Multimedia Đọc Báo in

Tuổi trẻ noi gương Bác

09:21, 25/02/2015

Bằng ý chí quyết tâm, nghị lực, trí tuệ, sức trẻ và sự sáng tạo của mình, tuổi trẻ các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, lao động, rèn luyện, cống hiến cho xã hội. Với những thành tích đó, toàn tỉnh đã có 3 thanh niên vinh dự được TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”lần thứ III, năm 2014. 

Tổng phụ trách Đội yêu nghề - mến trẻ

Đến với công tác Đội bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, giáo viên - Tổng phụ trách Đội Nguyễn Tú Uyên (Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để hoàn thành tốt công việc của mình, đưa phong trào Đội của đơn vị đạt nhiều thành tích xuất sắc. Ở vùng nông thôn, nhiều học sinh sau giờ học còn phải phụ giúp công việc gia đình nên việc thu hút các em tham gia hoạt động phong trào không hề đơn giản, cô Uyên đã kiên trì gặp gỡ, vận động phụ huynh tạo điều kiện cho con em mình tham gia. Đồng thời, để tránh nhàm chán cho học sinh trong những giờ sinh hoạt, cô đã tìm tòi, sáng tạo cách thức hoạt động như lồng ghép vào các trò chơi dân gian, múa hát sân trường, thể dục nhịp điệu và múa dân vũ, điều này không chỉ góp phần bồi dưỡng năng khiếu mà còn tạo sân chơi lành mạnh cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, cô cũng duy trì nề nếp sinh hoạt Chi đội, sinh hoạt Ban chỉ huy Liên đội. Tú Uyên chia sẻ: “Muốn thu hút học sinh tham gia nhiệt tình các hoạt động Đội và phong trào thiếu nhi, trước hết, bản thân người Tổng phụ trách Đội phải nhiệt tình, gương mẫu đi đầu.

Không những thế, phải giải thích cho các em biết ngoài việc học phải tích cực tham gia các hoạt động phong trào để phát triển toàn diện bản thân và tạo những trò chơi, sinh hoạt phù hợp với lứa tuổi của học sinh”. Nhờ vậy, các phong trào, hoạt động của liên đội Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ ngày càng thu hút nhiều học sinh tham gia. Trong các năm học qua, cô cũng thường bỏ tiền túi và vận động học sinh nhà trường đóng góp Quỹ “Vì bạn nghèo” để trao những suất quà thiết thực như bàn học, xe đạp, sách vở, quần áo… giúp các em vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tốt. Đơn cử như hoàn cảnh của em Trần Quang Lưu, nhà đông anh em, bố mẹ lại bị bệnh nên mọi chi phí học tập của em đều trông chờ vào sự giúp đỡ của những tấm lòng hảo tâm. Nhằm động viên em tiếp tục đến trường, cô Uyên đã tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường hỗ trợ em mỗi tháng 100.000 đồng trong suốt các năm học ở trường. Cô tổ chức cho học sinh thường xuyên đến thăm hỏi và tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Lý (vợ liệt sĩ), hay viết thư thăm hỏi, tặng quà các chiến sĩ biên giới, hải đảo nhân Tết Nguyên đán… để giáo dục các em về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.

Cô Uyên trao đổi với các học sinh trong một buổi sinh hoạt Chi Đội mẫu.
Cô Uyên trao đổi với các học sinh trong một buổi sinh hoạt Chi Đội mẫu.

Mặc dù chỉ mới tham gia công tác giảng dạy môn Âm nhạc và đảm nhận cương vị Tổng phụ trách Đội hơn 4 năm, thế nhưng bằng tình yêu nghề và tinh thần hăng say, ngoài giờ lên lớp, cô lại tất bật với các công tác Đội, phong trào thiếu nhi không quản ngại sớm tối, ngày nghỉ. Vì thế, tất cả các hoạt động, phong trào của nhà trường đều đạt kết quả cao ở các cấp và các hội thi, hội diễn. Riêng bản thân cô cũng đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác Đội, phong trào thiếu nhi và các hội thi như: giải Nhì cấp huyện và cấp tỉnh hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; giải Nhì hội thi “Nữ công nhân viên chức - lao động tài năng, duyên dáng tỉnh” năm 2013... Với bầu nhiệt huyết vì trẻ thơ, cùng với những kiến thức và kỹ năng tổ chức hoạt động Đội vững chắc, mong rằng Tú Uyên sẽ ngày càng có nhiều đóng góp hơn nữa trong phong trào thiếu nhi của nhà trường.

Đầu tàu trong phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi

Là người khởi xướng phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi ở buôn Ea Yông B (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) anh Y Miên Niê (Bí thư chi đoàn buôn Ea Yông B) là tấm gương sáng để các thanh niên trong buôn học tập, làm theo. Từ một chàng trai trẻ tay trắng, hằng ngày vác cuốc đi làm thuê, nhưng nhờ sự chăm chỉ, kiên trì và tinh thần học hỏi, anh đã trở thành triệu phú của buôn khi sở hữu trong tay hàng chục con heo và bò, hàng trăm con gà và 1 ha đất trồng cà phê, lúa nước. Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong gần 10 năm làm mô hình sản xuất, chăn nuôi, Y Miên đã tạo điều kiện, giúp đỡ nhiều thanh niên phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Đơn cử như trường hợp của anh Y Uôt Niê, trước đây mấy sào cà phê của gia đình anh luôn trong cảnh mất mùa, nhưng  hơn 3 năm nay nhờ anh Y Miên tư vấn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc, bón phân, tưới nước đúng thời điểm đã bắt đầu cho thu hoạch với năng suất, chất lượng cao hơn. Hay với anh Y Eng Byă, sau khi nghỉ học rồi lấy vợ chỉ đi làm thuê, do vậy cuộc sống khá chật vật, luôn thiếu trước, hụt sau. Tuy nhiên, trong những buổi tham gia sinh hoạt chi đoàn, được sự động viên, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi của anh Y Miên, Y Eng đã quyết định vay vốn đầu tư chăn nuôi bò để cải thiện nguồn thu nhập cho gia đình. Bây giờ, ngoài 5 con bò giống, Y Eng đã nuôi thêm heo giống và heo thịt, kinh tế cũng khá giả hơn trước nhiều.

Kể về những ngày mới bắt đầu làm kinh tế, anh Y Miên cho biết: “Cuộc sống gia đình khó khăn nên học xong lớp 12 tôi phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ kiếm thêm thu nhập. Năm 2008, tiết kiệm được một số vốn nhỏ, đã mua 2 con bò giống về chăn nuôi. Hai năm sau, với số tiền bán được từ các lứa bò con, cùng với việc vay vốn từ Ngân hàng CSXH, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại để phát triển chăn nuôi thêm heo, gà. Khi cuộc sống khấm khá, mua thêm mấy sào đất để trồng cà phê và lúa nước; đồng thời, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cho cây trồng. Nhờ việc kết hợp sản xuất, chăn nuôi này, tôi đã tiết kiệm không ít chi phí đầu tư cho cây cà phê vì tận dụng được nguồn phân bón từ chăn nuôi. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, thu lãi trên 100 triệu đồng”. Để có được thành quả này, anh Y Miên đã trải qua bao khó khăn từ việc thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất đến việc chăn nuôi thất bại khi gặp đợt dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự kiên trì học hỏi từ những người đi trước và qua sách báo, ti vi, đến nay, có thể nói anh đã thuần thục, có nhiều kinh nghiệm trong việc chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân cho cây trồng, vật nuôi.

Thực tế cho thấy, từ mô hình sản xuất, chăn nuôi của anh Y Miên, hàng chục thanh niên buôn Ea Yông B và các thôn, buôn khác cũng đã lựa chọn con đường phát triển kinh tế bằng việc nuôi bò, heo, gà. Bên cạnh đó, dưới sự dẫn dắt của Y Miên, phong trào Đoàn ở trong buôn cũng ngày càng thu hút, tập hợp đoàn viên, thanh niên tham gia và hoạt động có hiệu quả. Anh Y Miên đã vinh dự được TW Đoàn trao tặng giải thưởng Lương Định Của (năm 2012), tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cấp toàn quốc (năm 2014) và nhiều Bằng khen, Giấy khen của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp.

Đây chỉ là 2 điển hình thanh niên tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tuổi trẻ các dân tộc trên địa bàn tỉnh, họ đã cụ thể hóa thành những tiêu chí, hành động cụ thể, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương và mỗi đoàn viên thanh niên. Qua đó, đã xuất hiện không ít tấm gương tiêu biểu với những mô hình hay, cách làm hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, làm lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng.

 

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.