Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến tích cực từ Đề án 343 ở huyện Cư M'gar

09:48, 24/03/2015

Với mục tiêu nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của phụ nữ trong việc giữ gìn, phát huy và xây dựng phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, Đề án 343 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010-2015” của Chính phủ đã được các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar cho hay: Ngay từ khi triển khai vào năm 2012, Đề án 343 đã thu hút hơn 31.000 hội viên tham gia. Thông qua Đề án, hầu hết các hội viên đã nhận thức đúng vai trò của bản thân trong gia đình, cộng đồng. Nhiều hội viên còn chủ động tham gia các lớp học bổ túc, trung học, cao đẳng, đại học để nâng cao kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các hội viên phụ nữ đã phát huy vai trò điều hành, lãnh đạo, mạnh dạn phát biểu ý kiến, đề xuất nguyện vọng của bản thân, yêu cầu các cấp, ngành quan tâm hơn đến chế độ chính sách và công tác phụ nữ, nhất là đối với chị em người dân tộc thiểu số… Chị H’ Át Niê (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Sha A, xã Ea Tul) tâm sự: “Trước đây, tôi nghĩ rằng khi tham gia công tác của Hội chỉ cần hoàn thành nhiệm vụ được giao là đủ. Sau khi tham gia Đề án 343, được tập huấn, tuyên truyền về những phẩm chất của phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tôi đã tự tin hơn trong công tác điều hành, sáng tạo hơn trong việc tổ chức các hoạt động, phong trào góp phần xây dựng chi hội ngày càng vững mạnh”.

Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) tham quan mô hình nuôi dê sinh sản của hội viên.
Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 8 (thị trấn Quảng Phú) tham quan mô hình nuôi dê sinh sản của hội viên.

Bên cạnh việc tuyên truyền tạo chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng cho hội viên, Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar còn triển khai rộng rãi và hiệu quả đến các chi hội nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) theo nội dung Đề án 343, tạo diễn đàn cho hội viên phụ nữ trao đổi kinh nghiệm và phát huy vai trò của bản thân như: CLB “Phụ nữ với 4 phẩm chất đạo đức”; CLB “Kết nối giữa bố, mẹ và con”; CLB “Nuôi dạy con khoa học”;  CLB “Gia đình hạnh phúc”... Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác xây dựng nông thôn mới, các hội viên trên địa bàn huyện đã đóng góp hàng ngàn ngày công và trên 5 tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn và các công trình khác. Điển hình trong phong trào này có Chi hội phụ nữ Tổ dân phố 1 (thị trấn Quảng Phú) đã tự nguyện đóng góp 600.000 đồng/người để xây dựng đường điện thắp sáng và bê tông hóa đường nội thôn. Để khẳng định phẩm chất tự trọng, một số hội viên phụ nữ có công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đang đóng trên địa bàn huyện đã chủ động cam kết với chính quyền địa phương không buôn bán gian lận, không trốn thuế, không nhập lậu...

Một buổi tuyên truyền thực hiện Đề án 343 của Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar cho các cán bộ cấp hội cơ sở
Một buổi tuyên truyền thực hiện Đề án 343 của Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar cho các cán bộ cấp hội cơ sở

Song song với nhiệm vụ xây dựng và phát triển Hội, các cấp Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar còn quan tâm nhân rộng các hoạt động giúp nhau phát triển kinh tế với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: góp vốn theo ngày công giúp hội viên nuôi dê sinh sản, mô hình trồng cây sâm nam, nuôi ong,… Là một hội viên phụ nữ nhờ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh doanh, sản xuất mà làm ăn khấm khá, chị Trịnh Thị Thẩm, hội viên Chi hội Phụ nữ Tổ dân phố 4 (thị trấn Quảng Phú) chia sẻ: “Tham gia Đề án 343, được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế gia đình, tôi vừa chủ động học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, vừa trực tiếp tham gia các lớp học nghề và tham khảo ý kiến chuyên gia để nuôi ong. Việc mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất đã giúp gia đình tôi cải thiện kinh tế, đời sống cũng ổn định, sung túc hơn xưa”. Theo chị Thẩm, người phụ nữ được ví là “tay hòm chìa khóa” của gia đình nên ngoài phẩm chất đảm đang, cần cù, họ còn phải học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh để tự tin, tự trọng vươn lên thoát nghèo. Nhờ những nỗ lực nâng cao chất lượng đời sống hội viên, thu nhập bình quân của hội viên Hội Phụ nữ huyện Cư M’gar trong năm 2014 đã đạt mức 35 triệu đồng/người/năm.

Theo bà Hà Thị Hương, những kết quả ban đầu của Đề án 343 trên địa bàn huyện mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi của hội viên trong việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của hội viên phụ nữ trong việc thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội tại địa phương.       

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc