Multimedia Đọc Báo in

Phòng tư vấn "tình chị em" - nơi chị em trao gửi tâm tình

16:14, 26/03/2015

Mô hình phòng tư vấn "tình chị em" được triển khai tại tỉnh ta đã tạo cơ hội cho chị em phụ nữ, nhất là chị em ở vùng nông thôn, vùng khó khăn được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) có chất lượng.

Đến thăm phòng tư vấn "tình chị em" ở Trạm Y tế xã Ea Phê (huyện Krông Pak) mới thấy hiệu quả mà mô hình này mang lại cho chị em phụ nữ trên địa bàn. Trong căn phòng nhỏ được sơn màu xanh nước biển, mọi đồ đạc được bài trí ngăn nắp, kín đáo tạo nên một không gian rất đỗi riêng tư nhưng đầy thân thiện. Chị cán bộ y tế và cũng là nhân viên tư vấn nhiệt tình, niềm nở đón tiếp chị em, cùng chia sẻ những câu chuyện thường ngày được chị em phụ nữ xem là tế nhị, khó nói. Bước ra từ phòng tư vấn, chị H'Mai Niê ở buôn Puăn B, xã Ea Phê bộc bạch: "Trước đây tôi rất ngại khi nghe ai đó nhắc đến chuyện đi khám bệnh của phụ nữ hoặc đi nghe tư vấn về sức khỏe sinh sản. Từ hôm có phòng tư vấn "tình chị em", nghe cộng tác viên dân số tuyên truyền, vận động tôi và nhiều chị em khác trong thôn đã tìm đến để thử xem họ nói gì với mình. Quả thật, đến đây thấy cán bộ tư vấn  rất thân thiện và biết cách gợi mở để chúng tôi tâm sự về những chuyện vốn khó nói với người khác. Và từ những câu chuyện với cán bộ tư vấn, tôi đã có thêm nhiều kiến thức bổ ích về sức khỏe sinh sản”. Cũng có chung tâm trạng như chị H'Mai, chị Lưu Thị Vân, 28 tuổi ở thôn 7C, xã Ea Phê chia sẻ: " Việc lựa chọn và sử dụng biện pháp tránh thai như thế nào cho hiệu quả luôn là điều khiến tôi băn khoăn. Đến phòng tư vấn “tình chị em”, tôi đã được tư vấn, hướng dẫn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, hiệu quả; đồng thời cũng giúp vợ chồng tôi hòa hợp, hạnh phúc gia đình đầm ấm hơn.

 Cán bộ Trạm y tế xã Ea Phê  tư vấn  các  biện pháp tránh thai  an toàn  cho phụ nữ trên địa bàn tại phòng  tư vấn
Cán bộ Trạm y tế xã Ea Phê tư vấn các biện pháp tránh thai an toàn cho phụ nữ trên địa bàn tại phòng tư vấn "tình chị em".

Có lẽ, điểm khác biệt giữa phòng tư vấn "tình chị em" với các dịch vụ CSSKSS-KHGĐ khác trên địa bàn là khách hàng đến tư vấn và sử dụng dịch vụ hoàn toàn miễn phí. Chia sẻ về điều này, y sĩ Bùi Văn Việt, Trạm trưởng Trạm y tế xã Ea Phê cho biết, phòng tư vấn "tình chị em" là thương hiệu của mô hình nhượng quyền xã hội trong khuôn khổ dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các cơ sở y tế nhà nước" do tổ chức Atlantic Philanthropies (AP) tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International (MSI). Đối tượng hướng đến là phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 49, thương hiệu "tình chị em" cung cấp các biện pháp tránh thai hiện đại, khám và điều trị viêm nhiễm đường sinh sản, tầm soát sớm ung thư cổ tử cung, hướng dẫn chị em tự khám vú để phát hiện bất thường cần can thiệp sớm, chăm sóc thai nghén, chăm sóc sau sinh, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên... Đến với thương hiệu này,  mỗi khách hàng khi thực hiện đặt vòng tránh thai sẽ được dự án hỗ trợ một phần tiền xe đi lại. Đồng thời, người tư vấn, vận động chị em đến phòng tư vấn "tình chị em" để đặt vòng tránh thai và người thực hiện kỹ thuật cũng được nhận hỗ trợ từ dự án. 

Ngoài Trạm y tế xã Ea Phê, dự án “Hoàn thiện và nhân rộng toàn quốc mô hình nhượng quyền xã hội dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ tại các cơ sở y tế nhà nước" còn được triển khai tại 29 trạm y tế thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố (gồm các huyện Lak, Krông Pak, Buôn Đôn, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột) với mục tiêu nâng cao năng lực cho cán bộ trạm y tế xã, phường, thị trấn, cung cấp các dịch vụ KHHGĐ và SKSS chất lượng tới cộng đồng. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ, Sở Y tế, dự án này được triển khai ở tỉnh ta từ năm 2014 và kéo dài đến hết năm 2016. Các hoạt động chính của dự án gồm: tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở; đầu tư cải thiện chất lượng dịch vụ cả về kỹ năng chuyên môn lẫn kiến thức liên quan đến chất lượng chăm sóc khách hàng; hỗ trợ nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ y tế cho công tác CSSKSS-KHHGĐ; quảng bá và tiếp thị xã hội các dịch vụ y tế được cung cấp tại trạm y tế... Đến thời điểm này, các phòng tư vấn, cung cấp dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ mang thương hiệu "tình chị em" chính thức hoạt động, phục vụ khách hàng.

Có thể thấy, sau gần một năm triển khai thực hiện dự án, lợi ích của thương hiệu "tình chị em" đã bước đầu được khẳng định, giúp nhiều phụ nữ, nhất là những người ở vùng sâu vùng xa tiếp cận với dịch vụ CSSKSS chất lượng cao một cách thuận tiện hơn, giảm được chi phí đi lại và các chi phí liên quan khác. Còn với đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, việc tham gia dự án giúp họ được học tập, nâng cao trình độ và thêm tự tin trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Không những thế, diện mạo của các trạm y tế thụ hưởng dự án cũng khang trang hơn nhờ những thiết bị đồng bộ, chuyên nghiệp hơn trước, từ đó nâng cao uy tín, cải thiện chất lượng và trở thành địa chỉ đáng tin cậy của người dân trong việc cung cấp các dịch vụ CSSK nói chung và CSSKSS nói riêng.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.