Gắn kết những vòng tay nhân ái
Anh Nguyễn Trung Hải (bìa phải) cùng đại diện Ngân hàng Đông Á trao quà tặng gia đình anh Trần Hữu Thực tại thôn 6, xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar). |
Là người cộng tác lâu năm với Báo Dak Lak, được gọi đùa thân mật là “người ôm việc bao đồng”, cô Nguyễn Thị Minh Nhật (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) thường xuyên có những bài viết phản ánh về các cháu mồ côi, khuyết tật, những cụ già neo đơn, không nơi nương tựa… với tâm nguyện giúp đỡ mảnh đời khó khăn, bất hạnh đang cần sự cưu mang, giúp đỡ của cộng đồng. Khó có thể kể hết các trường hợp nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài tỉnh từ những bài viết của cô. Điển hình như trường hợp của em Nguyễn Tấn Sơn (thôn 1B, xã Ea Mnang, huyện Cư M’gar) bị bệnh tim bẩm sinh. Để phẫu thuật, tổng chi phí ngày ấy khoảng 60 triệu đồng, đây là một khoản tiền khá lớn so với hoàn cảnh nghèo khó như gia đình em. Sau bài viết được đăng trên Báo Dak Lak, chính quyền địa phương và Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã đưa em đi khám sàng lọc và được đi phẫu thuật tim miễn phí tại Hàn Quốc theo một chương trình từ thiện. Bên cạnh đó, các em: Nguyễn Thị Yến Nhi (thôn 4, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn), Trần Ngọc Tiến (thôn 6, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) cũng đã được hỗ trợ chi phí phẫu thuật tim tại TP. Hồ Chí Minh từ những bài viết đầy xúc động với tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Hoặc các trường hợp như: gia đình chị Nguyễn Thị Phương Thuyết (thôn 17, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chị Thuyết từng phải bán máu lấy tiền nuôi 3 con ăn học… cũng đã được Công ty Phân bón Bình Điền (Long An) hỗ trợ xây dựng nhà ở trị giá 40 triệu đồng; em Nguyễn Đức Định (thôn 17A, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) không có hậu môn bẩm sinh đã được một doanh nghiệp giúp đỡ học nghề và tạo việc làm ổn định…
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều cộng tác viên thân thiết của Báo Dak Lak thường xuyên gửi bài phản ánh, thông tin về các trường hợp trẻ em bị dị tật bẩm sinh, những gương học sinh nghèo hiếu học, những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để mở rộng, nối liền những vòng tay nhân ái. Còn nhiều những “cánh tay nối dài” khác cũng đã gửi cộng tác như: Thúy Diệp (Đài TT-TH M’Drak), Trương Nhất Vương (Trường VINASME Tây Nguyên), Quỳnh Nga (Đài TT-TH Buôn Đôn), Nhật Tân (Trường Tiểu học Sơn Tây, Krông Bông)… Để rồi, bên cạnh sự hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng vàng – Báo Dak Lak, còn có rất nhiều bạn đọc trong và ngoài tỉnh đã tìm đến ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh đã được phản ánh trên Báo Dak Lak.
Để những bài viết được chân thực, sinh động, các cộng tác viên đã phải tranh thủ ngày nghỉ để tìm đến tận nơi (thường là những thôn, xóm xa xôi, nằm tách biệt…) chứng kiến, cảm nhận và sẻ chia. Anh Nguyễn Trung Hải tâm sự: “Vì không phải nhà báo chuyên nghiệp, nên ngoài việc thực hiện tốt công tác chuyên môn, mình chỉ có thể tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ để đi tìm hiểu, viết bài. Nhận được thông tin của mọi người cung cấp là ở đâu có hoàn cảnh bất hạnh, đặc biệt khó khăn, mình lại tranh thủ đến tận nơi để nắm thông tin ngay, không để lâu bởi mình hiểu những con người ấy rất cần sự chia sẻ càng sớm càng tốt. Nhiều lúc phải đi cả vào buổi tối, có hôm thì lại đi từ 4 giờ sáng cho kịp đến nơi để gặp. Về đến nhà là mình lại tranh thủ ngồi viết, gửi đến Tòa soạn Báo. Được cái gia đình mình rất hiểu, thông cảm và được bạn đọc tin tưởng, cung cấp thông tin cũng như giúp đỡ rất nhiều khi đi lấy tư liệu. Mỗi khi bài viết được đăng báo, những mảnh đời bất hạnh được quan tâm, giúp đỡ thì niềm vui như vỡ òa…”. Đó có lẽ cũng là tâm trạng chung của những người luôn theo sát, quan tâm, chia sẻ với những trường hợp được phản ánh, thông tin trên mục Địa chỉ của những tấm lòng vàng của Báo Dak Lak. “Những người ôm chuyện bao đồng” ấy với tấm lòng nhân ái, yêu thương và đầy trách nhiệm thật đáng quý biết bao!
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc