nam “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường”, hoặc có chăng thì phần nhiều chỉ còn là hình thức với mỗi thế hệ có một cuộc sống riêng. Cách nuôi dạy, giáo dục con cái cũng khác hẳn, những bản giao hưởng, nhạc điện tử đã thay cho lời ru của mẹ mà theo lý giải một cách khoa học thì đó là cách giúp con trẻ “thông minh từ trong trứng nước”. Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội của các gia đình trẻ, vấn đề các bà mẹ chia sẻ, than thở nhiều nhất đó là bất đồng trong chăm sóc, nuôi dạy trẻ giữa mẹ chồng và nàng dâu, thậm chí ngay cả giữa chính bố mẹ đẻ và con cái. Các cuộc tranh luận chưa có hồi kết, chưa khẳng định ai đúng ai sai, nhưng hậu quả ngay trước mắt đó chính là sự sứt mẻ tình cảm gia đình và những đứa trẻ đứng giữa “hai bờ chiến tuyến” ấy vô tình trở thành đối tượng cho hai thế hệ “thực nghiệm”.

Bất đồng trong quan điểm chăm sóc, nuôi dạy con cháu của ông bà, cha mẹ suy cho cùng thì cũng vì mục đích tốt đẹp là nuôi con khỏe, dạy con ngoan. Thực tế có những vấn đề còn đáng quan tâm hơn như: tình cảm vợ chồng, lối sống, trách nhiệm trong nuôi dạy con và cả những vấn đề nghe dường như vô lý trong xã hội hiện đại đó là sự thiếu hiểu biết của ông bố, bà mẹ trẻ. Một giáo viên Tiểu học than phiền về một chương trình hoạt động ngoại khóa mà cô đã rất tâm đắc, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi điều kiện để tổ chức chương trình nhằm giúp học sinh có những trải nghiệm thiên nhiên thú vị, thắt chặt thêm tình cảm, khẳng định giá trị, vai trò của gia đình và điều kiện bắt buộc là phải có đầy đủ cả bố mẹ tham gia. Thật đáng buồn là chỉ có 10 trên tổng số 25 em đăng ký tham gia với nhiều lý do khác nhau mà lý do chủ yếu được đưa ra là do công việc bận rộn.

Trong số học sinh tham gia lại có những gia đình tham gia chiếu lệ, gượng ép, thậm chí có trường hợp mượn người đi thay mặc dù cô đã phổ biến rất kỹ đến phụ huynh học sinh…

Có thể nói các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội do Đoàn Thanh niên tổ chức trong những năm gần đây đã cho thấy sự nhận thức về tầm quan trọng và đề cao những giá trị của tình cảm gia đình. Những thủ pháp tâm lý được các giảng viên, chuyên gia thực hiện thông qua các câu chuyện kể, bản nhạc du dương hay qua những lá thư tay của “chiến sĩ nhí” tại Chương trình Học kỳ trong quân đội đã lấy nước mắt của không ít phụ huynh và học sinh… Và sẽ không là quá muộn để chúng ta quan tâm hơn đến giáo dục, xây dựng, vun đắp tình cảm gia đình, đặc biệt là ngay từ trong giới trẻ để mỗi gia đình thực sự là tế bào sống góp phần tạo nên một xã hội luôn khỏe mạnh, không còn những căn bệnh “vô cảm” bào mòn nhân cách con người.

Võ Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.