Multimedia Đọc Báo in

Phòng cháy trong sử dụng điện: "Mùi" của... điện!

20:32, 28/02/2015
Nghe cũng lạ, điện sao lại có “mùi”. Đúng vậy, bình thường chẳng ai thấy được điện hình dáng ra sao, mùi vị thế nào nhưng khi “thấy được”,  “nghe được”, “ngửi thấy mùi”… là có vấn đề, có khi là to chuyện.

Thật ra, điện chẳng có mùi vị gì cả, có chăng đó là mùi của chất liệu làm nên thiết bị điện khi bị cháy. Nhưng khi có thoang thoảng mùi khen khét mà chưa phát hiện được nguyên nhân thì hầu như mọi người đều phỏng đoán hình như “cháy điện”. Mà cũng đúng thôi, trong các đợt hỏa hoạn, sau khi điều tra hầu hết đều có nguyên nhân từ điện. Ngay cả các nhà chuyên môn về lĩnh vực phòng cháy chữa cháy khi điều tra các vụ cháy nếu chưa có được nguyên nhân rõ ràng đều cho rằng “khả năng do chập điện”. Nhưng như thế thì “oan” cho điện quá. Để “giải” được “nỗi oan” này, giảm thiểu tối đa các vụ cháy cần lắm sự thông thái của người sử dụng điện và trách nhiệm của các nhà sản xuất thiết bị điện cũng như những người làm công việc liên quan đến lĩnh vực điện.

Từ tiếng lách tách phóng điện ở các bề mặt cách điện bẩn, tiếp xúc xấu giữa các mối nối; sự lỏng lẻo, chập chờn của phích cắm và ổ điện đến chạm chập của dây dẫn do quá tải; cọ sát bong tróc vỏ, lão hóa cách điện, tia lửa hàn, sự cố thiết bị… đều từng bước nghe, thấy và là “mùi của điện”. Các trường hợp này nếu không được phát hiện xử lý kịp thời đều có thể dẫn đến nguy cơ hỏa hoạn lớn.

Ngày nay, đời sống kinh tế của người dân ngày càng được nâng cao, các trang thiết bị hiện đại được sử dụng phổ biến dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên. Hầu hết các hộ gia đình đều trang bị thêm các thiết bị, đồ dùng điện có công suất tiêu thụ lớn như: máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, bếp điện, máy giặt… Tuy nhiên, các thiết bị này trước đây khi lắp đặt mạng điện chưa được tính toán đến dẫn đến quá tải dây dẫn. Cũng chính điều này đưa đến sự nguy hiểm do cháy, nổ khi sử dụng các đồng thời nhiều thiết bị điện. Bên cạnh việc bất cẩn trong sử dụng, còn một yếu tố không kém phần quan trọng dẫn đến cháy, nổ là do người dùng tự ý đấu nối miễn sao cho đèn sáng, máy chạy… Vì vậy các vụ cháy, nổ có nguyên nhân do điện ngày càng gia tăng.

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra khá nhiều vụ hỏa hoạn tại các quán bar, nhà hàng gây thiệt hại lớn về tài sản và con người đều do chập điện từ các bảng quảng cáo, đèn trang trí bảng hiệu. Nguyên nhân chính là do sự cẩu thả, bất cẩn, thiếu hiểu biết của một số thợ lắp đặt bảng hiệu cùng với sự thiếu kiểm tra của các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các quy định thiếu sự chặt chẽ từ khâu thiết kế kết cấu, đến lắp đặt… nên khi có gió to người dân đi trên đường đều nơm nớp lo sợ và ngành Điện cũng nhiều phen… hú vía từ các bảng quảng cáo đổ sập, bay vào đường dây gây sự cố đứt dây, mất điện trên diện rộng.

Điện đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu nên việc phòng cháy trong sử dụng điện cần phải được mỗi người hết sức quan tâm; qua đó bảo đảm an toàn để “mùi” điện không còn là nổi ám ảnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nữa.

Văn Sỹ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.