Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì đông con

09:03, 17/03/2015
Thôn 12B, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) có 100% dân số là người Mông di cư từ Lào Cai, Sơn La và Hà Giang. Trình độ dân trí thấp, quan niệm cưới hỏi, sinh đẻ lạc hậu còn tồn tại… đã làm cho cuộc sống của nhiều gia đình nơi đây vốn đã nghèo nay càng thêm túng thiếu.

Anh Sùng Seo Sì (38 tuổi) và vợ là chị Cư Thị Chu (35 tuổi) đã có 6 đứa con và chị Chu đang mang bầu đứa con thứ 7. Sinh đẻ liên tục cùng những thiếu thốn trong cuộc sống khiến chị Chu hay đau ốm và già hơn nhiều so với độ tuổi của mình. Gia đình anh Sì vẫn phải sống chen chúc trong căn nhà tồi tàn, chật hẹp được ghép bằng những miếng gỗ tạp, nền đất và mái tôn nóng hầm hập. Mặc dù có 1 ha đất đồi trồng sắn, ngô song do rẫy cách xa nhà vài chục cây số, đất đai khô cằn và không có điều kiện chăm sóc nên thu nhập không đủ để trang trải cuộc sống. Cảnh nhà khốn khó, đứa con đầu của anh chị là Sùng Thị Trá mới học hết lớp 7 và là học sinh giỏi nhưng phải nghỉ học để ở nhà giúp đỡ bố mẹ. Vợ chồng anh Thào Mí Khái và chị Thà Thị Dia cũng chỉ mới ngoài 30 tuổi song đã có với nhau 5 đứa con, đứa con đầu 12 tuổi, đứa nhỏ nhất mới tròn 2 tuổi. Con cái nheo nhóc, ốm yếu vì không đủ ăn, đủ mặc. Con đông thế song ngay cả vợ chồng anh Khái cũng không dám chắc mình sẽ không đẻ nữa vì đến giờ họ vẫn chưa áp dụng biện pháp tránh thai nào. Thu nhập chủ yếu của gia đình anh Khái chủ yếu từ 2 sào đất trồng lúa và 8 sào đất đồi khô cằn trồng sắn. Ngoài ra, vợ chồng anh còn phải tranh thủ đi làm thuê đủ việc: hái cà phê, làm cỏ, nhổ sắn… song vẫn chưa thoát được cảnh nghèo đói hơn chục năm nay.

Vợ chồng anh Thào Mí Khái và những đứa con bên căn nhà tuyềnh toàng.
Vợ chồng anh Thào Mí Khái và những đứa con bên căn nhà tuyềnh toàng.

Những trường hợp nhà đông con như gia đình anh Sì, gia đình anh Khái ở thôn 12B khá phổ biến; thậm chí, có những gia đình có từ 7-9 người con. Tình trạng sinh đông con ở đây vẫn tiếp diễn, riêng năm 2014 thôn 12B có 26 trẻ được sinh ra thì có 14 cháu là con thứ 3 trở lên. Không chỉ sinh đẻ nhiều, ở thôn 12B còn xảy ra tình trạng tảo hôn. Như trường hợp anh Tráng Mí Cháu và chị Sùng Thị Ly chung sống với nhau khi anh Cháu mới 14 tuổi, còn chị Ly 16 tuổi. Sau 4 năm chung sống, họ đã có với nhau 2 đứa con (3 tuổi và 5 tháng tuổi). Thu nhập chủ yếu của gia đình anh Cháu chỉ trông vào 2 sào đất trồng sắn và 1 sào đất trồng lúa. Anh Cháu thường xuyên phải đi làm thuê, làm mướn. Trong thời gian mang thai cũng như khi còn ở cữ, chị Ly vẫn phải lao động, trồng cà phê, trồng rau để gia đình có cái ăn. Quanh năm lam lũ, mệt nhọc nên chị chẳng có thời gian tìm hiểu những thông tin về pháp luật hay kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản và nuôi dạy con cái. Vì thế, cả 2 đứa con của chị đều bị suy dinh dưỡng thấp còi.

Tảo hôn và sinh đông con đã làm cho cuộc sống của người dân ở thôn 12 B vốn đã nghèo nay lại càng nghèo hơn. Trong thôn hiện có 240 hộ thì có đến 153 hộ nghèo, thôn 12B hiện là thôn nghèo nhất xã Vụ Bổn. Thời gian qua, Ban Dân số-KHHGĐ xã Vụ Bổn đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dân số ở thôn 12B nhưng hiệu quả còn thấp. Trình độ dân trí thấp, nhiều người không thạo tiếng Kinh, những quan niệm cưới hỏi, sinh đẻ lạc hậu như: sinh đông con cho “vui cửa, vui nhà”, “sinh con trai để nối dõi tổ tiên”; con gái, con trai đến 15, 16 tuổi được cho phép lấy vợ, lấy chồng nếu không thì sẽ “già”… vẫn còn rất phổ biến trong người dân nơi đây. Ngoài ra, do thôn 12B cách Trạm y tế xã 17 km, đường sá đi lại khó khăn trong khi nhiều chị em không biết đi xe máy cũng là một trở ngại không hề nhỏ trong việc vận động đối tượng đi đặt vòng, khám thai định kỳ…

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc