Multimedia Đọc Báo in

Những bất cập trong việc giết mổ gia súc, gia cầm ở huyện M'Drak

10:40, 23/03/2015
Theo thống kê sơ bộ, huyện M’Drak hiện có trên 40 hộ kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm với gần 50 quầy sạp bán sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ; trung bình mỗi ngày trên địa bàn huyện tiêu thụ khoảng 2-3,5 tấn thịt tươi. Tuy nhiên, việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều bất cập, phát sinh những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Ước tính mỗi đêm tại huyện M’Drak có từ 40 - 45 con heo, bò được giết mổ, cung cấp lượng thịt chủ yếu cho chợ Trung tâm thị trấn M’Drak, còn lại một lượng không nhỏ được phân tán khắp các chợ nhỏ tại ngã 3 xã Krông Jing, ngã 3 đường vào xã Krông Á, ngã 3 đường vào xã Cư Króa và Ea Mdoal và vận chuyển đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Toàn huyện hiện có khoảng 19 điểm giết mổ gia súc, gia cầm lớn nhỏ (tập trung chủ yếu tại các xã: Ea Riêng 9 điểm, Ea Pil 6 điểm, Cư Prao 3 điểm). Tuy nhiên, hầu hết các điểm giết mổ này đều do các hộ gia đình, cá nhân tổ chức mang tính chất tự phát, không được quản lý, không có giấy phép hành nghề hoặc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.

Người dân đang phản ánh những điểm chưa hợp lý của lò mổ tập trung mới được xây dựng.
Người dân đang phản ánh những điểm chưa hợp lý của lò mổ tập trung mới được xây dựng.

Huyện M’Drak chỉ có 1 lò giết mổ tập trung chính thức tại Tổ dân phố 9 (thị trấn M’Drak) hoạt động từ năm 1999. Tuy nhiên, sau hơn 15 năm sử dụng, đến nay lò mổ này đã xuống cấp trầm trọng, không đáp ứng nhu cầu hoạt động giết mổ hiện nay. Theo công suất thiết kế ban đầu, lò mổ tập trung này chỉ phục vụ giết mổ từ 20 – 25 con heo mỗi ngày, tuy nhiên do nhu cầu thực tế hiện nay mỗi ngày lò giết mổ trên 40 con. Theo tính toán, với công suất giết mổ 40 - 45 con heo, bò/ngày thì có khoảng 250 kg chất thải và 25 m3 nước thải ra môi trường. Sự quá tải của hoạt động giết mổ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân xung quanh lò mổ này. Chị Phan Thị Anh Đào, một người dân tại Tổ dân phố 9 (thị trấn M’Drak) phản ánh: “Lò mổ cũ hiện đã cũ nát nên công tác vệ sinh môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của người dân quanh lò mổ. Mùa hè, trong thời tiết nắng nóng, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nhất là thời điểm tập trung hoạt động giết mổ khoảng 1 – 2 giờ sáng. Tôi được biết theo quy định lò giết mổ gia súc phải quy hoạch xa khu dân cư nhưng thực tế khoảng cách của lò mổ hiện nay không thể bảo đảm vệ sinh môi trường cho người dân nơi đây”.

Trước tình trạng xuống cấp của lò mổ cũ, năm 2014 UBND huyện M’Drak đã đầu tư xây dựng lò mổ mới ngay bên cạnh với quy mô gồm 7 bàn mổ, 3 chảo đun nước, 6 chuồng nhốt heo, bò lớn nhỏ, 3 bể chứa nước trị giá hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù lò mổ mới chưa được đưa vào sử dụng song nhiều hộ đăng ký giết mổ heo cho rằng lò mổ mới này có nhiều điểm chưa hợp lý như: hệ thống chuồng nhốt gia súc chưa có hàng rào bao quanh, bàn mổ thiết kế không phù hợp, hệ thống xử lý chất thải chưa bảo đảm... Anh Nguyễn Khánh Hoan, một hộ kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm, cho biết: “Hy vọng các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh những điểm bất hợp lý của lò mổ mới để đưa vào sử dụng, giải quyết tình trạng quá tải lò mổ như hiện nay”. Bên cạnh đó, theo phản ánh của UBND thị trấn M’Drak – đơn vị được giao trực tiếp điều hành lò mổ tập trung, mức phí giết mổ heo 7.000 đồng/con, trâu bò 12.000 đồng/con (thu nộp vào ngân sách nhà nước, được sử dụng cho chi phí điện, nước, đầu tư sửa chữa tài sản cố định phục vụ hoạt động) được áp dụng  theo Quyết định số 955 ngày 5-8-2004 của UBND huyện M’Drak cách đây 10 năm hiện không còn phù hợp, rất khó khăn cho đơn vị điều hành, quản lý. Ông Trương Văn Phan, Chủ tịch UBND thị trấn M’Drak,cho biết: Hiện địa phương đã làm tờ trình đề nghị UBND huyện tiếp tục đầu tư đồng bộ các hạng mục còn thiếu như nhà bảo vệ, tường rào để đưa lò mổ tập trung vào sử dụng; đồng thời, đề xuất phương án tăng phí giết mổ, bảo đảm nguồn thu duy trì hoạt động.

Theo thống kê, trong năm 2014 Trạm Thú y huyện M’Drak đã thực hiện lăn dấu kiểm phẩm được 6.855 con heo, 208 con bò. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, trước nhu cầu giết mổ cao như hiện nay, số lượng heo, bò đơn vị quản lý kiểm phẩm được chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng số heo, bò thực tế được giết mổ, điều này đồng nghĩa với việc có khoảng 30% lượng thịt được người dân tiêu thụ hằng ngày chưa qua kiểm phẩm và không ai dám chắc rằng những thực phẩm đó không mang nhiều mầm dịch bệnh nguy hiểm. Thiết nghĩ, để tránh tình trạng giết mổ chui do lò mổ tập trung không đáp ứng nhu cầu giết mổ, tạo điều kiện thực hiện chặt chẽ hơn công tác giám sát việc giết mổ gia súc, gia cầm, phòng chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, huyện M’Drak cần sớm đưa lò mổ tập trung mới vào hoạt động; đồng thời, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm quy định giết mổ gia súc, gia cầm.

  Thu Nguyệt


Ý kiến bạn đọc