Multimedia Đọc Báo in

Lớp học của những thầy giáo áo xanh

10:24, 18/01/2015
Khi ánh mặt trời dần khuất sau những rặng rừng dầu, cũng là lúc 2 thầy giáo biên phòng, Thiếu úy Trần Văn Tuấn và Trung úy Hoàng Văn Thọ (Đồn Biên phòng Ia R’vê, huyện Ea Súp) lại cặp sách lên lớp, sửa soạn giáo án, bài giảng, chuẩn bị buổi dạy “xóa mù” đặc biệt dành cho những học trò xã vùng biên Ia R’vê…

Không hẹn trước, cánh phóng viên chúng tôi đến thăm lớp học, vốn được mượn của điểm trường mầm non thôn 11 vào đúng ngày cúp điện. Từ xa, đã nghe tiếng đánh vần, đọc chữ ê a vang lên từ lớp học như xua tan đi  không gian tĩnh mịch của xã vùng biên. Trong lớp học, dưới ánh nến lung linh tỏa sáng, bóng dáng những thầy giáo biên phòng in trên bục giảng đang kiên nhẫn đọc đi, đọc lại những chữ ghi trên bảng cho học trò lặp theo. Bên dưới, những ánh mắt chăm chú dõi theo, tròn miệng, cố phát âm cho đúng. Cô học trò nhỏ nhất lớp, bé Lê Thị Ngọc Lan (11 tuổi) thật thà: “Các thầy nói giọng miền Bắc, mà em lại người miền Tây nên để đọc đúng như thầy khó quá”. Trước đó, Lan đã học xong lớp 2, song hành trình đi tìm con chữ của em đành dở dang, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em phải nghỉ học ở nhà phụ giúp cha mẹ, dần dần quên mặt chữ, “tái mù”. Đầu năm học mới này, Lan được những thầy giáo mang quân hàm xanh đến vận động tham gia lớp học xóa mù. Giờ em đã biết đọc, biết viết trở lại. Ở dãy bàn cuối, hai học sinh “đặc biệt” nhất lớp là anh Trần Như Chín và chị Lương Thị Tân cùng 36 tuổi cũng đang chăm chỉ học đánh vần. “Quê tui ở Bến Tre, hồi nhỏ không được đi học. Nay lên Dak Lak lập nghiệp, biết các anh ở Đội vận động quần chúng của đồn biên phòng mở lớp xóa mù ban đêm, tôi tranh thủ đi học để biết đọc, biết viết, ra đường đỡ ngại ngùng với người ta”, anh Trần Như Chín tâm sự. Còn chị Lương Thị Tân (quê ở Thanh Hóa) cũng sắp xếp việc gia đình để đến lớp. “Lúc đầu cũng có tâm lý e ngại khi ngồi học chung với các em nhỏ, nhưng nghĩ lại không biết chữ còn xấu hổ hơn nên tôi tham gia ngay từ những ngày đầu các anh mở lớp”, chị Lương Thị Tân thổ lộ. Giờ, sau 4 tháng tham gia xóa mù, chị đã tự tin đọc, viết thành thạo.

Những thầy giáo mang quân hàm xanh đang tận tình hướng dẫn các học sinh  tham gia lớp học xóa mù chữ.
Những thầy giáo mang quân hàm xanh đang tận tình hướng dẫn các học sinh tham gia lớp học xóa mù chữ.

Lớp học xóa mù chữ tại xã Ia R’vê khai giảng từ tháng 9-2014, với sĩ số 16 học sinh, trong độ tuổi từ 11 đến 30, đa số là con em đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Thái… từ các tỉnh phía Bắc và con em các gia đình  từ Bến Tre mới di cư lên Dak Lak lập nghiệp. Lớp do Đồn Biên phòng Ia R’vê phối hợp cùng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ea Súp tổ chức. Trung úy Hoàng Văn Thọ cho biết: Là cán bộ làm công tác vận động quần chúng, qua công tác nắm bắt tình hình, các anh nhận thấy nhiều em trong độ tuổi đi học mà không được đến trường nên đề xuất đơn vị phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu mở lớp xóa mù để giúp các em biết đọc, biết viết. Những ngày đầu mới mở lớp các anh gặp không ít khó khăn, các thành viên trong đội phải chia nhau đi gõ cửa từng nhà, kiên trì vận động, thuyết phục gia đình để các em đến lớp. Do đa số gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, vào ngày mùa các em đều lên rẫy phụ giúp gia đình, thế nên chiều chiều các anh lại chạy xe từ xóm trên đến xóm dưới, vào nhà từng học sinh, đợi các em về, chở đến tận lớp. Với những học sinh lớn tuổi, nhất là nam thì việc vận động càng phải kiên trì hơn. “Bà con miền Tây Nam Bộ có thói quen sau một ngày lao động, chiều về là “rai rai” vài ly rượu “giải mỏi”, khi chúng tôi đến vận động, nhiều anh đùa bảo “cán bộ vận động uống cùng cho nhanh hết để chúng tôi đến lớp”, gặp những trường hợp đó, chúng tôi giúp “giải quyết” nhanh gọn để họ đến lớp học”. Thiếu úy Trần Văn Tuấn kể.

Công việc đứng lớp giảng dạy, truyền thụ kiến thức cũng gặp khó khăn, vất vả không kém, bởi lớp học có đủ trình độ khác nhau, có học sinh đang học nhưng bỏ dở chừng phải dạy nâng cao; có học sinh đã biết đọc, biết viết chữ nhưng tái mù, cũng có học sinh lần đầu mới biết con chữ. Vì vậy đối với học sinh bình thường một bài học chỉ dạy trong 1 tiết nhưng đối với các em ở lớp xóa mù, cũng bài học đó phải dạy đến 4 tiết. Công việc truyền đạt kiến thức đòi hỏi những thầy giáo áo xanh không những cần có nghiệp vụ sư phạm mà còn phải rất kiên trì, nhẫn nại, thật sự yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với công việc. Đáp lại sự tận tụy, niềm mong mỏi, sự kỳ vọng của các thầy giáo biên phòng, những học sinh tham gia lớp học đặc biệt này đều rất chăm chỉ, siêng năng học hành, đến lớp đầy đủ. Cô giáo Hồ Trang Đài, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu được phân công hỗ trợ chuyên môn cho các anh bày tỏ sự thán phục: “Chúng tôi thật may mắn khi có những “đồng nghiệp” cùng đồng hành trên hành trình đem ánh sáng văn hóa đến với các em nhỏ ở những nơi mà trường chưa có điều kiện mở lớp. Lớp học xóa mù đặc biệt do các anh mở đã giúp không ít học sinh nghèo tìm đến được với con chữ. Thật đáng khâm phục khi những người lính mang quân hàm xanh không chỉ chắc tay súng giữ vững bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc mà còn luôn trăn trở với sự học ở vùng biên, sẵn sàng "xắn tay” giúp những em nhỏ thắp lên những ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn… ”.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc