Những bông hoa của núi rừng
Gắn bó lâu dài với miền đất đầy nắng gió, bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, những người phụ nữ ấy đã khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, góp sức vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội. Với kết quả đạt được, họ xứng đáng là tấm gương sáng, là những bông hoa đẹp của núi rừng Tây Nguyên.
Tìm niềm vui trong sự phát triển chung
Ở thôn Cao Thắng, xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều người biết đến chị Nông Thị Thào bởi chị không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Chị Nông Thị Thào phơi cà phê vừa thu hoạch. |
Là người dân tộc Tày, sinh ra và lớn lên ở Cao Bằng trong một gia đình đông con, thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn nên từ nhỏ chị Thào rất có ý thức trong việc phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng. Cùng chồng rời quê hương vào định cư tại Dak Lak từ năm 1983, do không có đất sản xuất nên cả 2 vợ chồng chị nhận làm cà phê khoán cho nông trường cà phê Việt Đức (huyện Cư Kuin). Đến năm 1990, sau khi tích lũy được một số vốn, vợ chồng chị Thào quyết định lên thôn Cao Thắng sinh sống và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc nên chị gặp rất nhiều khó khăn khi đàn heo chết gần một nửa. Không nản lòng, chị Thào tiếp tục học hỏi thêm kinh nghiệm và kỹ thuật từ các hộ gia đình khác ở trong và ngoài xã để đổi mới cách thức chăn nuôi, giúp đàn heo sinh trưởng, phát triển tốt. Bằng lòng quyết tâm và sự cần cù, chịu thương chịu khó, chỉ 10 năm sau chị Thào đã mua thêm được 3 ha đất để trồng cà phê, 5 sào đất trồng lúa và mở cửa hàng mua bán vật liệu xây dựng. Từ khối óc và bàn tay, chị Thào đã gây dựng được cơ ngơi vững chắc, mỗi năm, từ chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh, gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng đã trừ chi phí.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, là hội viên của Hội phụ nữ xã, chị Thào nhiệt tình tham gia công tác Hội và sẵn sàng giúp đỡ chị em khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần, chia sẻ kinh nghiệm cũng như kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để cùng nhau phát triển kinh tế. Chị Thào tâm sự: “Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, từng vượt qua khó khăn nhờ chính sự giúp đỡ, động viên của bà con lối xóm nên tôi càng thấm thía ý nghĩa của tinh thần tương thân tương ái, do đó góp sức mình hỗ trợ cho những hội viên có hoàn cảnh khó khăn, kém may mắn đối với tôi đó là niềm vui, niềm hạnh phúc và cả tự hào”. Dù cuộc sống gia đình bây giờ đã ổn định, nhưng chị Thào luôn giáo dục, khuyến khích các con của mình có ý thức tự giác trong học tập và lao động, từ đó làm những việc có ích cho xã hội. Chị Trịnh Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Kao cho biết: “Là hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi, tận tâm trong công tác và phong trào của Hội Phụ nữ, giúp đỡ nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, chị Thào được bà con trong xã tin yêu, tín nhiệm”.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, chị Nông Thị Thào trở thành tấm gương sáng trong phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước” của địa phương. Nhiều năm liền gia đình chị được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Năm 2009, chị Thào vinh dự được Ủy ban Dân tộc trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc”.
Nặng lòng với cồng chiêng
Là người con của núi rừng Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của nghệ nhân H’Riu Hmok ở thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana). Với bà, cồng chiêng không chỉ là âm nhạc truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là ngôn ngữ giúp kết nối con người với thiên nhiên.
Nghệ nhân H'Riu Hmok trao đổi với buôn phó về cách bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại địa phương. |
Sinh ra trong một gia đình có bà và mẹ là nghệ nhân đánh cồng chiêng truyền dạy từ thuở nhỏ, đến nay bà H’Riu đã có gần 50 năm gắn bó với việc sử dụng và bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Là đội trưởng đội cồng chiêng nữ Buôn Trấp, bà luôn nỗ lực phát huy vai trò và trách nhiệm, thường xuyên cùng với các chị em trong đội luyện tập để đi biểu diễn vào các dịp lễ hội của địa phương nhằm truyền đến mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống. Không chỉ dừng lại ở đó, những năm gần đây, đội cồng chiêng nữ Buôn Trấp đã được đi khắp nơi để biểu diễn và mang về nhiều giải thưởng. Nhớ lại lần được cùng đội biểu diễn tại Italia vào năm 2006, nghệ nhân H’Riu Hmok không giấu nổi niềm tự hào: “Tham gia vào đội cồng chiêng, được đánh chiêng đã là niềm vui, được đem nét văn hóa của dân tộc mình giới thiệu đến các bạn bè trên thế giới với tôi đó là niềm hạnh phúc. Khi tiếng chiêng ngân vang da diết, hùng hồn được hàng nghìn người chăm chú lắng nghe thật xúc động và tự hào biết bao, kỷ niệm ấy chắc suốt cuộc đời tôi không thể nào quên được”. Năm 2006, nghệ nhân H’Riu đã được Bộ Văn hóa – Thông tin tặng Bằng khen trong công tác xây dựng Hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.
Cuộc sống hiện đại đang làm cho những người trẻ tuổi xa dần với văn hóa truyền thống, luôn mang trong mình nỗi niềm trăn trở ấy, bà H’Riu cùng với các chị em trong đội đã vận động và khuyến khích lớp trẻ tham gia vào đội cồng chiêng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, đội chiêng nữ tập hợp các em ở nhà cộng đồng để hướng dẫn, từ những bài chiêng truyền thống như: Đón khách, Mừng lúa mới, Cúng bến nước… các em còn được học thêm các bài múa phụ họa. Với lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân trong đội cồng chiêng nữ, đến nay trên địa bàn duy trì được 2 lớp cồng chiêng với hơn 30 em tham gia. “Việc dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng không phải là khó, điều quan trọng là phải khơi gợi được niềm say mê trong chúng. Bởi người đánh chiêng muốn diễn tấu hay thì phải biết cảm nhận, thả hồn vào từng nhịp điệu, như vậy tiếng chiêng ngân lên mới truyền tải được hết ý nghĩa của nó”, bà H’Riu chia sẻ.
Hy vọng rằng thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy được văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đưa nét đẹp truyền thống ấy vươn ra thế giới để những người tâm huyết như nghệ nhân H’Riu Hmok thêm hãnh diện và tự hào.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc