Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy thuốc "hai trong một"

21:03, 27/02/2015

Cùng với công việc chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, ngày ngày những người thầy thuốc ấy còn âm thầm truyền thụ kiến thức, dìu dắt những thế hệ học sinh, sinh viên ngành Y trở thành các y, bác sĩ "giàu phẩm chất, vững tay nghề", đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành Y tế...

Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nhi và nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thâm niên gần 22 năm công tác và cũng đã có hơn 10 năm trực tiếp tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập cho các y, bác sĩ, điều dưỡng thuộc các bệnh viện tuyến dưới và sinh viên y khoa của các trường trung cấp và đại học trên địa bàn. Với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, anh là một bác sĩ tận tình, còn với các sinh viên ngành y, anh là một người thầy nghiêm khắc. Dù hàng ngày công tác chuyên môn ở khoa luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, từ những ca bệnh nặng, khoa phòng chật hẹp đến thiếu thốn trang thiết bị, nhân lực… nhưng xác định nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người bệnh phải đi đôi với việc giáo dục đào tạo nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chuyên khoa Nhi tại các tuyến nên anh luôn nỗ lực hết mình để cùng hoàn thành 2 nhiệm vụ: khám chữa bệnh và truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm cho học sinh, sinh viên và đồng nghiệp của mình. Anh tâm sự: “Là một bác sĩ lại đảm nhiệm thêm vai trò người thầy giáo, tôi thấy mình rất vinh dự nhưng cũng thấy trọng trách tăng lên gấp bội. Trên thực tế, làm một người thầy đã khó thì làm thầy của những người thầy càng khó khăn nhiều hơn, giảng đường nhiều khi là bệnh viện, là phòng bệnh nhân hay phòng cấp cứu. Chính vì vậy, giờ học của chúng tôi cũng rất đặc biệt, đó là những giây phút căng thẳng mà cả thầy và trò đều phải cố gắng hết mình để giành giật tính mạng cho người bệnh. Mỗi tiết học, các học viên tiếp nhận được kiến thức, kinh nghiệm cho mình, còn chúng tôi những bác sĩ - nhà giáo lại có cơ hội để ôn lại kiến thức, trau dồi thêm kỹ năng để nâng cao tay nghề".
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn truyền đạt kinh nghiệm trong điều trị bệnh cho các đồng nghiệp.   Ảnh: K.O
Bác sĩ chuyên khoa II Hoàng Ngọc Anh Tuấn truyền đạt kinh nghiệm trong điều trị bệnh cho các đồng nghiệp. Ảnh: K.O

Cùng với bác sĩ Tuấn, các bác sĩ, điều dưỡng ở 28 khoa lâm sàng và cận lâm sàng khác trong Bệnh viện Đa khoa tỉnh như: Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội Tim mạch; Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hai, Trưởng khoa Truyền nhiễm; Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi Tổng hợp; bác sĩ chuyên khoa II Đào Anh Dũng, Phó trưởng khoa Ngoại tổng quát… vẫn ngày ngày tận tâm, tận tụy truyền lại cho các thế hệ học sinh, sinh viên y khoa những bài giảng lý thuyết đi đôi với thực hành. Trong mỗi giờ học với các bác sĩ, học viên không chỉ được quan sát bác sĩ khám chữa bệnh một cách thực tế, được cầm tay chỉ việc mà còn được trực tiếp thực hiện các thao tác lâm sàng trên bệnh nhân, làm quen với các thiết bị y tế hiện đại trong công tác điều trị và lĩnh hội cả những bài học về y đức một cách chân thực nhất. Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Văn Hùng, Trưởng khoa Nội Tim mạch của bệnh viện chia sẻ: "Bao nhiêu thế hệ học trò đi qua là từng ấy lần chúng tôi trăn trở phải làm sao để truyền đạt cho các em vững chắc tay nghề và giữ tâm trong sáng, bởi nghề thầy thuốc còn là nghiệp cứu người. Do vậy, trong mỗi giờ học, chúng tôi luôn cố gắng để học trò của mình vừa hiểu được kiến thức nhưng đồng thời phải hiểu được cả đạo lý cứu người, y đức của người thầy thuốc". Và chính những trăn trở ấy đã giúp cho các thế hệ học trò của họ có được những bài học quý giá. Em Ka Nhìn, sinh viên lớp Y09B, Khoa Y6, Trường Đại học Tây Nguyên bộc bạch: “Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện khá chật hẹp, bệnh nhân luôn đông đúc và lượng sinh viên cũng khá đông, nhưng các thầy vẫn giảng dạy rất nhiệt tình, không chỉ tạo cơ hội để chúng em được thực hành mà còn truyền đạt cho sinh viên kỹ năng giao tiếp với người bệnh, những kinh nghiệm thực tiễn không có trong sách vở. Nhờ những buổi học ấy mà đến giờ này em luôn thấy tự tin với hành trang mình đang có để trở thành thầy thuốc trong tương lai”.

Được biết, hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang tham gia đào tạo cho khoảng 3.000 học sinh, sinh viên của các trường trung cấp và đại học trên địa bàn tỉnh. Vì thế, việc lựa chọn những y bác sĩ "đứng mũi chịu sào" trong công tác giảng dạy luôn được ban lãnh đạo bệnh viện chú trọng. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Y Bliu Ayũn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh: "Nhằm bảo đảm chất lượng giảng dạy, chúng tôi đã chọn những người có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I trở lên, hằng năm luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có sai sót về chuyên môn và đặc biệt là phải có uy tín về đạo đức mới được tham gia giảng dạy". Nhờ tuyển chọn đội ngũ nhà giáo kỹ lưỡng nên chất lượng giảng dạy ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn được đánh giá cao với tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp cuối khóa loại khá, giỏi hàng năm đều đạt trên 80%.

 Kim Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.