Học Bác từ những điều giản dị
Dù là một cán bộ công đoàn, thợ cơ khí hay người nông dân chân lấm tay bùn nhưng điểm chung đáng quý ở họ là luôn khắc ghi và làm theo lời Bác từ những việc giản dị, thiết thực gắn với công việc, sinh hoạt hằng ngày. Đối với họ, đó chính là món quà xuân ý nghĩa kính dâng lên Người mỗi độ Tết đến xuân về.
“Thủ lĩnh” của người lao động
“Đây là lần thứ 2 trong đời tôi được thổi nến, cắt bánh kem và nhận được những lời chúc mừng ý nghĩa trong ngày sinh nhật của mình. Niềm hạnh phúc này có được cũng là nhờ sự quan tâm, chăm lo của tổ chức Công đoàn”, giọng chị Dương Thị Vân nghẹn lại khi phát biểu lời cảm ơn tại buổi tiệc sinh nhật do Công đoàn tổ chức cho chị trước khi về hưu. Và người đã khởi xướng việc tổ chức sinh nhật cho đoàn viên định kỳ vào ngày 15 hằng tháng chính là anh La Văn Ba, Trưởng khoa Cận lâm sàng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar.
Anh La Văn Ba giới thiệu cách thức hoạt động Công đoàn hiệu quả |
Giữ cương vị Chủ tịch Công đoàn từ năm 1998 đến nay, anh Ba luôn trăn trở trước lời dạy của Bác: “Tổ chức Công đoàn trước hết là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình..., giữ gìn quyền lợi cho công nhân... Bản thân người cán bộ công đoàn phải thực hiện cho được 4 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”. Vì vậy, từ năm 2001, anh Ba đã quyết tâm cải tiến hoạt động công đoàn cơ sở, trong đó tập trung củng cố bộ máy, tuyển chọn những người có tâm huyết làm cán bộ công đoàn, tổ chức tập huấn và phân công nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, dù rất bận rộn công tác chuyên môn nhưng với vai trò là “thủ lĩnh” của người lao động, ngay từ đầu năm, anh Ba đã cùng với Ban Chấp hành xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động bài bản, khoa học và được lưu trong hồ sơ Công đoàn thành từng mục cụ thể như: tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát triển đoàn viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quy chế hoạt động, hợp đồng lao động, bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ… làm căn cứ cho quá trình thực hiện, kiểm tra, giám sát, xét thi đua cuối năm.
Trong Hội nghị cán bộ công chức hằng năm, anh đã thay mặt Ban chấp hành Công đoàn đứng ra ký kết với Giám đốc bệnh viện Bản cam kết thỏa thuận quy chế phối hợp hoạt động giữa công đoàn và chuyên môn, trong đó chú trọng những điều khoản có lợi cho người lao động từ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, tham quan, học hỏi kinh nghiệm… đến việc học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ… Phát huy vai trò nêu gương theo lời dạy của Bác, anh đã chủ động bỏ thuốc lá, vận động ủy viên Ban Chấp hành và các trưởng, phó khoa cùng thực hiện. Sau đó đứng ra tổ chức ký cam kết, tập huấn về tác hại của thuốc lá và động viên nhân viên, người lao động làm theo, đồng thời giao cho các tổ trưởng chịu trách nhiệm giám sát, nhắc nhở. Nhờ vậy, từ 16 người hút thuốc năm 2011, sau một thời gian, Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Kar đã không còn ai hút thuốc và trở thành đơn vị điển hình trong phong trào xây dựng “Môi trường làm việc không khói thuốc”. Bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm của mình, anh Ba đã giành được nhiều tình cảm yên mến, sự tin tưởng và trở thành chỗ dựa tinh thần của đoàn viên.
Nhà sáng chế không bằng cấp
Sau 3 năm làm thợ phụ cho xưởng cơ khí của người anh trai ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), anh Nguyễn Văn Hải quyết định đưa cả gia đình từ quê hương Bình Định vào thôn 3 (xã Cư M’gar) lập nghiệp bằng chính nghề mình đã học. Vốn sinh ra trong một gia đình thuần nông, anh thấu hiểu sự nhọc nhằn của những người nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn nên khi tiếp cận với nghề cơ khí, anh luôn nung nấu ý tưởng phải sáng chế một loại máy móc, nông cụ giúp bà con giảm bớt sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế. Từ đó, anh đã tự mày mò nghiên cứu, chế tạo thành công chiếc máy gặt lúa rải hàng thay thế cách gặt lúa bằng tay theo truyền thống nên được bà con các tỉnh Dak Lak, Kon Tum, Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Định, Cao Bằng ưa chuộng và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng sau một thời gian, anh nhận thấy chiếc máy này vẫn còn một số nhược điểm như: cây lúa gặt xong ngã đổ ra mặt ruộng nên bị dính bùn đất, người nông dân mất công đi gom, bó lại rồi phải vận chuyển lên máy tuốt. Vì vậy, anh tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu và sau 6 tháng thử nghiệm đã cho ra đời chiếc máy gặt lúa liên hợp đa năng có giá khoảng 200 triệu đồng/máy, rẻ hơn một nửa so với máy nhập khẩu của nước ngoài.
Anh Nguyễn Văn Hải đang vận hành chiếc máy gặt lúa liên hợp đa năng do mình chế tạo. |
Để “tiếp thị” cho sản phẩm mới, mùa vụ đầu tiên, anh Hải đã đưa máy đi đến tận đồng ruộng gặt không công cho bà con và nhận ra vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Máy gặt chậm, 1 sào lúa mất 45 phút, khó di chuyển ở những thửa ruộng lầy, bộ phận sàng chưa có độ dốc phù hợp nên lúa còn rơi vãi. Đến mùa vụ thứ hai, anh Hải đã cải tiến lại máy gặt lúa liên hợp đa năng, giảm bớt các chi tiết nặng không cần thiết, chỉnh lại bộ phận sàng nên đã gặt được cả ở những thửa ruộng sình lầy, ruộng bậc thang, lúa được gom lại gọn gàng, tuốt sạch sẽ, không rơi vãi, phân loại được cả hạt chắc, lép. Điều đáng nói, chiếc máy này đã giúp người nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Trước đây, để thu hoạch 1 sào lúa, bà con phải thuê mất 10 công lao động vừa gặt, gom lúa đi xạc, tốn chi phí khoảng 2 triệu đồng/sào. Từ khi sử dụng máy gặt lúa liên hợp đa năng, 1 sào lúa chỉ mất khoảng 300.000 đồng tiền công, sau thời gian 20 phút đã cho ra thành phẩm, bà con chỉ việc chở về nhà phơi.
Với ưu điểm giá thành rẻ, gặt được ở mọi địa hình, tốn ít nhiên liệu, tiết kiệm được thời gian, nhân công, dễ dàng sửa chữa, thay thế các bộ phận khi bị hư hỏng, chiếc máy gặt lúa liên hợp đa năng mang thương hiệu “Cơ khí Hải Hùng” không chỉ được nông dân trong và ngoài tỉnh đón nhận mà còn đoạt giải Khuyến khích tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IV, năm 2012-2013. Không bằng lòng với những thành quả đã đạt được, năm 2014, anh Hải tiếp tục cải tiến, hoàn thiện chiếc máy với mẫu mã đẹp hơn, gặt được cả ở những thửa ruộng lúa bị đổ ngã, ngập mưa với thời gian rút ngắn hơn chỉ còn 10 đến 15 phút/sào và giá thành không đổi. “Niềm vui lớn nhất đối với tôi là đã góp phần giúp người nông dân cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với chi phí thấp mà vẫn mang lại hiệu quả cao. Sắp tới tôi dự định sản xuất máy thu hoạch ngô vừa để tham dự Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V, vừa giúp bà con giải phóng sức lao động”, anh Hải chia sẻ.
Giúp nông dân ươm những mầm xanh
Đưa chúng tôi đi tham quan khu vườn ươm xanh tốt với nhiều loại cây giống khác nhau, chị Lê Thị Lý ở thôn 8 (xã Ea Ô, huyện Ea Kar) cười vui: “Gần chục năm nay, vườn ươm này đã cung cấp cho nông dân trong và ngoài tỉnh hàng vạn cây giống các loại, vừa phát triển sản xuất lại phủ xanh đất trống đồi trọc”.
Chị Lê Thị Lý (bên phải) trao đổi kinh nghiệm lai ghép cây giống cho hội viên |
Sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê, nhận thấy loại cây trồng này tốn nhiều chi phí đầu tư, công chăm sóc, giá cả lại bấp bênh nên năm 1998, chị Lý quyết định bán 2 ha rẫy lấy vốn mở đại lý buôn bán vật liệu xây dựng và phân bón. Mặc dù đã chuyển hướng làm ăn nhưng qua tìm hiểu thực tế rất nhiều người có nhu cầu mua cây giống phát triển sản xuất nên chị nảy ra ý tưởng thành lập vườn ươm. Để có đủ nguồn lực, chị đã đứng ra huy động một số anh em, bạn bè cùng góp vốn, rồi trực tiếp đi thu gom các loại hạt giống, cây giống như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, xoài, mít… của bà con về ươm trồng, sau đó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật lai ghép. Ban đầu, chị gặp phải rất nhiều khó khăn, có những lúc thất bại thâm cả vốn nhưng vẫn kiên trì, vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm và áp dụng vốn kiến thức ươm cây giống đã học ở Trường Trung cấp Lâm nghiệp nên đã tạo ra nhiều loại giống mới, giá thành thấp nhưng vẫn cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Qua vài năm, các loại giống cây trồng do chị Lý ươm, lai ghép cho hiệu quả rõ rệt nên đã được bà con và thị trường chấp nhận. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân ở các huyện khác trong tỉnh đã tìm đến tận nơi mua cây giống của chị. Nhờ vậy, vườn ươm này đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định khoảng 4 triệu đồng/người/tháng, mỗi năm cung cấp cho thị trường trong tỉnh 400.000 cây giống các loại.
Không những vậy, thời gian gần đây, một số thương lái đã tìm đến vườn ươm của chị đặt hàng khoảng 600.000 cây giống mỗi năm để cung cấp cho nông dân nước bạn Lào và Campuchia. Sáng kiến “Ươm trồng, lai ghép các loại cây lâm - nông nghiệp” của chị Lý đã xuất sắc đoạt giải thưởng tại cuộc thi “Ngày Phụ nữ sáng tạo Việt Nam” năm 2013, do Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực của một người phụ nữ vùng sâu, vùng xa đã giúp nông dân ươm những mầm xanh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Điều đáng nói, khi kinh tế gia đình đã ổn định, chị Lý không quên dành tấm lòng và sự quan tâm của mình cho những mảnh đời nghèo khó. Không chỉ là Mạnh thường quân của quỹ “Vì người nghèo”, góp vốn giúp phụ nữ khó khăn phát triển kinh tế, chị còn trực tiếp hỗ trợ tiền, vật liệu giúp các hộ nghèo xóa nhà tạm, bán trả chậm không tính lãi 300.000 cây giống các loại cho 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giúp họ có điều kiện vươn lên, ổn định cuộc sống. Với những thành tích đã đạt được, chị Lý nhiều lần được tuyên dương cá nhân điển hình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cấp huyện, tỉnh. Chị luôn tâm niệm: “Ai cũng có thể học và làm theo Bác. Đối với người nông dân thì trước hết phải biết vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình”.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc