Multimedia Đọc Báo in

"Nới" điều kiện đổi giấy phép lái xe

09:01, 25/03/2015

Với hình thức nhỏ gọn như một chiếc thẻ ATM, không bị nhàu nát, giấy phép lái xe (GPLX) mẫu mới bằng vật liệu PET được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, với quy định tại Thông tư số 87, bắt đầu từ 15-2-2015, một số trường hợp đổi GPLX không cần thủ tục khám sức khỏe đã thu hút nhiều người dân đi đổi mặc dù thời hạn còn dài…

Người dân làm thủ tục đổi GPLX tại Sở GTVT.
Người dân làm thủ tục đổi GPLX tại Sở GTVT.

Theo Thông tư số 87/2014/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT, ngày 7-11-2012 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, bắt đầu từ 15-2-2015, người có GPLX các hạng A1, A2, A3; A4; ôtô còn hạn sử dụng trên 3 tháng sẽ được miễn thủ tục kiểm tra sức khỏe khi đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu nhựa PET. Lộ trình đổi GPLX đối với hạng A4 và ôtô từ hạng B1 trở lên đến 31-12-2015; GPLX hạng A1, A2, A3 cấp trước năm 2003 đến 31-12-2016; GPLX hạng A1, A2, A3 cấp từ năm 2003 sẽ bắt đầu nhận đổi từ năm 2016 đến cuối năm 2020. Trước đó, tại Điều 54, Thông tư 46/2012 bắt buộc: ngoài các giấy tờ như đơn đề nghị đổi, cấp lại GPLX theo mẫu quy định; bản chính hồ sơ gốc… thì người dân phải có giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp theo quy định. Như vậy, lộ trình đổi GPLX sang mẫu mới, đặc biệt đối với GPLX mô tô thì thời hạn vẫn còn dài. Nhưng với quy định mới này, người dân rất hồ hởi đi đổi lại GPLX. Anh Nguyễn Duy Lợi (huyện Cư Kuin) chia sẻ, anh biết quy định đổi GPLX sang mẫu mới qua đài, báo, nhưng nghĩ đến việc đổi một GPLX (hạng A1) mà mất chi phí gần cả triệu đồng từ lệ phí chuyển đổi, phí đi lại, cao nhất là phí khám lại sức khỏe hơn 300 ngàn đồng nên anh rất ái ngại. Tuy nhiên, khi nghe thông tin, từ 15-2 năm nay, những người có GPLX hạng A1 như anh khi thực hiện đổi GPLX không cần khám sức khỏe nên dù chưa đến thời hạn đổi, anh cũng tranh thủ thời gian đến Sở GTVT đổi giấy phép. Cũng như anh Lợi, anh Phan Quang Mạnh cùng chung suy nghĩ, thời hạn đổi GPLX hạng A1 còn lâu, anh chưa tính đi đổi, nhưng với quy định mới không cần thủ tục khám sức khỏe, nên anh đã đổi giấy phép theo mẫu mới trước thời gian quy định. Chị Hà Thị Nga (huyện Ea Súp) chia sẻ, chị mới bị mất GPLX hạng A1 gần tháng nay, lúc đi đổi giấy phép, chị đã chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ gốc và hơn 1 triệu đồng, trong đó, dự tính hơn 300 ngàn đồng để khám sức khỏe, nhưng chị thật bất ngờ khi có được thông tin không cần khám sức khỏe, và thủ tục cấp đổi cũng rất nhanh chóng. Trường hợp anh Trần Công Duy (TP. Buôn Ma Thuột) có GPLX hạng C, đến năm 2017 mới hết hạn, anh chưa tính đi đổi lại theo mẫu mới, nhưng nghe bạn bè khuyến khích, nếu GPLX ôtô còn hạn sử dụng từ 3 tháng trở lên sẽ không phải khám lại sức khỏe, nên anh cũng nhanh chóng đi đổi lại GPLX theo mẫu mới.

Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng vận tải (Sở GTVT) cho biết trước khi Thông tư 87 ra đời, người dân không mấy quan tâm tới việc đổi GPLX theo mẫu mới; cụ thể, số người đến làm thủ tục đổi tại phòng một cửa (Sở GTVT) khá thưa thớt, trong ngày 9-1, phòng chỉ tiếp nhận 67 hồ sơ; ngày 16-1 chỉ có 52 người đến làm thủ tục đổi GPLX… Hiện nay, với quy định mới không cần khám sức khỏe, người dân đến đổi GPLX khá đông, theo thống kê, trong gần 1 tháng nay, trung bình mỗi ngày có trên 150 người đến đổi, tăng 2-3 lần so với thời điểm trước 15-2-2015.

Thông tư 87 không những góp phần giảm bớt một số thủ tục hành chính đối với đơn vị làm nhiệm vụ cấp, đổi mà còn bớt một phần chi phí và thời gian cho người dân – không phải khám sức khỏe. Đây là quy định hợp lòng dân, khuyến khích nhiều người tự nguyện đi đổi giấy phép theo mẫu mới sớm hơn, từ đó sẽ hạn chế tình trạng người dân kéo nhau đi đổi giấy phép một cách ồ ạt vào giờ chót, có thể gây ra nhiều hệ lụy phiền toái cho cơ quan cấp đổi và người đi đổi GPLX...

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc