Bệnh viện Mắt Tây Nguyên: Hướng về cộng đồng
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên, từ khi thành lập đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật miễn phí cho 100 trường hợp bị đục thủy tinh thể, mộng mắt, khám bệnh, tư vấn và cấp thuốc miễn phí cho trên 2.800 người dân các xã vùng sâu vùng xa trong tỉnh với tổng trị giá gần 115 triệu đồng. Kết quả ấy được khởi nguồn từ phương châm “tận tâm chăm sóc” luôn xem trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng là một trong những việc quan trọng phải làm của đội ngũ cán bộ y bác sĩ trong toàn bệnh viện. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Đình Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Tây Nguyên cho biết: "Làm công tác từ thiện phù hợp với chuyên môn là một trong những tiêu chí được Ban lãnh đạo Bệnh viện đặt ra ngay từ khi bệnh viện mới hình thành. Chính vì vậy, mỗi tháng, bệnh viện đều dành một phần kinh phí từ hoạt động kinh doanh để thực hiện các hoạt động từ thiện. Phải nói rằng, với sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ y bác sĩ, thời gian qua bệnh viện đã tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn miễn phí các bệnh về mắt ở vùng sâu vùng xa. Chúng tôi tổ chức những chuyến đi ấy với mong muốn giúp người dân ở vùng khó khăn nắm bắt được các bệnh thường gặp về mắt và biết cách tự chăm sóc đôi mắt của mình, cũng như giúp người bệnh hiểu được tình hình bệnh tật để điều trị kịp thời. Trong mỗi chuyến đi khám chữa bệnh từ thiện, song song với việc khám, tư vấn bệnh, chúng tôi còn cấp cho người dân các thuốc bổ mắt như các loại vitamin A-D, vitamin B1-B6-B12 và thuốc nhỏ mắt để giúp người dân có thể tự chăm sóc cho đôi mắt của mình tốt hơn".
Bác sĩ Bệnh viện Mắt Tây Nguyên khám mắt cho người dân. |
Đợt khám chữa bệnh từ thiện diễn ra vào cuối năm 2014 vừa qua là một minh chứng rõ rệt nhất cho các hoạt động từ thiện của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên. Hơn 1.700 người dân vùng sâu của 2 huyện Krông Pak và Lak đã được các y bác sĩ của bệnh viện đến tận nơi khám và tư vấn các bệnh về mắt. Dù lượng người tìm đến trong mỗi buổi khám khá đông, song các y bác sĩ vẫn cố gắng khám và tư vấn rất tận tình. Với những bệnh nhẹ như viêm kết mạc, viêm bờ mi, người bệnh được thầy thuốc hướng dẫn nhỏ thuốc, uống thuốc và chăm sóc mắt hàng ngày rất cụ thể. Những trường hợp mắc tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị), người bệnh được tư vấn đo độ mắt và cắt kính thích hợp. Đối với những bệnh nặng như đục thủy tinh thể, mộng thịt, glaucoma… và những bệnh cần phẫu thuật khác, các y bác sĩ cũng hướng dẫn người bệnh cụ thể về cách thức phẫu thuật, thời gian phẫu thuật... Mỗi buổi khám bệnh, các y bác sĩ đều làm việc "hết công suất", nhưng chẳng một ai ca thán mà ngược lại gương mặt người nào cũng ánh lên niềm vui. Thạc sĩ, bác sĩ H'Nơm Ayun, bác sĩ khoa Khám, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên chia sẻ: "Mỗi chuyến đi khám chữa bệnh cho người dân vùng sâu tuy đường sá đi lại có khó khăn, vất vả, nhưng cứ nhìn thấy người dân nơi ấy mong chờ để được khám bệnh thì tôi cũng như anh chị em trong đoàn chẳng còn thấy mệt mỏi nữa mà chỉ cố gắng làm việc thật tốt để có nhiều người được thăm khám, tư vấn sức khỏe và nhận thuốc.
Sau mỗi chuyến đi như thế, người dân vui bao nhiêu thì chúng tôi cũng thấy vui bấy nhiêu vì cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích". Người thầy thuốc cảm thấy hạnh phúc khi tham gia làm công tác thiện nguyện, còn người dân nơi những vùng đất nghèo cũng cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ từ các y bác sĩ. Bà Nguyễn Thị Thiên (xã Dak Liêng, huyện Lak), một bệnh nhân bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt bộc bạch: "Khi nghe được thông báo có đoàn bác sĩ về khám mắt tại địa phương, bà con chúng tôi mừng lắm. Bản thân tôi vốn có bệnh về mắt từ nhiều tháng nay, đi lại khó khăn mà kinh tế gia đình hạn hẹp chưa có điều kiện đến các bệnh viện để khám bệnh nên lúc nào cũng thấy buồn phiền vì ngày ngày vẫn làm phiền con cháu chăm sóc trong khi chúng còn bận bịu làm ăn. Khi hay tin có bác sĩ về tận xã khám bệnh miễn phí tôi đã tìm đến để được khám mắt. Nghe bác sĩ bảo mắt của tôi bị đục thủy tinh thể và mộng thịt, chỉ cần làm phẫu thuật thay thủy tinh thể và bóc mộng thịt là có thể nhìn rõ, tôi vui lắm...".
Có thể thấy, việc xây dựng bệnh viện song hành cùng các hoạt động từ thiện ở Bệnh viện Mắt Tây Nguyên là việc làm đáng quý, góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống mù lòa tại cộng đồng. Và những việc làm tâm huyết, tận tụy vì người bệnh nghèo ấy chính là thước đo về đạo đức sáng trong của mỗi y, bác sĩ nơi đây.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc