Multimedia Đọc Báo in

Khi "bóng hồng" gánh việc "mày râu"

16:15, 26/03/2015
Sửa xe máy, chạy xe thồ… vẫn được xem là nghề chỉ phù hợp với cánh mày râu. Thế nhưng, vì hoàn cảnh riêng, nhiều phụ nữ đã bất chấp vất vả, hiểm nguy để mưu sinh bằng những công việc này.

“Nữ tướng” chạy xe thồ

Đến khu vực chợ đầu mối Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), hỏi chị Trần Thị Chung, tài xế xe thồ (52 tuổi, trú thôn 6, xã Hòa An, huyện Krông Pak) không ai là không biết. Là nữ xe thồ duy nhất từ trước đến nay ở khu vực này, chị khiến nhiều người ngạc nhiên khi nghe lời mời: Đi xe thồ không anh/chị?

Quệt vội giọt mồ hôi sau chuyến chở khách giữa buổi trưa nắng, chị tâm sự: “Trước đây, tôi làm phục vụ ở một quán ăn, phải tuân thủ giờ giấc nghiêm ngặt nên không có thời gian chăm sóc con cái, mẹ già. Thấy chạy xe thồ thoải mái giờ giấc, lại có đồng ra đồng vào nên tôi chuyển nghề luôn. Mới đầu ít khách lắm, tôi thường xuyên phải mời, giờ thì nhiều mối rồi, có việc đi đâu họ lại gọi tôi”. Chạy xe thồ chẳng khác nào “làm dâu trăm họ” nên việc ứng xử, làm vừa lòng các vị khách là điều rất quan trọng. Không ít lần chị Chung gặp khách khó tính, say xỉn, thậm chí cả những tên “yêu râu xanh” giở trò sàm sỡ nhưng chị đều bình tĩnh xử lý ổn thỏa mà không làm mất lòng các “thượng đế”. Công việc chẳng mấy nhẹ nhàng, thậm chí có phần hiểm nguy thế nhưng 2 năm qua, chị chưa từng có ý định bỏ nghề.

Chị Chung chạy xe thồ chở khách đã được 2 năm.
Chị Chung chạy xe thồ chở khách đã được 2 năm.

Chia sẻ về kỷ niệm vui của nghề, chị cười kể: “Cách đây vài tháng, khi đang đứng đón khách tại siêu thị Co.opmart, tôi thấy một ông tây to béo đi bộ đeo balô nặng trĩu. Thấy vậy, tôi mời: Đi xe thồ không? Vừa nói tôi vừa dùng ký hiệu để ông ta hiểu. Ông tây nhìn tôi một lúc rồi leo lên xe. Theo sự chỉ dẫn, tôi chở ông đến bến xe liên tỉnh. Đến nơi, tôi xin tiền xe thì ông liên tục xua tay, nói “no, no!”. Tôi chưa biết thế nào thì một người biết tiếng đến phiên dịch giúp. Tôi té ngửa khi nghe người phiên dịch nói lại rằng, ông tây nói không gọi xe thồ, do tôi mời nên ổng đi thôi vì thế ổng không trả tiền. Nói thế nào cũng không được, tôi đành về tay không, còn người phiên dịch giúp lại được ông tây mời đi ăn và hậu tạ”.

“Bóng hồng” sửa xe

Đến tiệm “Vá ép honda có đảm bảo” số 112 Lê Duẩn, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều khách hàng không khỏi ngạc nhiên khi thợ sửa xe lại là một phụ nữ.

Nhìn bà Nguyễn Thị Sỉu (66 tuổi) tháo lốp, vá săm thoăn thoắt, ai cũng ngỡ ngàng vì nghề này thường chỉ dành cho đàn ông. Hiểu được điều đó, bà giải thích: “Tôi làm nghề này hơn 30 năm rồi nhưng khách nào đến tiệm lần đầu cũng nhìn tôi lạ lắm. Người nói, phụ nữ làm nghề này thì hỏng hết tay chân, người  lại khuyên chọn nghề khác cho đỡ cực. Cũng có khách dắt xe vào tiệm rồi lại quay ra, dù thế nhưng tôi vẫn hài lòng với nghề của mình”.

Bà Sỉu đang vá xe cho khách ở tiệm của mình.
Bà Sỉu đang vá xe cho khách ở tiệm của mình.

Tiệm sửa xe của bà Sỉu từ lâu đã thành điểm đến quen thuộc của nhiều khách hàng bởi sự bảo đảm về chất lượng. Những miếng vá ở tiệm của bà đều được làm từ ruột xe ôtô. Từ những chiếc ruột xe ô tô đã qua sử dụng, bà cắt thành các miếng vá lớn, nhỏ rồi cho vào môtơ duỗi mỏng, tạo độ nhám. Khi vá, bà dùng hai miếng thép to, dày đã được hơ nóng trên bếp dầu để ép chín miếng vá. Gặp lỗ thủng lớn, bà dùng kim chỉ may lại rồi bôi một lớp keo nước, dán thêm một miếng keo vá rồi mới đặt miếng vá lên vá. Bà nói làm như vậy miếng vá sẽ không bị bục hoặc hở ra. Vá chín đảm bảo với giá cả bình dân, chỉ từ 15.000 – 25.000 đồng/miếng vá nên tiệm bà Sỉu lúc nào cũng có đông khách, nhiều người còn mang riêng săm đến vá. Anh Hải (trú phường Tân Thành), một khách hàng cho biết: “Tôi thường xuyên vá xe ở đây. Bà Sỉu vá xe còn tốt hơn đàn ông. Trước đây, thấy tiệm bà không có bảng nên tôi làm tặng bà một cái để khách đi đường bị hỏng xe còn biết”.

Không chỉ vá săm, thay ruột, bà còn biết sửa thắng, tăng sên, thay nhớt và làm các loại ruột xe ôtô, xe máy, xe lam. Mặc dù con cháu nhiều lần khuyên bà đóng tiệm nghỉ ngơi nhưng bà vẫn miệt mài với công việc và xem nó như là niềm vui tuổi già.

Cũng chọn nghề sửa xe làm cần câu cơm, bà Lê Thị Năm (50 tuổi, ở 239 Đinh Tiên Hoàng, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: “Trước đây, tôi làm rẫy thuê, chồng mở tiệm sửa xe. Ông ấy là thương binh hạng 2/4 (bị cụt một tay) nên làm khá chật vật, thấy vậy tôi ra phụ giúp. Lúc đầu tôi chỉ phụ bơm lốp, rửa xe, sau biết tăng sên, sửa thắng, vá săm. Làm quen rồi tôi đảm nhận luôn”. Với bà Năm, nghề sửa xe tuy vất vả nhưng cũng có những niềm vui riêng. Nhiều năm làm nghề, bà gặp không ít khách đến vá xe “quên tiền” xin nợ rồi mất hút, cũng có khách được bà sửa miễn phí nhưng vài ngày sau quay lại trả tiền…

Vẫn biết, phụ nữ chọn nghề sửa xe, chạy xe thồ phải chịu vất vả gấp bội cánh “mày râu” song vì mưu sinh họ vẫn chấp nhận lam lũ với nghề. Thế mới biết, không chỉ đàn ông mới làm được những việc nặng nhọc, chị em phụ nữ cũng không thua kém gì.

Hà Giang


Ý kiến bạn đọc