Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về những "nài" voi bên hồ Lak

20:33, 28/02/2015

Du lịch huyện Lak từ lâu đã nổi tiếng không chỉ với du khách trong nước mà còn đối với khách du lịch nước ngoài. Đến huyện Lak, khách du lịch không thể bỏ qua thú vui ngất ngưỡng trên lưng những chú voi khổng lồ lội qua hồ hay thong thả dạo qua khám phá đời sống văn hóa đời sống độc đáo của người dân bản địa. Để có được những trải nghiệm thú vị trên lưng voi, không thể không kể đến vai trò của các “nài” voi...

Huyện Lak hiện còn 20 con voi, tương ứng với số voi ấy là 20 “nài” voi. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, độ tuổi, kinh nghiệm điều khiển voi, nhưng tất cả họ đều có chung một niềm đam mê, mong muốn góp phần đưa hình thức du lịch cưỡi voi đến với tất cả mọi người. Gặp chúng tôi sau khi vừa đưa một đoàn khách nước ngoài cưỡi voi đi dạo hồ Lak, 3 “nài” voi của cơ sở du lịch Vân Long Elephant háo hức chia sẻ về chuyện đời sống cũng như “nghiệp” điều khiển voi của mình. Y Tinh H’Mok (SN 1974) điều khiển voi Y Măm tâm sự: “Mình đã làm nghề này được 10 năm rồi. Đây là nghề do cha ông mình truyền lại, chứ không phải ai muốn cũng làm được đâu. Những ngày đầu tiên gắn bó với công việc “nài” voi cũng vất vả và nguy hiểm lắm. Để điều khiển được voi, người quản tượng phải là người quản lý, chăm sóc luôn chú voi đó, hiểu được các thói quen của nó, từ đó mới có thể hướng dẫn voi thực hiện các thao tác theo ý muốn của mình”. Còn “nài” voi Y Huy Bing (SN 1984), điều khiển voi H’Khăm chia sẻ: Dù mới gắn bó với nghề này được hơn 2 năm, nhưng mình cũng đã hiểu rõ được tính nết của con voi này. Phải mất khoảng 4 tháng, mình mới có thể điều khiển thành thạo được “cô nàng”. Vào mùa sinh sản của voi (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau), tính tình của voi hung dữ lắm. Nó không nghe lời đâu, vì vậy đừng bắt nó làm việc quá sức, mà hãy chăm sóc thương yêu nó như là đối với người thân trong gia đình. “Dù voi của người ta (cơ sở du lịch Vân Long) nhưng chúng tôi chăm lo như voi của mình. Nó khỏe thì mình vui, có việc làm, còn nó bệnh thì mình cũng... hết việc!” - nài voi Y Huy nói.

Một nài voi đón khách du lịch tại HTX Du lịch Buôn Jun.
Một nài voi đón khách du lịch tại HTX Du lịch Buôn Jun.

Các bài tập mà tất cả các “nài” voi phải trải qua là học thuộc lòng các khẩu lệnh để điều khiển voi: đi, dừng lại, quỳ xuống, lội nước, đi nhanh đi chậm, quẹo phải quẹo trái, bơi dưới nước... Vị trí quan trọng dành cho các “nài” voi chính là ở vị trí cổ, gần tai voi nhất. “Nài” voi không có ghế bành mà ngồi trực tiếp trên mình voi, gần vị trí tai voi. Công cụ hỗ trợ các “nài” voi là những chiếc gậy dài có móc một đầu sắt bẻ cong (tựa như chiếc câu liêm). Đầu sắt nhọn này dùng để thúc vào lỗ tai voi, điều khiển voi theo ý muốn của quản tượng. Ngoài chiếc gậy sắt này, mỗi “nài” voi còn có một chiếc roi da ngắn chừng một mét, để quất vào mình voi mỗi khi... voi không nghe lời. Theo như Y Huy, Y Tinh thì những dụng cụ hỗ trợ điều khiển voi này mang ý nghĩa rất trang trọng, thậm chí là thiêng liêng. Chiếc móc sắt chỉ được dùng để điều khiển voi chứ tuyệt đối không được dùng để làm những việc khác.       

Ông Bùi Văn Đức, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Du lịch Buôn Jun cho biết: HTX đã tập trung khai thác các tour “du lịch trên lưng voi” để thu hút khách du lịch, hình thành nên sản phẩm du lịch riêng. Bằng hình thức độc đáo này, du khách tìm đến với huyện Lak ngày một đông hơn. Với mỗi chuyến đi voi khoảng 1 giờ đồng hồ có giá khoảng hơn 400.000 đồng, mỗi “nài” voi sẽ nhận được 250.000 đồng. Chính vì vậy, thu nhập của các “nài”  voi cũng khá cao, dao động từ 8 đến 15 triệu đồng/ tháng. Đây là thu nhập của những “nài” mà voi thuộc sở hữu của gia đình họ, còn đối với những “nài” không có voi thì sẽ thấp hơn. Chẳng hạn như các “nài” voi đang làm cho cơ sở du lịch Vân Long được nhận lương khoảng hơn 3 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi khi có khách du lịch muốn cưỡi voi thì các nài voi sẽ luân phiên nhau phục vụ khách. Tùy vào lượng khách ít hay nhiều, mỗi nài và voi sẽ đi tầm 2 đến 3 chuyến một ngày.

Trong tâm khảm của người Tây Nguyên vẫn còn một tình yêu kỳ lạ, vô bờ đối với loài voi. “Nài” voi Y Khoát B’Krông (SN 1985) điều khiển voi Bac Nang khoe: “Cô voi 35 tuổi này là tài sản lớn của gia đình, dòng họ mình. Vì thế, mọi người trong dòng họ xem nó như là một thành viên, thương yêu và chăm sóc nó rất cẩn thận, không bao giờ bắt nó làm việc quá sức. Mỗi lần đi chở khách du lịch về, mình đều mua mía, chuối để voi bồi dưỡng sức khỏe. Mọi người trong gia đình luôn luôn mong muốn Bac Nang luôn khỏe mạnh và sống mãi với gia đình mình”. Mong muốn của các “nài” voi, cũng như người dân nơi đây là voi luôn mạnh khỏe. Mới đây, voi Book Khăm (36 tuổi) bị trượt ngã từ đỉnh đồi xuống và chết để lại nỗi thương tiếc không chỉ đối với chủ voi, mà các “nài” voi và người dân buôn làng nơi đây cũng buồn rầu như mất đi một người thân trong gia đình. Đối với người dân Tây Nguyên nói chung, người M’nông nói riêng thì voi là con vật rất thiêng liêng và không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày” – Y Khoát tâm sự.

 Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.