Nghề "nắm đầu" thiên hạ
Có thể ngồi vỉa hè hay trong các cửa hàng sang trọng, nghề cắt tóc nam vẫn có thể kiếm ra tiền. Nhìn có vẻ đơn giản, nhưng để gắn bó và sống được với nghề cũng lắm nỗi buồn vui…
Nghề cắt tóc không cần trình độ, chỉ cần đôi bàn tay khéo léo cộng với sự chịu khó và tỉ mỉ. Có thể nói, làm nghề này là “làm dâu trăm họ”, vì thế, các thợ cắt tóc phải biết chiều theo sở thích của khách hàng. Cái khó của nghề này là mỗi khách hàng thích mỗi kiểu tóc khác nhau, người thợ phải theo gu của từng người và làm việc chu đáo để khách đến còn nhớ mà quay lại. Muốn giữ khách phải biết trò chuyện, làm cho khách cảm thấy thoải mái, dễ chịu; quan trọng nhất là nhận diện khuôn mặt nào phù hợp với kiểu tóc nào, đồng thời, việc cạo râu, lấy ráy tai, mát-xa cổ và đầu một cách nhẹ nhàng cũng khiến khách thích thú.
Các tay kéo tại một tiệm cắt tóc trên đường Nguyễn An Ninh (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đang cắt tóc cho khách. |
Dù nắng hay mưa, cái quán cắt tóc nhỏ của ông Trần Văn Đức bên đường Trần Quý Cáp, TP. Buôn Ma Thuột vẫn đều đặn mở cửa 15 năm nay. Bình thường mỗi ngày ông cắt được khoảng 5 đầu, ngày cuối tuần hay dịp cận tết thì làm không hết việc, mỗi lần cắt 20.000 đồng (nếu cả lấy ráy tai thì 25.000 đồng), thu nhập hằng tháng của ông cũng đủ trang trải cho cuộc sống. Khách hàng của ông chủ yếu là người già và đều là mối quen, bởi ông cắt cẩn thận, nói chuyện điềm đạm, vui vẻ, nên khách rất vừa lòng. Ông cho biết, làm nghề này, yếu tố cần mẫn, chăm chỉ, tận tâm luôn được xếp lên hàng đầu. Những năm gần đây, khách cắt tóc ở các quán nhỏ vỉa hè đã vắng hẳn, phần lớn họ vào các tiệm tóc sang trọng hơn. Số còn lại chủ yếu là khách trung niên và bình dân, nhưng ông vẫn không muốn bỏ nghề vì muốn được nói chuyện với mọi người và làm công việc mình yêu thích hàng ngày. Khi tôi hỏi về nghề cắt tóc, ông Đức cười khề khà bảo: “Nhìn có vẻ đơn giản với gương, lược và tông đơ, nhưng cắt tóc là cả một nghệ thuật đấy!” Quả ông nói không sai, bởi qua bàn tay khéo léo của người thợ có thể tạo ra rất nhiều kiểu tóc phù hợp với vóc dáng, khuôn mặt từng người.
Trong khi đó, Phạm Viết Phúc (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) cũng gắn bó với chiếc tông đơ được 5 năm nay. Anh cho biết, khi mới học nghề, cầm tông đơ nhiều quá nên nhiều khi tay bị chuột rút đau nhức, đến nỗi cầm chén cơm không vững. Khi quen với tông đơ thì chuyển sang tập với kéo, tuy nhẹ hơn nhưng đòi hỏi sự khéo léo, không được để kéo đụng vào da thịt khách, sẽ khiến tóc bị hỏng hoặc làm đau khách hàng. Trong quá trình làm nghề, anh thường xuyên cập nhật các kiểu tóc mới để phục vụ khách. Vì phong cách phục vụ trẻ trung, hợp mốt nên quán của anh thu hút được nhiều khách là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, anh còn nhận đào tạo học viên, sẵn sàng chỉ dạy những kinh nghiệm, kỹ thuật khó của nghề cho họ, mỗi lần có “đệ tử” ra nghề, anh cũng cảm thấy vui vì mình là người có ích. “Cái nghề cắt tóc, nhất là các tiệm nhỏ không được nhiều người chú ý, nhưng có cái nghề nào mà có thể... “nắm đầu” được tất cả mọi hạng người trong thiên hạ như nghề này”, anh dí dỏm.
Hiện nay, nhiều cửa hiệu salon tóc sang trọng mọc lên khắp nơi, bởi vậy, nghề cắt tóc nam bình dân cũng không còn “thịnh” như trước. Có người gắn bó với nghề chỉ để vui thú tuổi già, có người cắt tóc để mưu sinh hằng ngày, nhưng niềm vui với họ chính là nhận được lời khen từ khách hàng. Bởi vậy mà nghề cắt tóc vẫn tồn tại theo thời gian, những người thợ vẫn âm thầm làm đẹp cho đời.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc