Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp chậm, nợ lương phải trả thêm lãi: Liệu có khả thi?

11:19, 27/03/2015

Theo Nghị định số 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động ban hành mới đây, nếu người sử dụng lao động trả lương chậm so với thỏa thuận từ 15 ngày trở lên thì phải trả lãi cho người lao động. Nghị định này được xem là một công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền lợi cho người lao động, nhưng trên thực tế, liệu việc triển khai thực hiện có khả thi?

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến cuối 2014, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp nợ lương của 142 công nhân lao động với tổng số tiền 1,46 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Quý Bình, Chuyên viên Phòng Lao động – Tiền lương – Việc làm (Sở LĐTBXH), trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn. Bởi trong số 300 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (thuộc các loại hình Công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn, doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp FDI) đã được Sở LĐTBXH gửi công văn yêu cầu báo cáo tình hình tiền lương năm 2014 và kế hoạch thưởng Tết năm 2015 thì chỉ có 31 đơn vị gửi báo cáo về Sở. “Theo quy định, định kỳ 6 tháng, 1 năm, các doanh nghiệp phải gửi báo cáo tình hình thực hiện các chế độ đối với người lao động cho Sở nhưng rất ít đơn vị chấp hành, trong khi lại không có chế tài nào xử phạt điều này nên chúng tôi cũng đành chịu”, anh Bình thừa nhận. Hơn thế nữa, khi chúng tôi trao đổi về việc nắm bắt tình hình thực hiện trả lương của doanh nghiệp với Liên đoàn Lao động tỉnh – cơ quan đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động, đơn vị này cũng thừa nhận chưa thể thống kê và nắm được những con số liên quan đến việc doanh nghiệp chậm, nợ lương của người lao động.

Chế biến gỗ  tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Dak Lak.
Chế biến gỗ tại Công ty Cổ phần Chế biến gỗ cao su Dak Lak.

Theo Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, ngày 12-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả lãi cho người lao động. Theo đó, khoản tiền này ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. Quy định này nhằm hạn chế việc doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động, đồng thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Song trên thực tế, việc thực thi lại không dễ bởi từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 47/2010/NĐ-CP,  quy định xử phạt hành chính về vi phạm pháp luật lao động, hành vi không trả lương đầy đủ, đúng thời hạn cho người lao động hoặc trả chậm lương nhưng không đền bù có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 10 triệu đồng, đồng thời, phải trả lương và các chế độ khác cho người lao động theo quy định của pháp luật. Người lao động có thể yêu cầu thanh tra chuyên ngành về lao động hoặc UBND cấp huyện, nơi doanh nghiệp hoạt động xử lý hành vi vi phạm. Thế nhưng, quy định này dường như rơi vào quên lãng bởi rất ít được nhắc đến và 4 năm qua cũng chưa doanh nghiệp nào bị phạt.

Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Sửa chữa đường bộ Dak Lak đang thi công sửa chữa tuyến đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột)
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Sửa chữa đường bộ Dak Lak đang thi công sửa chữa tuyến đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột).

Anh Nguyễn Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – Việc làm, (Sở LĐTBXH) cho biết, hằng năm, Sở đều thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh lao động, pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhưng do hạn chế về nguồn nhân lực trong khi số lượng doanh nghiệp lớn (khoảng 6.000 doanh nghiệp) nên chỉ có thể tiến hành thanh, kiểm tra tại vài chục đơn vị. Trong khi đó, theo quy định, khi xảy ra tình trạng chậm, nợ lương, người lao động có quyền có ý kiến, khiếu nại, tố cáo và ủy quyền cho công đoàn cơ sở đòi quyền lợi cho mình. Vì vậy, để có thể bảo vệ được quyền lợi của người lao động rất cần sự vào cuộc của tổ chức công đoàn và sự lên tiếng của chính người lao động. Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Năm, Phó Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, công đoàn cấp trên cơ sở chỉ có thể can thiệp, yêu cầu doanh nghiệp trả lương cho người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn cơ sở có ý kiến phản ánh nhưng thời gian qua, nhất là từ cuối năm 2014 đến nay, chưa có lao động nào có ý kiến về vấn đề này. Cũng theo ông Năm, những doanh nghiệp cố tình nợ lương hoặc sử dụng tiền lương vào mục đích khác nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt và bị truy tố trách nhiệm hình sự. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp nếu có nợ lương, chậm lương của người lao động đều là do hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn trong một giai đoạn nhất định và được sự thỏa thuận, chia sẻ của người lao động nên cơ quan quản lý nhà nước không có cơ sở để can thiệp, xử phạt.

Như vậy, để Nghị định trên thực sự đi vào cuộc sống không chỉ cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước mà cả sự lên tiếng của người lao động và quan tâm của tổ chức công đoàn, có như vậy mới bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.