Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Đa dạng các mô hình nuôi dạy con tốt

08:53, 17/03/2015

Thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt giai đoạn 2010 – 2015”, những năm qua, Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn đã triển khai nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo để nhân rộng trên địa bàn.

Bà Nông Thị Hảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Buôn Đôn cho biết, nhằm vận động, hỗ trợ phụ nữ toàn huyện xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền 4 chuẩn mực của gia đình Việt Nam: “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, các tiêu chí “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với “Xây dựng nông thôn mới” cùng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đến toàn thể các hội viên. Đến nay Hội đã nhân rộng và duy trì hoạt động hơn 10 mô hình với 320 tổ, nhóm, câu lạc bộ (CLB) các loại, thu hút hơn 7.470 thành viên tham gia như: CLB “Phòng chống bạo lực gia đình” ở thôn 4, thôn 5 xã Ea Wer; CLB “gia đình hạnh phúc” ở xã Ea Bar; 7/7 xã duy trì CLB “Phụ nữ không sinh con thứ 3 và phòng chống tệ nạn xã hội”... Trong đó, có một số CLB, mô hình đã được triển khai hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân. 

Đầu tiên phải kể đến CLB “Người cha tốt của con” được ra mắt từ tháng 10-2014 tại xã Tân Hòa. CLB được thành lập nhằm mục đích tạo điều kiện cho những người cha, người chồng gần gũi và có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình, con cái, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chị Trần Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Hòa cho hay: Phần lớn đàn ông thường nghĩ việc nuôi dạy con cái là bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ, quan niệm “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người nên công tác vận động xây dựng CLB gặp không ít khó khăn. Để có được kết quả bước đầu, Chi hội đã thành lập mô hình điểm tại thôn 2 với 20 thành viên tham gia, trong đó các ông bố hầu hết ở lứa tuổi từ 25-40. Tại các buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm CLB thường xuyên gắn với hội thảo chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn xoay quanh vai trò người cha trong gia đình, phương pháp nuôi dạy con, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực, từ đó có hành động thiết thực cải thiện chất lượng cuộc sống của chính gia đình mình.

Anh Nông Văn Dương (thôn 2, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) tranh thủ thời gian rảnh rỗi dạy con học.
Anh Nông Văn Dương (thôn 2, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) tranh thủ thời gian rảnh rỗi dạy con học.

Ngoài sinh hoạt theo chuyên đề, CLB còn xây dựng quỹ hoạt động với số tiền đóng góp 100.000 đồng/hộ/tháng để phục vụ cho các hoạt động như: tham quan du lịch tập thể, tổ chức các chương trình thể thao văn nghệ chào mừng các ngày lễ trong năm,... Anh Nông Văn Dương (thành viên CLB “Người cha tốt của con”) tâm sự: “Trước đây, sau một ngày lao động vất vả tôi thường tìm đến các hình thức giải trí như xem vô tuyến, chơi thể thao hoặc tụ tập với bạn bè. Từ khi tham gia CLB, được lắng nghe tâm tư của chị em phụ nữ trong việc nuôi dạy con cái, tôi đã nhận thức được trách nhiệm việc nuôi dạy con không chỉ là của người phụ nữ. Bây giờ, tôi luôn dành thời gian rảnh rỗi để giúp vợ những công việc nhà, dạy cho con học hoặc lắng nghe tâm sự của con để kịp thời uốn nắn giúp con trở thành con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt của xã hội”. 

Mô hình thứ hai là “Chăm sóc và nuôi dạy con khoa học” hiện đã được nhân rộng trên địa bàn xã Ea Nuôl. Chị Huỳnh Thị Cơ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Nuôl, cho biết: Mô hình “Nuôi dạy con khoa học” được triển khai thực hiện tại thôn Hòa Nam 1 và thôn Hòa Thanh với 24 thành viên tham gia. Hằng tháng, các nhóm đều tổ chức thảo luận, họp bàn xoay quanh nội dung: Lắng nghe tiếng nói trẻ thơ, dinh dưỡng hợp lý cho con, những nguyên tắc cơ bản để cha mẹ dạy con nên người, vai trò của gia đình trong việc giáo dục và bảo vệ chăm sóc trẻ em, tham gia cam kết xây dựng gia đình văn hóa, gia đình không vi phạm pháp luật… Trong các buổi sinh hoạt, ngoài các bà mẹ có con dưới 16 tuổi, CLB còn mời thêm những ông bố, các trẻ trong độ tuổi vị thành niên để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, giúp các thành viên trong gia đình thêm gắn kết, từ đó việc nuôi dạy con ngày càng hiệu quả. Bên cạnh đó, các Chi hội còn tích cực đẩy mạnh và duy trì thường xuyên các phong trào thể thao quần chúng như: bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bóng đá,... coi đây vừa là một hình thức rèn luyện sức khỏe, vừa tạo sân chơi lành mạnh giúp con trẻ tránh xa thói hư tật xấu. Ngoài ra, Chi hội thôn Hòa Thanh còn vận động các hội viên là cán bộ, giáo viên trong thôn tổ chức dạy học, bổ trợ kiến thức cho trẻ em trong dịp nghỉ hè, giúp các em nâng cao tri thức, không sa ngã vào các trò chơi, thói xấu vô bổ, độc hại. Chị Bùi Thị Sen, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hòa Thanh chia sẻ : “Nhờ mô hình “Chăm sóc và nuôi dạy con khoa học” nhiều năm liền thôn Hòa Thanh không có tình trạng học sinh bỏ học, gây gổ đánh nhau, hầu hết các gia đình đều đạt danh hiệu gia đình văn hóa”.

Theo bà Nông Thị Hảo, những mô hình trên đã mở ra một hướng đi tích cực, tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng hạnh phúc gia đình, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình,... Tuy nhiên hiện nay, việc nhân rộng các mô hình, CLB,… còn gặp khó khăn do nguồn kinh phí còn hạn hẹp; tài liệu tham khảo cho hội viên chưa thực sự sinh động; đội ngũ tuyên truyền viên còn thiếu và yếu; thiếu sự đồng bộ trong công tác triển khai thực hiện các mô hình dẫn đến hiệu quả chưa thực sự được như mong muốn. Bà Hảo cho biết: để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các mô hình, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục duy trì và đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng các hình thức trực quan sinh động, nâng cao năng lực của đội ngũ tuyên truyền viên và cán bộ cơ sở, đồng thời tiếp tục triển khai nhân rộng một số mô hình mới phù hợp với yêu cầu hiện tại tới toàn thể các thôn, buôn trên địa bàn huyện.”.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.