Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp nghĩa tình đồng đội

10:39, 11/01/2015

Là những người may mắn trở về sau cuộc chiến tranh, những người lính năm xưa đã nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu chính đáng. Hơn thế nữa, họ đã có nhiều việc làm thiết thực giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Hết lòng vì đồng đội

Là một cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử ở chiến trường, đối với ông Hồ Việt Sang (thôn 5, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) được sống sót trở về là một điều may mắn. Hơn 10 năm trên chiến trường, đã chứng kiến không ít đồng đội hy sinh vì bom đạn và những cái chết vì bệnh tật, ông luôn đau đáu và mang nặng tâm niệm chữa bệnh cứu người. Do đó, sau khi rời quân ngũ, với những kiến thức của nghề y đã được học trong thời gian ở chiến trường, ông đã mày mò tìm kiếm và học hỏi thêm các phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Suốt những năm làm việc, ông đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp cứu người, đến khi nghỉ hưu lại lặn lội ra Hà Nội để học cách châm cứu cắt cơn giải độc ma túy và cai nghiện rượu. Không những thế, ông đã phát triển vườn thuốc nam với gần 60 loại cây thuốc quý để chữa bệnh cứu người. Ông Sang tâm sự: “Hai năm qua, với phương pháp châm cứu kết hợp uống thuốc nam, tôi đã cắt cơn nghiện ma túy cho gần 60 trường hợp, cai nghiện rượu cho trên 100 người. Trong đó, có nhiều người ở các tỉnh như Điện Biên, Hà Tĩnh, Gia Lai… tìm đến điều trị”. Trong quá trình khám bệnh, đối với bệnh nhân là cựu chiến binh và con em họ, hay người nghèo, ông đều miễn tiền khám và giảm tiền thuốc cho họ.

Ông Sơn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với đồng đội.
Ông Sơn (bên phải) trao đổi kinh nghiệm sản xuất với đồng đội.

Không những thế, ông Sang còn là một cựu chiến binh làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi heo rừng lai, cũng từ mô hình này, ông giúp nhiều cựu chiến binh phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đơn cử như giúp cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuân (xã Hòa Thuận) 2 con heo rừng lai bằng hình thức bán nợ. Với số “vốn” này, hiện nay ông Xuân đã yên tâm ở nhà để chăn nuôi heo, cải thiện cuộc sống gia đình. Ông Xuân bày tỏ: “Trước đây gia đình tôi cũng đã từng nuôi heo, nhưng do cuộc sống khó khăn nên phải bán hết. Bây giờ, nhờ sự giúp đỡ của ông Sang, tôi đã có thể chăn nuôi trở lại”. Được biết, ông Sang còn hỗ trợ heo giống, nguồn vốn giúp nhiều cựu chiến binh khác phát triển kinh tế, trong đó có ông Bùi Xuân Ngẫm (xã Hòa Thuận), từ số tiền vốn của ông Sang cho mượn (50 triệu đồng) không lấy lãi, ông Ngẫm đã vượt qua giai đoạn khó khăn trong việc sản xuất kinh doanh của gia đình. Ngoài ra, ông Sang cũng thường xuyên hỗ trợ những gia đình nghèo lúc gặp khó khăn, hoạn nạn…

Làm giàu từ vốn vay đồng đội

Có lẽ ông Bùi Đình Sơn (buôn M’Duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) sẽ chẳng bao giờ quên những ngày sống trong gian khổ và tấm lòng, nghĩa tình của những đồng đội đã giúp đỡ ông có cuộc sống ổn định, kinh tế khá giả như ngày hôm nay. Vượt qua những ngày tháng cơ cực, hằng ngày phải đi làm thuê kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, ông đã vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay từ quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Từ nguồn vốn 10 triệu đồng, năm 2005, ông Sơn mua heo giống về nuôi. Để tiết kiệm chi phí, hằng ngày ông đến các hộ gia đình trong buôn và các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống thu gom thức ăn thừa về cho heo. Sự cần cù, chịu khó của ông sau 4 tháng đã được đền đáp khi lứa heo đầu tiên được xuất chuồng. Có số vốn nhỏ trong tay, ông mạnh dạn đến các đồng đội trong chi hội mượn thêm 10 triệu đồng để thuê đất trồng hoa cúc và chăn nuôi thêm gà, vịt nhằm cải thiện cuộc sống. Sau 3 năm vất vả lao động, thành quả đem lại không hề nhỏ khi ông  không những trả hết nợ mà còn xây được ngôi nhà khang trang, mua 7 sào đất để trồng trọt, trang bị máy móc phục vụ sản xuất cũng như phương tiện đi lại. Đến năm 2008, nhận thấy thị trường tiêu thụ heo rừng lai có nhiều tiềm năng nên ông đã đầu tư chăn nuôi heo rừng lai sinh sản.

Hiện nay, đàn heo của ông có 10 con heo mẹ, trung bình mỗi năm ông cung ứng ra thị trường khoảng 100 heo con với mức giá 120.000 đồng/kg. Từ mô hình nuôi heo rừng lai sinh sản đem lại hiệu quả cao và 4 sào đất trồng hoa cúc các loại cho lợi nhuận trên 30 triệu đồng/sào/vụ, mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là ông Sơn đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương, trong đó có con em cựu chiến binh và hộ nghèo với mức lương 3,5 triệu đồng/tháng. Ông Sơn phấn khởi nói: “Từ một hộ cận nghèo, không có đất vườn, hằng ngày phải đi làm thuê, nhờ anh em đồng đội tạo điều kiện, tôi đã có nguồn vốn đầu tư sản xuất. Thời điểm đó, số tiền 10 triệu đồng tuy không lớn nhưng nó là cứu cánh của gia đình tôi, bởi nếu không có số tiền này thì chắc tôi không có được cơ ngơi như ngày hôm nay”.

Có thể nói, với nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, những người lính Cụ Hồ trong thời bình không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn luôn hướng về đồng đội nghèo bằng những sự giúp đỡ thiết thực, nghĩa tình đó thật đáng quý.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc