Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ thôn Hợp Thành với phong trào "nuôi heo đất tiết kiệm"

09:02, 17/03/2015

Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, nhiều năm qua Chi hội phụ nữ thôn Hợp Thành, xã Ea M’Droh (huyện Cư M’gar) đã vận động hội viên, phụ nữ “nuôi heo đất tiết kiệm” ngay tại gia đình. Việc làm trên đã giúp các chị em hình thành thói quen tiết kiệm, đồng thời tạo nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng trong những lúc cần thiết. 

Mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” tại nhà được Chi hội phụ nữ thôn Hợp Thành triển khai vào cuối năm 2009. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên ngay khi phát động phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cán bộ, hội viên. Tính đến nay, chi hội có 49/60 hội viên tham gia mô hình “Nuôi heo đất tiết kiệm” tại nhà. Hình thức thực hiện là mỗi ngày, các chị em sẽ tiết kiệm tiền chi tiêu, sinh hoạt để “nuôi heo”, số tiền không bắt buộc mà tùy vào thuộc điều kiện hoàn cảnh của từng gia đình. Điểm khác biệt của mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm” này là không quy định thời gian nuôi, chỉ khi gia đình có việc thật cần thiết thì heo mới “xuất chuồng”, vì thế có những con heo được nuôi 2 - 3 năm và số tiền tiết kiệm cũng lên đến vài triệu đồng. Số tiền này thường được các chị em sử dụng mua sắm vật dụng trong gia đình, lo cho con em học hành, đầu tư phát triển kinh tế gia đình...

Chị La Thị Ứng cho heo đất “ăn” đều đặn hằng ngày.
Chị La Thị Ứng cho heo đất “ăn” đều đặn hằng ngày.

Chị La Thị Ứng là một trong những hội viên tích cực tham gia phong trào "Nuôi heo đất tiết kiệm” ở thôn Hợp Thành. Ngoài sản xuất nông nghiệp, gia đình chị còn có thu nhập từ dịch vụ bán nước mía, bánh mì. Cuối ngày, sau khi dọn hàng là chị lại trích ra chút tiền nuôi heo, số tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào hôm đó quán bán chạy hay vắng khách. Chồng và con chị Ứng cũng tích cực tham gia “nuôi heo”. Hai đứa con của chị mỗi đứa đều có một con heo đất để nuôi. Mới đây, chị La Thị Ứng đã cho heo “xuất chuồng” với “trọng lượng” đạt hơn 3 triệu đồng. Đây là lần thứ hai chị đập heo, số tiền tiết kiệm được đều được chị sử dụng trong những lúc thật sự cần thiết… Chị Ứng chia sẻ: “Tôi thấy “nuôi” heo đất tại nhà rất có lợi, đến khi cần giải quyết việc gì thì đã có sẵn một khoản tiền tiết kiệm rồi. Đến nay, tôi đã đập heo được 2 lần, lần thứ nhất tôi sử dụng để thuê nhân công làm bồn, bón phân cho cây cà phê và lần thứ hai sử dụng để xây dựng quán mới… Những lúc như thế nếu không có số tiền tiết kiệm từ “heo đất” thì tôi cũng không biết phải xoay xở thế nào bởi thôn Hợp Thành là một trong địa bàn khó khăn của xã Ea M’Droh, hộ nghèo, cận nghèo nhiều nên việc đi vay mượn được là rất khó, có mượn được lãi suất cũng rất cao…”.

Tương tự gia đình chị Ứng, “nuôi heo đất” tại nhà cũng đã trở thành thói quen của chị La Thị Mai từ năm 2011 đến nay. Mỗi ngày, chị đều bỏ vào heo một số tiền nhất định, từ vài nghìn đến vài chục nghìn đồng. Ngày nào quên cho heo “ăn” thì hôm sau chị lại bỏ bù, được “cho ăn” đều đặn nên đến năm nào “xuất chuồng”, “con heo” của gia đình chị nuôi đều có “trong lượng” ít nhất cũng được 1 triệu đồng, đặc biệt năm 2014 được gần 1,6 triệu đồng. Nhờ “nuôi heo đất” mà vào những lúc cần thiết, gia đình chị Mai đã có được một khoản tiền để giải quyết công việc, không phải đi vay mượn như trước đây… Chị Mai cho biết: “Nuôi heo đất tiết kiệm” là cách tiết kiệm rất hay và rất có lợi cho gia đình. Gia đình tôi chủ yếu làm nông nên không phải lúc nào cũng có sẵn tiền trong nhà, nhất là số tiền lớn. Để có tiền giải quyết công việc có khi nửa năm đã phải đập heo rồi. Gần đây nhất là vào cuối năm 2014, do phải tưới cà phê nên tiền điện lên đến 1,6 triệu đồng, lần đó tôi đập heo được 1.550.000 đồng nên chỉ phải bù vào 50.000 đồng…”.

Bà Triệu Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea M’Droh cho biết: “Từ hiệu quả thiết thực của mô hình “nuôi heo đất” tại nhà ở Chi hội phụ nữ thôn Hợp Thành, một số chi hội khác đã học làm theo, nay có thêm Chi hội thôn Đồng Cao cũng triển khai mô hình này. Số tiền tiết kiệm được tuy không phải là lớn nhưng nó đã giúp ích cho các gia đình chị em trong những lúc cần thiết”. Song song với mô hình “Nuôi heo đất” tại nhà, các chị em thôn Hợp Thành (xã Ea M’Droh) còn duy trì quỹ “Heo đất” của Chi hội được gần 1,3 triệu đồng. Số tiền này đã giúp các hội viên, phụ nữ nghèo trong thôn vay vốn không tính lãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.