Làm công tác xã hội với tất cả tình thương
Các sơ dòng Nữ vương Hòa Bình (giáo phận Buôn Ma Thuột) không muốn nói về những việc bác ái từ thiện đã làm trong thời gian qua, với lý do việc các sơ làm nhỏ bé lắm!
Chúng tôi đã được các sơ dòng Nữ vương Hòa Bình sắp xếp gặp mặt đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Thật tình cờ, tại đây chúng tôi được nghe những câu chuyện cảm động của phụ huynh “gia đình Bình Minh” - lớp học chuyên biệt dành cho trẻ bị mắc hội chứng Down - gửi đến các sơ nhân ngày 8-3. Anh Phạm Thanh Hùng (TP. Buôn Ma Thuột), phụ huynh cháu Phạm Huỳnh Hương Giang chia sẻ: “Cháu bị bệnh Down nặng nên gửi vào học tại “gia đình Bình Minh” gia đình yên tâm, vì các sơ dành tình thương, chăm sóc cháu với tấm lòng của người mẹ. Quan trọng hơn, cháu có một nơi để đi, về mỗi ngày như các anh, chị, em trong nhà; ở đó cháu được học múa, học hát. Đúng ra năm học này Giang phải rời trường để nhường chỗ cho các em nhỏ tuổi hơn học, nhưng do hoàn cảnh gia đình đặc biệt, mẹ bị ung thư vú, bà ngoại bệnh nặng nửa mê nửa tỉnh không người chăm sóc nên các sơ cho cháu ở lại học tiếp nhằm chia sẻ gánh nặng với gia đình”. Vừa kể, anh Hùng vừa lần giở cuốn album ảnh “gia đình Bình Minh” được các sơ lưu giữ, giới thiệu hình con gái tự tin biểu diễn văn nghệ với ánh mắt rạng ngời hạnh phúc: “Giang múa đẹp nhất lớp, thường xuyên được các sơ chọn vào đội múa, nhưng cháu hễ thích thì làm, không thích thì thôi. Do vậy, không ít lần “cháy chương trình” vì “diễn viên” múa nhất quyết không lên sân khấu dù người dẫn chương trình nhiều lần mời. Chia sẻ điều này để thấy sự vất vả của các sơ khi chăm sóc những đứa trẻ bị bệnh Down”.
Sơ Elisabeth Lê Thị Hường, Phụ trách “gia đình Bình Minh” hướng dẫn cháu bị bệnh down tập viết. |
Cùng chung tâm sự, chị Huỳnh Thị Phương Trang, phụ huynh cháu Hồ Đắc Thanh Hải (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, thành viên “gia đình Bình Minh” không ổn định, có lúc hơn 70 cháu, nhưng đôi khi chỉ 40 cháu. Tuy cùng bị bệnh Down, nhưng mỗi cháu mắc mỗi chứng khác nhau. Như cháu Hải, lúc mới sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng qua một cơn sốt nặng dẫn đến biến chứng não, chậm phát triển toàn diện, dù lên 4 tuổi nhưng mỗi lần ăn bố, mẹ phải đánh vào mông để cháu khóc mới bón thức ăn được. Những ngày đầu đi học, Hải sợ sệt đủ thứ, nhưng sau đó một tháng đã có tiến triển, tự há miệng khi các sơ cho ăn. Giờ đây, Hải đã tự làm được vài việc: đến giờ ăn biết đi lấy chén, đũa; cất ghế đúng nơi quy định khi ăn xong. Hay đơn giản như chuyện đi vệ sinh, trước đây Hải hoàn toàn không kiểm soát được, vậy mà giờ đã tự biết đi ra nhà vệ sinh và nhờ bố mẹ giúp. “Hạnh phúc không trọn vẹn, nhưng niềm vui lớn dần theo sự tiến bộ của con. Dù cơ thể khiếm khuyết nhưng con vẫn là thiên thần của bố mẹ”, chị Trang vui mừng nói.
Nữ tu Phạm Thị Liên, Tổng thư ký dòng tu Nữ vương Hòa Bình chia sẻ: Ngoài phần việc đạo của mình, các sơ còn thực hiện tốt công tác bác ái từ thiện, giáo dục, y tế… và luôn có mặt kịp thời để động viên, chia sẻ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, những mảnh đời bất hạnh”. Còn nhớ cách đây không lâu trong một lần về thăm trại phong Ea Na (huyện Krông Ana) trong lúc đau đớn, bệnh nhân phong nặng đã thốt lên: “Các mẹ đi lâu, con đau quá!”. Qua tìm hiểu mới biết, những bệnh nhân phong nặng hằng ngày được các sơ đến tận nhà rửa vết thương, lo cơm nước chu đáo. Vì vậy, mỗi khi các sơ có việc bận không đến kịp, những bệnh nhân này lại thấy thiếu vắng tình thương. Chưa hết, nhiều năm nay, các sơ dòng tu Nữ vương Hòa Bình duy trì đều đặn “Nồi cơm tình thương”, mỗi ngày 50 suất phục vụ bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Nông. Các sơ còn thường xuyên có mặt tại Khoa Nhi và Khoa Nội Bệnh viện Đa khoa tỉnh Dak Lak chăm sóc trẻ sau sinh, bệnh nhân nghèo. Với tấm lòng thiện nguyện, các sơ dòng tu Nữ vương Hòa Bình còn là cầu nối để các đoàn từ thiện trong nước thông qua Hội Chữ thập đỏ địa phương đến thăm, tặng quà người nghèo, nhất là bà con vùng bị thiên tai, lũ lụt.
Với những việc làm bác ái, đặc biệt là những đóng góp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, dòng tu Nữ vương Hòa Bình có 2 cá nhân tiêu biểu là nữ tu Đặng Thị Lành, Tổng phụ trách và nữ tu Phạm Thị Liên, Tổng thư ký vinh dự được biểu dương tại Hội nghị tuyên dương người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu vùng Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên vừa tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Dak Lak. |
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc