Multimedia Đọc Báo in

Đôi điều suy ngẫm về tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ

20:58, 27/02/2015
Trong mọi thời kỳ, với mỗi quốc gia, thanh niên bao giờ cũng có vai trò hết sức to lớn, là sức sống hiện tại và tương lai của dân tộc. Năm 2000 - năm đầu tiên của thế kỷ 21, Đảng, Chính phủ đã đồng ý đặt tên là “Năm Thanh niên”, đưa tuổi trẻ bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập và vươn ra biển lớn.
 
Trong 15 năm ấy là thời gian đủ để một người mới được sinh ra trưởng thành, bước vào tuổi thanh niên theo quy định của Điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Luật Thanh niên (độ tuổi thanh niên được quy định từ 16-30 tuổi, độ tuổi được tính để kết nạp Đoàn là từ đủ 15-30 tuổi). Có thể nói đây là thời kỳ mà tuổi trẻ Việt Nam có cơ hội và được khẳng định vai trò to lớn trong tiến trình đổi mới và hội nhập. Số đông thanh niên là lực lượng đi đầu, thổi bùng lên ngọn lửa tình nguyện vì cộng đồng và không cam chịu đói nghèo. Các mùa hè tình nguyện đã làm “xanh” nhiều góc phố bộn bề và các buôn làng xa xôi. Hàng chục nghìn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi. Bên cạnh đội hình thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, còn có hàng nghìn “chiến sĩ” áo trắng tình nguyện chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hàng nghìn bạn trẻ tham gia các ngân hàng máu sống… đã tự ý thức được trách nhiệm của mình với quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội.
Thanh niên tình nguyện phụ đạo kiến thức cho  các em  học sinh tại xã  Cư Né, huyện Krông Buk. Ảnh: Hoàng Gia
Thanh niên tình nguyện phụ đạo kiến thức cho các em học sinh tại xã Cư Né, huyện Krông Buk. Ảnh: Hoàng Gia

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của kinh tế thị trường đang làm biến đổi nhiều mặt đời sống xã hội, đã xuất hiện một số người – trong đó có thanh niên – có lối sống thực dụng, ích kỷ và buông thả, thiếu ý thức rèn luyện, non kém về nhận thức chính trị, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thụ động, thờ ơ, ngại tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan… Thực trạng đó có nguyên nhân sâu xa từ chính ý thức của tuổi trẻ, tâm lý trông chờ, ỷ lại và đổ lỗi cho hoàn cảnh. Trên một diễn đàn mạng xã hội, khi bàn về tình trạng thiếu việc làm ở sinh viên sau khi tốt nghiệp, một doanh nhân trẻ đã thẳng thắn chia sẻ: “Tôi nghĩ, các bạn sinh viên nên tự đặt câu hỏi với mình: Vẫn môi trường đó, thầy cô đó, giáo trình đó... sao có những bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp tự kiếm được việc làm mà lương rất cao, điều kiện rất tốt? Các bạn hỏi lại mình, trong khi các bạn kia cố gắng học tập, thực hành, thức khuya dậy sớm, suy nghĩ về tương lai thì các bạn đang làm gì? Chơi game online, tán dóc...? Trước tiên để thay đổi tình trạng trên, hoàn cảnh trên, tự các bạn sinh viên phải tự nhận trách nhiệm về mình chứ không nên đổ lỗi cho những nguyên nhân bên ngoài”.

Công cuộc đổi mới và tiến trình hội nhập đòi hỏi thế hệ trẻ chúng ta phải thay đổi tư duy, tự chịu trách nhiệm với mình do những việc mình làm, điều đó góp phần làm cho bản thân phải luôn cố gắng phấn đấu để hoàn thiện, để phát triển và có thể đóng góp một phần công sức vào sự phát triển chung của đất nước.

Võ Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.