Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng Buôn Ma Thuột trên hành trình đi tới

20:10, 26/02/2015

Theo tiến trình lịch sử, từ một buôn làng xa xưa của người Êđê, Buôn Ma Thuột đang vươn mình trở thành một đô thị đóng giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên.

Trên hành trình đi tới, bên cạnh niềm vui trước sự đổi thay từng ngày, những ai gắn bó, yêu mến thành phố cao nguyên này lại vẫn đang day dứt, trăn trở về những điều phải đánh đổi trước “cơn lốc” đô thị hóa: Làm sao để cho Buôn Ma Thuột trong tương lai xứng tầm với một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc của riêng mình?

Biểu diễn múa dân gian tại Ngày hội Văn hóa – thể thao  các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Biểu diễn múa dân gian tại Ngày hội Văn hóa – thể thao các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

ần 40 năm gắn bó với Buôn Ma Thuột, nhà văn - nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm - người con của đại ngàn Tây Nguyên có lẽ phải yêu lắm mảnh đất này mới thấy thảng thốt trước sự đổi thay nhanh chóng của thành phố. Gắn bó với xứ sở của cồng chiêng như một cuộc trải nghiệm bằng tất cả nhiệt huyết, nên nhà văn cứ mãi trăn trở, đau đáu trước những mất - còn của buôn làng xưa đang vươn mình trở thành một đô thị hiện đại, văn minh. Bà bảo, cái “được” rất nhiều nhưng cái “mất” cũng không ít. Trong 110 năm, qua nhiều thăng trầm lịch sử, Buôn Ma Thuột hôm nay đã thay đổi một cách toàn diện, bộ mặt thành phố khang trang với hệ thống hạ tầng giao thông được phát triển và cải thiện; mọi con đường, ngõ hẻm đều được bê tông, nhựa hóa, đèn đường đã sáng bừng mọi góc phố, cây xanh rợp khắp các ngả đường… Đó là những đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm 80 của thế kỷ trước, rất nhiều thanh niên ở các buôn không chịu đến lớp, chỉ ở nhà đi làm rẫy, nhưng bây giờ không chỉ dừng lại ở bậc đại học, các lớp thanh niên sau này ở các buôn làng, rất nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Điều có thể thấy ở lớp trẻ bây giờ là tư tưởng, tinh thần, ham muốn học hỏi để hội nhập. Nhưng bao giờ cũng vậy, theo quy luật, sự phát triển luôn chứa đựng những yếu tố nghiệt ngã.

Quá trình đô thị hóa diễn ra một cách nhanh chóng, nhanh chóng đến mức có những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đã vĩnh viễn mất đi. Đó là sự mất đi của kiến trúc cổ thành phố; những công trình kiến trúc thời Pháp lần lượt bị phá bỏ; còn ở các buôn làng vì không có gỗ để tu sửa nên nhà dài gần như đã bị bê tông hóa. Ngay cả buôn được coi là đẹp nhất thành phố - Akô Dhông, không gian kiến trúc cũng đang dần dần bị phá vỡ. Nhưng có lẽ xót xa nhất là những giá trị văn hóa phi vật thể đang mất dần, rời xa hẳn đời sống buôn làng. Trong ký ức của nhà văn Linh Nga Niê Kdăm, những năm 1975-1976, đêm đêm ngủ vẫn còn nghe vang vọng tiếng chiêng từ buôn Păn Lăm, Kô Siêr, Alê A..., nhưng bây giờ thì tuyệt nhiên không còn nữa. Đáng lẽ ra, khi đời sống vật chất được nâng lên, cải thiện hơn xưa, thì người ta càng phải trân trọng quay về với cội nguồn của mình,  nhưng thực tế ở đây lại không phải như thế mà càng ngày càng phai nhạt. Trong 33 buôn của thành phố, không còn một buôn nào tự thân tổ chức những lễ thức gắn với đời sống cộng đồng của mình nữa. Sự mất đi này, có lẽ xuất phát từ bản thân trong đời sống cộng đồng không còn mong muốn, không có nhu cầu tự thân tổ chức những nghi lễ mang ý nghĩa tâm linh theo phong tục, tập quán của dân tộc mình.

Rất nhiều thanh niên trẻ gần như xa lạ với giá trị cũ xưa của ông bà truyền lại. Đây là nỗi day dứt, nhất là đối với những ai yêu mến Buôn Ma Thuột, tha thiết với văn hóa Tây Nguyên.  Là đô thị mang tên của một con người cụ thể: Ama Thuột, thế nhưng, dường như trên chính mảnh đất của người có công khai sinh ra thành phố này lại không có bất cứ hiện vật nào để biết rằng con người đi vào huyền thoại ấy đã từng tồn tại. Rất nhiều khách du lịch khi đến với Buôn Ma Thuột đều hỏi về làng của Ama Thuột, có gì để biết về con người này không? Trong tâm khảm của nhà văn Linh Nga Niê Kdăm ẩn chứa nỗi buồn sâu thẳm, bà bảo: “Năm 2000 ngôi nhà dài của Ama Thuột vẫn hiện hữu ở buôn Kô Siêr với rất nhiều hiện vật. Nhưng bây giờ, đất thì đã chia năm xẻ bảy, nhà dài cũng không còn, hiện vật theo đó cũng biến mất. Có lẽ đây là một trong những mất mát không gì bù đắp được”. 

Suối Ea Tam với thiên nhiên thơ mộng.
Suối Ea Tam với thiên nhiên thơ mộng.

Buôn Akô Dhông vốn dĩ không phải là buôn cổ nhưng lại là buôn  duy nhất hiện giờ còn giữ được dáng dấp, nét độc đáo của một buôn làng người Êđê. Nhưng khi những người tha thiết với những giá trị văn hóa truyền thống như già Ama H’rin đã lần lượt về với thế giới ông bà, thì vấn đề gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống nơi đây đang đối mặt với nhiều thách thức. Ngôi nhà dài cổ của Ama H’rin vì sinh kế mà các thế hệ con cháu bán hết gỗ, thay vào đó là một ngôi nhà dài khác hoàn toàn, lạ lẫm với những giá trị cũ xưa, vốn mang đậm nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc. Sẽ có nhiều nuối tiếc cho một đô thị với khát vọng trở thành trung tâm thương mại của khu vực, đô thị hạt nhân của vùng Tây Nguyên khi những giá trị truyền thống đang bị mất đi từng giờ từng phút theo dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. “Gần như không còn cái gì để mà cho mình nhớ về quá khứ, níu giữ được dòng thời gian đang trôi, cảm giác mình như đang lơ lửng, bồng bềnh, giằng xé giữa hai chiều không gian kim - cổ” - nhà văn Linh Nga Niê Kdăm thốt trải lòng mình.

Cũng là người trải qua nhiều chia sẻ ngọt bùi với vùng đất nắng gió đong đầy trong nỗi nhớ không tên, KTS Diêu Quang Hùng luôn đau đáu với sự mất - còn của Buôn Ma Thuột trong cuộc vươn mình lớn dậy. Những gì ông chia sẻ đều chứa đựng những ưu tư. Bên cạnh những dòng suối: suối Xanh, Ea Tam,  Ea Nuôl, Đốc Học với lưu vực nước khá lớn chảy trong lòng thành phố, Buôn Ma Thuột còn sở hữu những hồ nước lớn, nhỏ tạo ra các vùng cảnh quan rất đẹp như: hồ Ea Kao, Ông Giám, Ea Tam. Đó là những báu vật thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố này mà không phải đô thị nào cũng có. Vậy nhưng, theo ông thành phố lại đang “quay lưng” với những báu vật: suối trở thành nơi xả thải, bị lấn chiếm và đang thu hẹp dần, hồ chỉ sử dụng cho mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp… Cho nên, qua nhiều hội thảo hiến kế cho sự phát triển của Buôn Ma Thuột, ông vẫn tha thiết, nhất quán một quan điểm là tìm cách khai thác hiệu quả đối với các dòng suối, biến suối thành huyết mạch cảnh quan và không gian thư giãn cho thành phố. Khi đó, suối trong lòng thành phố sẽ là “điểm nhấn” và trở thành một trong những yếu tố tạo nên “bản sắc” về tự nhiên, địa hình của thành phố cao nguyên này. 

Trong khi những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đang dần mai một, biến mất theo vòng quay của quá trình đô thị hóa, làm thế nào để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị hiện đại văn minh nhưng vẫn gìn giữ được nét văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa là nỗi canh cánh, ưu tư của rất nhiều thế hệ lãnh đạo chính quyền nơi đây. Đầy tin tưởng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Viết Tượng quả quyết: “Để Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, phát triển các lĩnh vực như Bộ Chính trị đã đề cập trong Kết luận 60-KL/TW, Đảng bộ, chính quyền TP. Buôn Ma Thuột sẽ luôn kiên trì huy động mọi nguồn lực của xã hội, phát huy nội lực trong nhân dân; tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, địa phương để đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ; tập trung xây dựng hệ thống chính trị ngày một vững mạnh, trong đó, chú trọng cải cách hành chính trong toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở và xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển.

Song hành với việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền thành phố sẽ chú trọng, quan tâm hơn nữa việc giữ gìn, bảo tồn nét đặc trưng văn hóa của các dân tộc bản địa: nhà dài, bến nước, cồng chiêng... Như năm 2014 vừa qua là năm thứ 8 liên tiếp Ngày hội văn hóa - thể thao các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được tổ chức với nhiều nội dung phong phú đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều nghệ nhân cùng đông đảo bà con ở các buôn làng tham gia. Qua mỗi lần tổ chức ngày hội là mỗi lần các cộng đồng dân tộc ở đây có cơ hội “kiểm chứng” lại vốn văn hóa truyền thống của mình. Đây là một trong những phương cách để góp phần gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa, đồng thời tạo thêm sức hút với du khách khi đặt chân đến với phố núi này”.

Khát vọng một Buôn Ma Thuột tương lai là suối trong lòng thành phố, phố trong lòng rừng xanh sẽ trở thành hiện thực nếu có những quyết sách, chiến lược đúng đắn, cùng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Bởi với những vùng sinh thái đặc thù bao bọc quanh thành phố, Buôn Ma Thuột có đầy đủ tiềm năng, nền tảng để xây dựng một đô thị xanh, năng động và giàu bản sắc. Như những gì mà Bí thư Thành ủy Nguyễn Viết Tượng đã quả quyết thì bến nước, rừng cây, nhà dài cùng với những giá trị văn hóa truyền thống ở các buôn làng nơi đây sẽ được chính quyền địa phương các cấp tiếp tục quan tâm bảo tồn, gìn giữ và phát huy để Buôn Ma Thuột vững vàng phát triển, hội nhập, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Ghi chép của Lê Hương


Ý kiến bạn đọc