Multimedia Đọc Báo in

Tiếng chổi đêm trên phố

20:58, 07/02/2015
Cuối năm, mọi người, mọi nhà hối hả hoàn thành những công việc cuối cùng để chào đón năm mới. Thế nhưng với công nhân môi trường, đây là thời điểm họ vẫn tất bật, thậm chí khối lượng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường…

Nhọc nhằn với nghề

1 giờ 30 - thành phố Buôn Ma Thuột chìm sâu vào giấc ngủ, chỉ còn đâu đó âm thanh sột soạt của tiếng chổi tre vẫn đều đặn vang lên. Hòa với bước chân nhẹ nhàng, thoăn thoắt, tiếng chổi tre trở thành âm thanh quen thuộc trong đêm khuya… Công việc mà các công nhân môi trường phải làm mỗi ngày là quét rác đường phố, vỉa hè, thu lượm rác trong bụi cây, xúc đất bồi tụ lòng đường, móc hàm ếch miệng hố ga… và thông thường họ tập trung đông ở khu trung tâm, chợ lớn, các tuyến giao thông chính như đường Y Jút, Phan Bội Châu, Lê Duẩn, Quang Trung…

Trời về khuya, chạy dọc đường Lê Duẩn, chúng tôi bắt gặp cô Lê Thị Hường (thuộc công nhân tổ Tự An 2, Xí nghiệp vệ sinh môi trường, Công ty TNHH Một thành viên Đô thị và Môi trường) mặc áo xanh có phản quang đang chăm chú quét rác bên lề đường. Gần 36 năm trong nghề nên cô Hường quá quen từng con con hẻm, gốc phố Buôn Ma Thuột và cũng quá quen với những vất vả, khổ cực trong nghề. Cô tâm sự: “Công việc ca khuya của chúng tôi thường bắt đầu từ 1 giờ 30 đến 5 giờ 30, tùy ngày. Nhiệm vụ của mỗi người là phải thu gom hết rác trên mấy đoạn đường dài khoảng 2.000 mét. Với tôi, quét rác không mệt, không vất vả lắm, nhưng khổ nhất là vừa quét xong quay lại đã thấy có rác… mới. Đáng buồn thay, chuyện này trở thành chuyện gặp hàng ngày rồi! Thậm chí, người vứt rác còn sẵn sàng nói những lời cay nghiệt, chửi bới khi nghe chúng tôi nhắc nhở”. 

Cô Lê Thị Hường cần mẫn dọn rác trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh chụp lúc 2 giờ sáng, ngày 25-1).
Cô Lê Thị Hường cần mẫn dọn rác trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột). (Ảnh chụp lúc 2 giờ sáng, ngày 25-1).

Cũng làm ca khuya như cô Hường, cô Trần Thị Bao (công nhân tổ Thành Nhất 2) chia sẻ những vất vả và cả hiểm nguy mà những người nữ lao công phải đối mặt mỗi đêm. Cô Bao có 26 năm gắn bó với nghề quét rác, nhưng mỗi đêm ra phố làm việc, cô vẫn không tránh được những lo lắng. “Các loại rác thải có nguồn lây nhiễm bệnh như bơm kim tiêm, bông băng gạc…  do con nghiện hay dân “xã hội đen” bỏ lại đều khiến chúng tôi rùng mình. Chỉ một phút sơ sẩy là có thể bị kim đâm dù chúng tôi đã được trang bị đôi găng tay và nhiều đồ dùng bảo hộ khác…” – cô nhớ lại.

Những ngày lễ, hội lớn, công nhân vệ sinh môi trường thường phải làm việc gấp đôi, gấp ba ngày thường. Bởi khoảng thời gian đó, người dân khắp nơi đổ về thành phố chơi và như một lẽ tự nhiên, lượng rác thải từ đó cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt nếu trong kỳ nghỉ lớn có mưa, việc dọn dẹp vệ sinh càng trở nên vất vả, khu vực vui chơi như một bãi chiến trường, giấy vụn cứ thế bám chặt xuống đường, túi ni lông bê bết nước, không tài nào quét sạch… Chỉ cần vắng một ngày không dọn vệ sinh, thành phố có khoảng 205 tấn rác ứ lại. Thế mới thấy, công việc của công nhân môi trường quan trọng như thế nào, trung bình mỗi năm, họ phải quét dọn tổng diện tích trên 86 nghìn ha/ngày/đêm và thu gom, xử lý trên 44 nghìn tấn rác thải.

Tìm niềm vui từ công việc

Dù phố núi gần như không có đêm hè, chỉ có những đêm lạnh rét bởi gió đại ngàn cứ thổi thông thốc, nhưng không vì thế mà thiếu đi hình ảnh người công nhân cần mẫn quét rác. Khó khăn, vất vả với nghề là thế, nhưng chẳng có mấy người bỏ nghề. Họ vẫn ngày đêm nỗ lực lao động, giữ nếp sống văn minh đô thị. Cũng từ những lần tất bật với công việc đêm khuya ấy, các cô đã nhận được sự yêu mến của nhiều người. Trong số đó, cô Hường có lẽ là người “có duyên” với việc nhặt được ví tiền, giấy tờ, thậm chí là điện thoại… nhất, thế nhưng cô luôn tìm địa chỉ gửi lại người bị mất mà không đòi bất cứ khoản “hậu tạ” nào. Có hôm, gặp người lỡ đường sá, vì không có tiền đi xe buýt, các cô vẫn sẵn sàng biếu 20 - 50 nghìn đồng, luôn sẵn lòng giúp người khác lúc khó khăn, hoạn nạn và coi đó như là niềm vui trong công việc mỗi ngày. Lại có hôm gặp phải người say vứt xe máy trên vỉa hè rồi ra nằm ngay giữa đường ngủ. Các cô vội vàng dìu lên hè phố, đánh thức thế nào cũng không tỉnh nên đành phải chia nhau canh chừng để bảo đảm cho người và xe…

Vui nhất với các cô có lẽ là gặp được người tốt, sẵn sàng cảm thông với công nhân vệ sinh môi trường. Cô Dương Thị Lan Anh (công nhân tổ Tự An 1), cũng là công nhân ca khuya như cô Hường, cô Bao. Cô Lan Anh chưa hết xúc động mỗi lần nhắc đến những người tốt mà cô gặp trên đường làm việc. Cô kể: “Cách đây chưa lâu, khi đang quét rác giữa đường, tôi bị một người kề dao vào cổ và định giở trò sàm sỡ. Thật may mắn lúc ấy có 2 thanh niên đi ngang qua và chứng kiến sự việc và bắt kẻ “Sở Khanh” phải xin lỗi tôi cho bằng được. Tên đó thấy vậy sợ tái mét, rối rít xin tha và hứa không tái phạm…”.

Cũng từ nghề nghiệp mà cô Hường, cô Lan Anh nên duyên với người bạn đời cùng nghề. Những người con của họ dù ra đời trong khó khăn, vất vả, nhưng thật hạnh phúc vì giờ đã khôn lớn, trưởng thành. Đấy có lẽ là món quà tuyệt vời nhất mà những người mẹ, người cha có được...

Gần 4 giờ sáng, công việc hoàn thành sớm hơn dự định nên cả nhóm (8 người) ngồi lại với nhau, ăn củ khoai, chút bánh khuya rồi tỉ tê, trò chuyện. Trong cái lạnh tê người của những ngày đông, nụ cười của họ vẫn giòn tươi, đầy sức sống như sắc xuân đang về…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.