Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng người lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài

08:04, 22/03/2015
Những năm gần đây, tại tỉnh ta xuất hiện tình trạng người lao động tìm mọi cách sang làm việc và cư trú bất hợp pháp tại một số nước Đông Nam Á, bất chấp những nguy hiểm và rủi ro tiềm ẩn.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong hai năm 2013 và 2014, trên địa bàn tỉnh ta có 44 người đi lao động tự do tại Lào; 6 người đi lao động tự do tại Malaysia; 2 lao động tự do tại Thái Lan và 2 người lao động tự do tại Campuchia. Người đi lao động tự do theo nhiều cách khác nhau, trong đó chủ yếu là lao động đi theo diện visa du lịch rồi ở lại lao động lâu dài (có trường hợp hết thời hạn visa du lịch, người lao động lại trở về và tiếp tục xin visa ngắn hạn để sang làm việc), có người đi theo diện thăm thân nhân, bạn bè lôi kéo đi cùng...; đặc biệt, nhiều trường hợp vượt biên với các mục đích khác nhau, phần lớn trong số họ cư trú bất hợp pháp, có người trốn hoặc sang nước thứ 3. Người dân trên địa bàn tỉnh đi lao động tự do phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trong gia đình có nhiều lao động nhưng thiếu đất canh tác. Người lao động tự do cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro như phải sống chui lủi bên lề xã hội, dễ bị bóc lột, dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào con đường phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của nạn buôn bán người…

Trước thực trạng này, tỉnh ta đã triển khai một số giải pháp nhằm ngăn chặn người dân địa phương đi lao động tự do tại nước ngoài như: tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các thủ tục, chính sách về di cư của các nước, đặc biệt là tiêu chuẩn cấp visa và tiêu chuẩn nhập cư; tuyên truyền về lợi ích khi làm việc, cư trú hợp pháp cũng như những nguy cơ, rủi ro mà người lao động gặp phải khi làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài; quản lý chặt chẽ việc đăng ký tạm trú, thường trú và không để công dân di cư đi lao động tự do đến các quốc gia khác; tăng cường công tác tuần tra, đăng ký, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào, ra khu vực biên giới, cửa khẩu để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên trao đổi thông tin giữa các quốc gia có chung đường biên giới hoặc nằm trên các tuyến đường mà người di cư được đưa đi bất hợp pháp; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan nắm bắt, thống kê số lượng người rời khỏi địa phương đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao chất lượng và hiệu quả của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng… Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai một số biện pháp nhằm hỗ trợ tái định cư người lao động khi trở về địa phương như: giới thiệu, cung cấp thông tin cho người lao động về công việc, mức lương, chi phí phù hợp để đi làm việc hợp pháp tại các nước mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết về hợp tác quốc tế về lao động; tăng cường hỗ trợ, giải quyết việc làm trong và ngoài nước cho người lao động; tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người lao động vay vốn tự tạo việc làm, các tổ chức, cá nhân mở doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hút lao động địa phương vào làm việc...

Tuy nhiên, tình trạng người lao động ra nước ngoài làm việc tự do vẫn còn diễn biến phức tạp. Trên thực tế cơ quan quản lý rất khó thống kê chính xác số lao động di cư ra nước ngoài lao động tự do, không biết được họ làm gì, cũng khó thống kê số người làm việc hợp pháp, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài bởi hầu hết người thân cố ý che giấu việc người trong gia đình đi lao động tự do; công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu còn nhiều bất cập, chưa nắm và thống kê số người đi làm việc trong nước hay nước ngoài...

Bích Phương


Ý kiến bạn đọc