Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động và cháy nổ

09:44, 24/03/2015

Những năm qua, các cấp, ngành của tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN), nhưng trên thực tế số vụ tai nạn lao động, cháy nổ vẫn xảy ra nhiều. Để “giảm nhiệt” tình trạng này đòi hỏi ý thức, quyết tâm và sự vào cuộc quyết liệt của doanh nghiệp, người lao động và cả cộng đồng.

Tình hình tai nạn lao động và cháy nổ diễn biến phức tạp

Năm 2015 là năm thứ 5 tỉnh Dak Lak thực hiện Chương trình Quốc gia về An toàn lao động, vệ sinh lao động giai đoạn 2011-2015. Song song với việc đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, thanh tra, kiểm tra, nhiều biện pháp cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động được áp dụng vào sản xuất nhằm giảm thiểu sức lao động cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp đã thành lập hội đồng Bảo hộ lao động hoặc cử cán bộ làm công tác an toàn lao động đúng quy định, phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng huấn luyện cho người lao động tại đơn vị, trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp với từng ngành, nghề. Nhờ đó, điều kiện làm việc của người lao động đã được cải thiện rõ rệt, các chế độ chính sách về ATVSLĐ-PCCN được quan tâm thực hiện.

Nhân viên Cây xăng số 25 (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) thực tập phương án chữa cháy.
Nhân viên Cây xăng số 25 (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) thực tập phương án chữa cháy.

Tuy nhiên, tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trong năm vừa qua vẫn diễn biến phức tạp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), năm 2013, trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ tai nạn lao động, làm 6 người chết, 12 người bị thương nặng. Năm 2014, xảy 4 vụ tai nạn lao động chết người và 5 vụ tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động làm 10 người chết. Sở LĐTBXH cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 doanh nghiệp. Hằng năm, Sở đều gửi công văn đến 500 doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, hoặc có nguy cơ cao về tai nạn lao động, cháy nổ yêu cầu báo cáo tình hình thực hiện ATVSLĐ-PCCN nhưng rất ít doanh nghiệp chấp hành. Vì vậy, con số thực về các vụ tai nạn lao động, nhất là các vụ tai nạn gây ra chấn thương, làm mất một phần cơ thể trên thực tế sẽ chênh lệch lớn so với thống kê, báo cáo của Sở. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó trưởng Phòng Lao động – Tiền lương và Việc làm (Sở LĐTBXH), qua nhiều đợt kiểm tra cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, nhưng chủ yếu vẫn là do người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về công tác ATVSLĐ. Người sử dụng lao động không thực hiện huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chưa đầy đủ, không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại những nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại. Người lao động không tuân thủ quy trình làm việc an toàn, không sử dụng các trang thiết bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, vi phạm nội quy lao động của doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh cũng diễn biến phức tạp. Theo số liệu báo cáo của Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy tỉnh, năm 2014, toàn tỉnh xảy ra 48 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm 3 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính khoảng 28,2 tỷ đồng, 10,7 ha mía và 6,8 ha rừng. So với năm 2013, tăng 9 vụ cháy, 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 25,3 tỷ đồng. Qua điều tra, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nổ chủ yếu là do sự số hệ thống điện 23/48 vụ (chiếm 47,9%), sử dụng lửa gây cháy 15/48 vụ (chiếm 31,2%), do mâu thuẫn cá nhân, đốt rừng làm nương rẫy là 3/48 vụ (chiếm 2,62%)… Có thể thấy, khi các vụ tai nạn lao động và cháy nổ xảy ra, đối tượng gánh chịu hậu quả không ai khác mà chính là doanh nghiệp và người lao động, đồng thời để lại gánh nặng không nhỏ cho xã hội.

Tăng cường kiểm tra, tuyên truyền nâng cao nhận thức

Để hạn chế những rủi ro cho doanh nghiệp và người lao động, yếu tố quan trọng nhất chính là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để chủ động phòng ngừa. Vì vậy, hằng năm, Ban Chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh luôn phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng hoạt động của các tổ chức, đơn vị về phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm ATVSLĐ-PCCN. Sở LĐTBXH cũng đã in sao đĩa CD, phát hành tờ rơi, tranh ảnh, áp phích, tài liệu tuyên truyền về ATVSLĐ. Trên các trục đường chính tại địa bàn các huyện, thị xã, thành phố và trụ sở làm việc của các sở, ngành, doanh nghiệp đều treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, cổ động, hưởng ứng Tuần lễ.

Cùng với công tác tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương cũng tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện những tồn tại, hạn chế, vi phạm để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN. Năm 2014, Đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra tại 21 doanh nghiệp về ATVSLĐ-PCCN. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp, PCCN tại các doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn an toàn lao động, diễn tập phòng cháy chữa cháy, vận động dọn vệ sinh, trồng cây xanh tại nơi làm việc. Tuy nhiên, do lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra mỏng, trong khi số lượng doanh nghiệp lớn nên việc kiểm tra, giám sát ATVSLĐ-PCCN gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao.

Với chủ đề: “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 17 năm 2015 được tổ chức trong toàn tỉnh, trọng tâm từ ngày 15 đến 21-3. Ban chỉ đạo Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN tỉnh đã xây dựng, triển khai kế hoạch với nhiều hoạt động như: đẩy mạnh tuyên truyền công tác ATVSLĐ-PCCN, tổ chức các lớp huấn luyện, tư vấn, diễn tập về ATVSLĐ-PCCN, tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành các đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người lao động, bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân, góp phần ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc