Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giảm nghèo bền vững

21:04, 05/02/2015

Chiều 5-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trị Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành trong cả nước nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.

Tại Hội nghị điểm cầu Dak Lak, tham dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Hoan Niê Kdăm; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2020, năm 2014, tuy điều kiện kinh tế, xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực giảm nghèo và an sinh xã hội vẫn tiếp tục được Đảng, Quốc hội và Chính phủ ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực. Trên cơ sở khung Nghị quyết số 80/NQ-CP, các chính sách giảm nghèo và chính sách giảm nghèo đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP tiếp tục được bố trí kinh phí thực hiện; nhiều địa phương cũng đã ban hành cơ chế, chính sách giảm nghèo đặc thù. Trong năm qua, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững khoảng 34,7 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo trên 30,8 nghìn tỷ đồng còn lại là nguồn vốn huy động. Các Tập đoàn kinh tế, Tổng Công ty Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo; Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người dân đóng góp nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 1,8-2%/năm (từ 7,8% xuống còn 5,8%-6%). Riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,2% xuống còn 33,2%).

Hội nghị cũng đã triển khai phương hướng, nhiệm vụ, chương trình công tác giảm nghèo năm 2015 và giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung vào một số mục tiêu chính: giảm tỷ lệ hộ nghèo trong cả nước bình quân từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020; các huyện nghèo, xã nghèo giảm bình quân từ 3-4%/năm; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo, cận nghèo; thu nhập của nhóm hộ nghèo tăng 2 lần so với năm 2015…

2
Các đại biểu tại điểm cầu Dak Lak tham dự Hội nghị trực tuyến

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã phát biểu ý kiến tập trung nêu lên một số kết quả, những khó khăn, vướng mắc, cũng như giải pháp trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và đánh giá cao kết quả thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2014; đồng thời chỉ rõ những khó khăn, tồn tại: kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, số hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo trong cả nước; chính sách giảm nghèo còn dàn trải, phân tán, khó thực hiện, hiệu quả chưa cao… Thủ tướng nhấn mạnh, để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, các bộ, ngành, địa phương và Ban Chỉ đạo các cấp cần quán triệt và nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác giảm nghèo, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là tiêu chí đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền. Trước hết, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, tích hợp chính sách theo hướng phù hợp và hiệu quả hơn; tập trung chỉ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo, đặc biệt là hỗ trợ phát triển sản xuất thiết thực, hiệu quả và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo về nhà ở, y tế, giáo dục, bảo hiểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, thành phần kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia vào công tác giảm nghèo; khuyến khích tính chủ động vươn lên của người nghèo. Đồng thời, cần tổ chức thực hiện chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều, thoát nghèo cần gắn với bảo vệ rừng.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.