Hương sắc ngày Xuân
Một mùa xuân lại về, không khí làm việc của người dân ở các làng hoa lại nhộn nhịp, tất bật hơn với mong muốn những cây hoa nở đẹp, đúng dịp để mang lại một cái Tết ấm áp hương sắc cho mọi người.
Về làng hoa lay ơn, hoa huệ
Trên cánh đồng hoa bạt ngàn, nhiều màu sắc ở thôn 2B, xã Ea M’nang (huyện Cư M’gar), không khí Tết đã bắt đầu hiện diện, báo hiệu một mùa xuân mới yên vui, đầm ấm. Những ngày này, trong khi hầu hết người dân ở các thôn buôn trên địa bàn xã nói riêng, toàn tỉnh nói chung đang vào mùa thu hoạch cà phê, ngô và các loại nông sản khác thì những người trồng hoa lại đang tỉ mẩn chăm sóc, bón phân, tỉa cành cho từng luống hoa để chuẩn bị cho thị trường Tết. Làng hoa thôn 2B chỉ mới hình thành cách đây hơn 10 năm nhưng đã trở thành vựa hoa được nhiều người kinh doanh tìm đến đặt mua, chủ yếu là loài hoa huệ, lay ơn. Chị Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea M’nang cho biết: “Vốn chuyên trồng cây công nghiệp, thế nhưng cách đây khoảng 15 năm, khi thấy một vài hộ dân trong thôn trồng hoa cho thu nhập cao nên hiện nay hầu hết người dân trong thôn 2B đều chuyển đổi đất trồng cà phê, ngô, sắn, hoa màu sang trồng hoa, nhà trồng nhiều thì gần 1 ha, nhà ít thì cũng từ 2 đến 3 sào”.
Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng hoa lay ơn, theo chị Đinh Thị Thêu (thôn 2B), từ khi trồng đến lúc thu hoạch, ngoài việc làm cỏ, bón phân thì người trồng hoa còn phải chú ý sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng kỹ thuật để có được cành hoa đạt tiêu chuẩn. Nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay thì đến Tết hoa sẽ nở đẹp, như vậy thì giá bán ra thị trường sẽ cao hơn các năm. Chị Thêu cho biết thêm, trồng hoa lay ơn chỉ khoảng 2,5 tháng thì có thể cho thu hoạch, với giá khoảng 3.000 - 3.500 đồng/cành vào những ngày thường, còn dịp lễ, Tết có thể bán được 4.500 - 6.000 đồng/cành, trừ chi phí một sào hoa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Điều đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm thì không phải lo bởi các đại lý, nhà buôn đến tận từng nhà trong thôn để thu mua.
Niềm vui của người trồng hoa. Ảnh: Hoàng Gia |
Cũng như cây lay ơn, hoa huệ từ lâu đã giúp nhiều hộ dân trong thôn 2B thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hơn 2 năm nay, chị Lương Thị The đã chuyển mấy sào đất trồng hoa màu sang trồng hoa huệ, nhờ những người đi trước chỉ dẫn cách trồng và chăm sóc, vụ thu hoạch đầu đã cho năng suất cao, sau khi trừ chi phí, chị thu lãi gần 10 triệu đồng. Được biết, trồng cây hoa huệ khoảng 5 tháng mới bắt đầu cho thu hoạch, tuy nhiên ưu điểm của loài hoa này là cây ra hoa liên tục trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm và giá thành tương đối cao (khoảng 20.000 đồng đến 30.000/10 bông) đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chị The chia sẻ: “Nghề trồng hoa tưởng như nhàn nhã nhưng lại không hề đơn giản, bởi ngoài cách chọn cây giống tốt, chăm sóc chu đáo, người trồng phải biết canh để hoa nở đúng dịp. Việc trồng hoa không chỉ mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ cho người dân mà còn mang không khí lộc xuân đến mọi nhà”.
Kỳ vọng mùa hoa Tết
Thành phố Buôn Ma Thuột được xem là địa bàn có tổng diện tích đất trồng hoa lớn nhất trong toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các phường Khánh Xuân, Ea Tam, xã Hòa Thắng với nhiều loài hoa như: cúc, lay ơn, ly, hoa hồng… Những ngày cuối năm, tìm về các vườn hoa ở phường Ea Tam mới cảm nhận được không khí xuân đang đến rất gần. Đối với người trồng hoa, sự thành công của mỗi mùa vụ là khi điều khiển hoa nở theo ý muốn của mình, bởi hoa nở quá sớm hoặc muộn đều thất thu. Do đó, ngoài yếu tố xuống giống đúng thời vụ và sự kỳ công chăm sóc của các chủ vườn, thì chất lượng hoa phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết. Cũng như mọi năm, khi đến mùa hoa Tết, các chủ vườn lại “thức cùng hoa, ăn cùng hoa” và lo lắng cho những bông hoa như chính người thân của mình bởi ai cũng trông chờ vào vụ hoa này để đón một cái Tết sung túc hơn.
Tại vườn hoa của gia đình ông Bùi Đình Sơn (buôn M’Duk, phường Ea Tam), ngoài những luống hoa đang chờ thu hoạch để bán vào mùng Một và ngày rằm thì những cây hoa phục vụ thị trường Tết âm lịch đã bắt đầu xanh tươi. Ông Sơn phấn khởi nói: “Mặc dù đã có kinh nghiệm trồng hoa hơn 10 năm, nhưng mỗi khi đến vụ mùa Tết tôi vẫn không khỏi lo lắng, bởi trồng hoa quanh năm nhưng vụ mùa này là quan trọng nhất. Nếu năm nào hoa nở đẹp, đúng thời điểm thì năm đó không khí Tết của gia đình tôi sẽ vui hơn, đó không chỉ là đem lại nguồn thu nhập cao mà còn là niềm hạnh phúc vì đã góp phần đem lộc xuân đến mọi nhà”. Được biết, vụ mùa Tết năm nay, ông Sơn gieo hơn 40.000 cây giống hoa cúc với các chủng loại khác nhau như cúc đại đóa, pha lê, mâm xôi, 4 số… để cung cấp cho các đại lý, nhà buôn. Hoa cúc dễ trồng, hiệu quả kinh tế cao, ước tính một sào sau khi trừ chi phí đầu tư, các chủ vườn thu lãi khoảng 30 triệu đồng/vụ, do đó, hầu hết các vườn hoa trên địa bàn thành phố đều dành phần lớn diện tích đất trồng hoa cúc để bán vào dịp Tết. Gắn bó với nghề trồng hoa gần 20 năm, gia đình chị Nguyễn Thị Hương (tổ dân phố 6, phường Ea Tam) đã có cuộc sống ổn định, khá giả hơn nhờ nghề trồng hoa. Vụ hoa Tết năm nay, thấy tình hình thời tiết khá thuận lợi nên chị đặt nhiều kỳ vọng vào mấy sào hoa cúc và hoa hồng…
Đến các vườn hoa khác trên địa bàn thành phố vào thời điểm giáp Tết, thấy sự đầu tư, chăm sóc hoa của người nông dân mới thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của họ. Từ khi gieo trồng cây con, họ phải theo sát như chăm con mọn từ việc làm cỏ, bón phân, tỉa nụ, thậm chí phải sưởi ấm cho hoa nếu tiết trời quá lạnh. Để tăng năng suất và chất lượng của cây hoa, hiện các nhà vườn cũng đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng và chăm sóc như thắp điện sưởi ấm, đầu tư hệ thống tưới nước phun sương… Tất cả nhằm đem những bông hoa đẹp, đủ sắc màu đến với mọi gia đình, nhất là mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc