Multimedia Đọc Báo in

Vững tin ở Trường Sa

10:49, 23/03/2015

Có dịp ra Trường Sa, ngoài việc thăm hỏi, động viên quân và dân ở đây đang ngày đêm vững vàng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thì bất kỳ ai cũng muốn tận mắt nhìn thấy và cảm nhận những đổi thay ở nơi đầu sóng ngọn gió này, để rồi tự thân mỗi người chia sẻ cho người khác với một niềm tin không thể lay chuyển rằng: Trường Sa là của chúng ta và sự thật đó luôn thường trực trong trái tim người dân đất Việt.   

Kỳ I: Từ Quân cảng Cam Ranh

Dù không hẹn trước, song Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) bỗng trở thành nơi hội ngộ, kết nối và lan tỏa tình cảm, ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của quân và dân khắp mọi miền đất nước.

Phòng Chính trị-Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân thông báo còn một phóng viên cuối cùng đang trên đường đến Cam Ranh để ra Trường Sa là anh Trần Vinh, Báo Đồng Tháp. Và như vậy đoàn ra các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần này có tất cả 85 nhà báo của Trung ương và địa phương tham gia.
Tạm biệt đất liền của các đoàn trước khi ra Trường Sa.
Tạm biệt đất liền của các đoàn trước khi ra Trường Sa.

Những ngày đầu năm 2015, Nhà khách Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh-Khánh Hòa) trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn khi Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4 - Đại tá Nguyễn Công Sơn đến thăm và có vài điều chia sẻ với anh em nhà báo trong chuyến ra Trường Sa lần này: “Cứ tự tin và vui vẻ nhé! Biển đảo là quê hương, nên chúng ta ra Trường Sa trong dịp cận kề Tết Ất Mùi 2015, đơn giản là một chuyến thăm hỏi, động viên chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi biển đảo. Trên hải trình chúng ta đi, đoàn sẽ ngang qua các đảo Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn… nhiều khi sẽ bắt gặp tàu thuyền của bạn bè quốc tế, nhà báo đừng lấy làm phấn khích, càng không nên tập trung lại tác nghiệp bằng cách kéo ống kính (máy ảnh, camera) dài ra để ghi hình, bởi người ta nhầm là “pháo” đấy! Tinh thần chung của chúng ta là ôn hòa, thân thiện… nên mọi người lưu ý cho. Những lúc như thế, trong các đoàn ra Trường Sa lần này, những ai mang theo nón lá, áo in cờ Tổ quốc (nhất là chị em) thì nên hân hoan, vẫy tay chào bạn bè để nâng cao hình ảnh một Việt Nam rất mực thân thiện, yêu chuộng hòa bình…”- Chia sẻ ấy của Đại tá Sơn khiến mọi người hào hứng, đồng tình.

Trong dịp này, chợ Cam Ranh - Khánh Hòa đông vui hơn mọi khi, vì các đoàn ra thăm Trường Sa được các chiến sĩ ở Nhà khách Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đưa đi mua sắm trước khi ra đảo. Nón lá và áo in cờ Tổ quốc được nhiều người lựa chọn để mang theo. Và tại Quân cảng Cam Ranh bỗng trở thành “điểm hẹn” kết nối, lan tỏa cho tình cảm và ý chí bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phóng viên Duy Thành đến từ vùng cao Tuyên Quang tâm sự: “Lần đầu được ra Trường Sa, lòng quá bồi hồi… Đã thấy biển trước mắt và sóng trào lên từng cơn như tình cảm của mình dành cho chuyến đi đầy ý nghĩa này”. Còn nhà báo Đức Trường (Báo Hà Nội Mới), đã hai lần ra Trường Sa mà vẫn nguyên vẹn cảm xúc như lần đầu, vẫn chan chứa yêu thương và tự hào không nói hết. Anh Vĩnh Hoàn (Báo Gia Lai) thì cứ tiếc sao không được đi nhiều hơn, ra thăm 5 điểm đảo/đoàn thì ít quá, mong lần sau được đi nhiều hơn thế…

Áo in cờ Tổ quốc được nhiều người mặc khi ra Trường Sa.
Áo in cờ Tổ quốc được nhiều người mặc khi ra Trường Sa.

Thư mời của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đầu năm 2015 được gửi đến báo, đài của 28 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó ưu tiên cho các vùng miền như Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam. Anh em có mặt khá đông đủ và ai cũng mong có một chuyến đi thành công với nhiều tác phẩm phản ánh về biển đảo quê hương chân thực và sinh động nhất. Ai cũng thấy biển đảo quê hương ở trước mặt, nhưng cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ và con dân đất Việt ở đó ra sao thì chưa rõ, vì thế mọi người cứ nôn nao, ngóng chờ tiếng còi tàu hú lên và rời bến…

Chiều trên Quân cảng Cam Ranh trong những ngày áp Tết Ất Mùi trở nên ấm áp lạ thường. Những cái bắt tay, ôm nhau thắm thiết của người đi, kẻ ở như muốn níu thời gian chậm lại, khiến tình cảm quân dân một lòng vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong không gian và phút giây đặc biệt ấy như hóa thành một khối bền chặt, không gì lay chuyển được. Tình cảm và khối đoàn kết kia, nói như Thượng tá Bùi Đình Dương-Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân là có thể nhìn thấy, đong đếm được qua những phần quà và hàng hóa mà các cơ quan, ban ngành, đoàn thể trong cả nước gửi tặng cho quân dân Trường Sa trong dịp Tết. Đúng là không thiếu một thứ gì: từ mắm muối, thịt, gạo, mì, rau quả, thuốc men… cho đến lá dong, lạt buộc bánh chưng và cả những cành mai vàng được đất liền gói ghém cẩn thận đưa ra cho 21 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Mối quan tâm này góp phần đem đến cho quân dân nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc một cái Tết đầy đủ và vui tươi như lời của Đại tá Nguyễn Công Sơn - Chủ nhiệm Phòng Chính trị, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã trả lời trong cuộc họp báo trước đó - rằng: “Tết trên đất liền có thứ gì thì ở biển đảo có thứ ấy…!”.

Đúng 17 giờ chiều ngày 5-1-2015, khi hoàng hôn trên biển Cam Ranh chầm chậm buông, cũng là lúc bốn con tàu của Hải quân Vùng 4 (HQ 996, HQ 561, HQ 571 và HQ 936) hụ lên ba hồi còi dài tạm biệt đất liền để ra các điểm đảo Trường Sa làm nhiệm vụ chúc Tết và thu, thay quân nhân dịp năm mới 2015. Nương theo cánh sóng đưa tiễn các đoàn đi là những ánh mắt, cánh tay vẫy chào thân thiết cùng tình cảm dạt dào của người ở lại dành cho quân dân nơi đảo xa ngày đêm vững vàng giữa trùng dương, vượt qua nhiều “sóng dữ” bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc