Multimedia Đọc Báo in

Chung sức, chung lòng vì Tây Nguyên phát triển

11:23, 27/03/2015

Tây Nguyên đang trên đường phát triển bền vững. Thành tựu quan trọng ấy có sự đóng góp không nhỏ của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu vùng Tây Nguyên.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị biểu dương 101 người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên khẳng định: “58 vị có uy tín trong đồng bào DTTS, 43 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu đại diện cho 1,9 triệu đồng bào của 53 DTTS và trên 2 triệu tín đồ của các tôn giáo đang sinh sống ở Tây Nguyên đã luôn đem sức mình vun đắp khối đoàn kết dân tộc bằng những việc làm thiết thực, cụ thể;  khơi dậy truyền thống yêu nước, ý thức công dân, làm cho đồng bào ngày càng nhận thức sâu sắc hơn về sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước. Các vị là những tấm gương đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS, tín đồ tôn giáo tích cực sản xuất, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt mọi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, từng bước đưa Tây Nguyên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, bảo vệ an ninh - trật tự. Đặc biệt các vị là những người đi đầu trong cuộc  vận động sống tốt đời đẹp đạo, hướng dẫn đồng bào thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về tôn giáo”.

Lãnh đạo Ban  Chỉ đạo  Tây Nguyên trao  Bằng khen  tặng người có uy tín trong  đồng bào DTTS  và chức sắc, chức việc tôn giáo  tiêu biểu tỉnh  Dak Lak.
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trao Bằng khen tặng người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu tỉnh Dak Lak.

Tròn 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, với sự quan tâm đầu tư hỗ trợ kịp thời của Trung ương, nhất là sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính  trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên thời kỳ 2001-2010, nền kinh tế từ chỗ mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng, phong phú với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các DTTS Tây Nguyên không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân năm 2014 đạt 34,9 triệu đồng/người (tương đương 1.640 USD, tăng 13,6% so với năm 2013 và bằng 81% GDP bình quân đầu người của cả nước). Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Nguyên còn 10,2%, riêng hộ nghèo DTTS còn 23,09% (giảm 4,17% so với năm 2013). Về xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 33 xã đạt 19 tiêu chí (chiếm 5,71%); các chỉ tiêu về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, chợ nông thôn… đạt khá so với mức trung bình của cả nước. Đạt được kết quả trên là nhờ nhiều chính sách đặc thù cho đồng bào DTTS vùng Tây Nguyên được Đảng, Chính quyền các tỉnh chăm lo, thực hiện trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ. Ông Y Dhun H’Mok (buôn Dur 1, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana) cho biết: “Sau ngày đất nước giải phóng, đời sống của bà con DTTS còn nhiều khó khăn. Số hộ nghèo tại các buôn làng chiếm tỷ lệ cao. Bên cạnh đó, hoạt động chống phá, lôi kéo của lực lượng Fulro diễn ra tại nhiều buôn làng. Nhưng hiện nay đời sống của bà con đã có nhiều đổi thay. Bà con không chỉ biết làm giàu cho riêng mình mà còn chung sức, chung lòng đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới, hiến gần 70 nghìn mét vuông đất, hơn 28 nghìn ngày công lao động và phá bỏ nhiều cây cối để làm đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi”.

Bà H’Lil Mlô (thứ 2 từ trái sang) đang truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em buôn Tring 2 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ).
Bà H’Lil Mlô (thứ 2 từ trái sang) đang truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho chị em buôn Tring 2 (phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ).

Cùng với sự hội nhập và giao lưu quốc tế, đời sống văn hóa, kinh tế-xã hội của nhân dân Tây Nguyên nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng đang ngày một phát triển. Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo không chỉ thể hiện trong các văn kiện  mà còn qua việc thúc đẩy thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Thượng tọa Thích Châu Quang, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Dak Lak bày tỏ: “Với đường hướng đạo pháp, dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Ban trị sự Phật giáo tỉnh đã vận động tăng, ni phật tử làm tốt nghĩa vụ công dân, chấp hành tốt pháp luật Nhà nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tham gia hiệu quả phong trào xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, xây dựng nông thôn mới. Cụ thể trong 30 năm qua, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã quyên góp xây dựng trên 200 căn nhà tình thương, tình nghĩa; tặng gần 300 chiếc xe lăn cho người tàn tật; tặng hàng nghìn chiếc xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học; tặng quà cho đồng bào nghèo, bị thiên tai, bão lũ trong và ngoài tỉnh… với tổng trị giá khoảng 600 tỷ đồng”. Còn Mục sư Ân Ước, Hội trưởng Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam cho biết: Hội luôn dạy con em các tín đồ Tin Lành học tập tốt, yêu lao động, cần cù, siêng năng để phát triển kinh tế làm giàu cho gia đình và làm giàu cho quê hương. Bà con theo đạo luôn nêu cao nhận thức đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, về tôn giáo nói riêng, gây ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết các dân tộc.

Tây Nguyên tuy đã tạo được thế và lực mới để phát triển, song vẫn là một vùng nghèo, tiềm lực kinh tế và mức sống của người dân còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước, vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. “Vì vậy, người có uy tín trong đồng bào DTTS và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu vùng Tây Nguyên tiếp tục phát huy vai trò của mình, luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với tín đồ tôn giáo; động viên đồng bào phát huy nội lực, thực hiện có hiệu quả chính sách tôn giáo, sống tốt đời, đẹp đạo. Đặc biệt vận động đồng bào các tôn giáo nâng cao ý thức cảnh giác, không nghe, không tin, không làm theo các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền để  xuyên tạc, xúi giục, kích động chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; không tin theo các tà đạo, đạo lạ, hoạt động mê tín dị đoan; đoàn kết, chung sức, chung lòng vì Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững”, bà H’Ngăm Niê Kdăm, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nhấn mạnh.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.