Multimedia Đọc Báo in

Những người "trang điểm" cho Xuân

21:02, 07/02/2015

Những ngày cuối năm, dường như ai cũng tất bật chuẩn bị cho ngày Tết của gia đình. Trong nhịp sống hối hả ấy còn có những con người đang ngày đêm mày mò sáng tạo, tỉ mỉ uốn nắn từng cành cây, tỉa tót từng chiếc lá để đem đến sắc xuân tươi mới cho mọi nhà. Có ai hay, đằng sau vẻ đẹp rực rỡ của những mai, đào, lan, cúc,… là biết bao nhọc nhằn, vất vả, là những lo toan, trăn trở “được” và “mất” của những nghệ nhân trồng và chăm sóc hoa, cây cảnh - những người làm đẹp cho Xuân.

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Bến Tre, dù mới ở tuổi 30 nhưng anh Nguyễn Trung Hòa đã có gần 10 năm kinh nghiệm trong nghề trồng hoa và chăm sóc cây cảnh. Hiện tại, anh Hòa đang làm việc lại vườn hoa giống, cây cảnh Vĩnh Phú, trên đường Lê Duẩn (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột). Cùng làm việc với anh Hòa còn có 7 nhân viên khác, chủ yếu là người dân xứ hoa Cái Mơn (tỉnh Bến Tre). Anh Hòa cho biết, một ngày mới của người chăm hoa ở đây thường bắt đầu bằng việc tưới nước, kiểm tra các luống hoa, tỉa cành úa, phát hiện bệnh của hoa qua rễ, lá để xử lý kịp thời... Những ngày giáp Tết, để tạo ra chậu hoa đẹp phục vụ cho nhu cầu trang trí của khách hàng, công việc của anh cũng có phần vất vả hơn. Với anh Hòa, chăm sóc cây cảnh không chỉ là công việc kiếm tiền đơn thuần, mà đó còn là niềm đam mê và tâm huyết của người chăm hoa. Anh Hòa chia sẻ: "Nghề chăm sóc hoa không vất vả nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và cẩn thận. Chỉ cần lơ là trong việc tưới nước, bón phân hay điều kiện nhiệt độ không phù hợp là hoa chết ngay. Với tôi, hoa như người bạn. Đôi khi tôi ngồi cả ngày chỉ để chăm ngắm, tỉa tót cho chúng mà không biết chán".
Vườn hoa Vĩnh Phú (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã tràn ngập các loại hoa chuẩn bị phục vụ Tết.
Vườn hoa Vĩnh Phú (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã tràn ngập các loại hoa chuẩn bị phục vụ Tết.

Ở vườn hoa Vĩnh Phú hiện có khoảng 500 loại hoa, cây cảnh để phục vụ Tết, chủ yếu là: đồng tiền, đỗ quyên, phong lữ, nắp ấm, lưu ly... và các loại lan thủy tiên, nghinh xuân, hoàng hậu,... Năm nay thị trường cây cảnh cũng “sốt” với thú chơi phật thủ, các loại cây ăn trái như ổi, đu đủ, khế,… vừa có thể chưng Tết lại vừa có thể trồng làm cây ăn quả trong nhà. Với những loại cây cảnh này thì phải mất 2-3 năm để chăm sóc cho ra quả nên giá thành cũng cao hơn so với các loại khác. Anh Hòa cũng cho biết thêm, những năm gần đây người dân chuộng chơi những loại chậu cảnh bon sai nhỏ, cây hoa để bàn. Loại này giống được nhập ở miền Tây về và chăm sóc rất công phu. "Bon sai nhỏ đôi khi lên đến 5 loại cây/chậu, vì thế để tạo ra bố cục đẹp, nghệ nhân phải hết sức tinh ý và cẩn thận, chỉ cần một chút sơ sẩy là hỏng ngay"- anh Hòa nói. Hỏi về những rủi ro trong nghề, anh Hòa chỉ lắc đầu cười buồn rồi giãi bày: “Giống hoa ở đây hầu hết được nhập về từ miền Tây nên chi phí vận chuyển rất cao. Mấy năm nay thời tiết thất thường, mưa to gió lớn làm hoa dập úng chết nhiều. Chưa kể đòi hỏi của khách hàng ngày càng cao, hoa phải đẹp, lạ, bắt mắt mà giá thành thì ở mức vừa phải, nên sau mỗi mùa Tết trừ hết chi phí rồi cũng không lãi được là bao”.

Người trồng hoa đang chăm, tỉa cây cảnh ở vườn hoa Vĩnh Phú  (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).
Người trồng hoa đang chăm, tỉa cây cảnh ở vườn hoa Vĩnh Phú (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).

Chia tay trại hoa Vĩnh Phú rực rỡ sắc màu, chúng tôi đến gặp ông Phạm Tâm ở thôn 5, (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) người nức tiếng là “mát tay” trong nghề trồng và chăm sóc hoa mai. Trong khu vườn rộng chừng 1000m2 ông Tâm đặt hơn 500 gốc mai đã bắt đầu trổ nụ phục vụ cho mùa Tết năm nay. Theo ông Tâm, Dak Lak không phải là địa phương có điều kiện lý tưởng để trồng hoa mai. Mai là loài hoa tương đối khó chăm. Chúng thường bị đốm lá và ra hoa dựa vào thời tiết nên chỉ cần mưa nặng hạt kéo dài là xảy ra hiện tượng thối rễ, chết cây, nên những ngày mưa gió đôi khi người chăm cũng phải cùng ăn, cùng thức với hoa. Ngoài điều kiện chăm sóc như bón phân, tỉa cành, tưới nước, thì thời tiết là yếu tố quan trọng nhất để quyết định tính thành bại của vụ hoa mai đó. Kể về câu chuyện mùa hoa mai năm ngoái, ông Tâm vẫn không dấu được ánh mắt buồn bã: "Năm ngoái tôi trồng cả ngàn gốc mai, những tưởng sẽ có nguồn thu nhập cho gia đình. Ai ngờ, gần Tết mưa nhiều, thời tiết chuyển lạnh kéo dài đột ngột nên mai không nở hoa kịp, công sức một năm lao động vất vả coi như đổ sông đổ bể". Ông Tâm cho hay, mai đẹp là những cây có bộ rễ và thân lớn, cành khẳng khiu, tán đối xứng, hoa nở đều. Chăm mai không vất vả nhưng tương đối kỳ công, đặc biệt là ở khâu tạo dáng. Có khi tạo dáng cho cây xong, không ưng ý nhưng cũng không thể sửa được ngay mà phải đợi một thời gian để cây phát triển lại cành, lá mới có thể tạo lại dáng mới. Vì vậy, cẩn thận, khéo léo là hai yếu tố đặt lên hàng đầu của người chăm sóc cây cảnh. Năm nay thời tiết thuận lợi hơn nên mai nhà ông Tâm cây nào cũng trổ nụ rất đẹp. Ngoài chăm sóc mai bán mỗi dịp Tết, ông còn nhận chăm sóc mai thuê. "Khách nào có nhu cầu thì gửi mai thì tôi nhận chăm, phí chăm sóc dựa theo giá trị cây mai để tính. Công việc này cũng nhiều rủi ro bởi nếu mai không kịp nở Tết thì mình phải bù cho khách chậu hoa khác chưng mấy ngày Xuân. Không may mai chết thì mình phải bồi thường cho khách số tiền theo đúng giá trị cây mai đó” - ông Tâm tâm sự.

Mùa Xuân đã đến rất gần. Bao nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người “trang điểm” cho Xuân cũng đang hy vọng được đền đáp từ những nụ hoa còn e ấp dưới các chồi non xanh mơn mởn. Qua câu chuyện của họ, chúng tôi biết, những cành hoa, chậu cảnh rực rỡ trong ngày Tết không chỉ là “đứa con tinh thần”, mà còn là “của để dành”, là niềm hy vọng có nguồn thu nhập sau một năm vất vả lao động. Nhìn những giọt mồ hôi thấm đẫm vai áo họ, thầm nghĩ chẳng biết đến bao giờ nỗi lòng “được - mất” của những người trồng hoa vơi đi, để niềm vui ngày Tết về được trọn vẹn cùng mỗi mùa Xuân...

 Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.