Multimedia Đọc Báo in

Cư Elang thiếu nước sạch

10:22, 01/04/2015

Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) luôn sống trong cảnh lo âu vì phải sử dụng nguồn nước giếng không bảo đảm vệ sinh để phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Dẫu biết tác hại khôn lường, nhưng họ đành “làm ngơ” để dùng bởi chẳng có nguồn nước nào khác thay thế.

Mặc dù chỉ mới đầu mùa khô, thế nhưng gần 1 tháng nay, nhiều hộ dân ở buôn Ea Rớt, buôn Vân Kiều, thôn 1 và 6B (xã Cư Elang) đã phải đi lấy nước ở các con suối gần nhà về phục sinh hoạt bởi hầu hết các giếng đào đều đã cạn kiệt. Đối với các hộ có điều kiện đã xây dựng giếng khoan thì nguồn nước không thiếu nhưng lại bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bà H’Lan Niê (buôn Ea Rớt) bày tỏ, cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng để có nguồn nước phục vụ sinh hoạt, bà phải thuê người đào giếng (sâu 3 mét), do giếng cạn nên mùa khô năm nào cũng bị thiếu nước. Vì thế, hằng ngày mấy mẹ con phải thay nhau đến con suối cạnh buôn gùi nước về phục vụ cho việc ăn uống, riêng sinh hoạt cá nhân thì khi đi làm về, cả nhà lại kéo nhau ra suối tắm giặt. Đối với gia đình chị H’Ben Niê (buôn Ea Rớt) hơn 3 năm nay, vợ chồng chị đã đầu tư gần 20 triệu đồng khoan giếng (sâu 45m) để lấy nước sinh hoạt và tưới mấy sào lúa nước cạnh nhà. Chị H’Ben cho biết: “Mặc dù nguồn nước không thiếu nhưng lại bị ô nhiễm nghiêm trọng, muốn sử dụng để ăn, uống thì phải lọc qua bể lắng hay dùng phèn chua để khử cho nước trong mới dám sử dụng”. Do cuộc sống của người dân các thôn, buôn hầu hết còn nhiều khó khăn nên số hộ đào giếng khoan rất ít, trong đó buôn Ea Rớt có 250 hộ nhưng chỉ khoảng 10 hộ có giếng khoan bởi kinh phí đầu tư để khoan giếng, mua máy bơm phải trên 20 triệu đồng mỗi giếng.
Nước sau khi bơm lên được các hộ dân cho vào bể lọc trước khi sử dụng.
Nước sau khi bơm lên được các hộ dân cho vào bể lọc trước khi sử dụng.

Cũng chung tình trạng sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh, bà Trần Thị Long (thôn 1) phải xây bể lọc để cải thiện chất lượng nguồn nước. Vào những ngày nắng nóng, bà phải mua phèn chua về lọc nước, không chỉ để sử dụng trong ăn uống mà còn dùng để giặt quần áo bởi nếu sử dụng nước mới bơm lên thì quần áo đều bị vàng ố. Do đó, mỗi tháng gia đình bà phải tiêu tốn gần 100.000 đồng mua phèn về lọc nước (2kg phèn). Mùa nắng đã vậy, mùa mưa nguồn nước càng trở nên đục ngầu, ô nhiễm nên người dân phải đi mua nước bình về sử dụng nấu ăn, còn mọi sinh hoạt thì hứng nước mưa. Bà Long buồn bã nói: "Mặc dù chi phí lọc nước tốn kém và biết sử dụng nguồn nước không tốt cho sức khỏe, nhưng do không có nước sạch nên chúng tôi đành phải dùng. Mong rằng, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân nơi đây…”.

Bể chứa nước của gia đình bà Long bị vàng ố sau khi được lọc bằng phèn chua.
Bể chứa nước của gia đình bà Long bị vàng ố sau khi được lọc bằng phèn chua.

Theo quan sát của chúng tôi, nước khi bơm lên có màu vàng, khi đổ vào bể thì khoảng mấy tiếng sau sẽ xuất hiện lớp phèn bám dưới đáy. Chính vì nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nên khoảng 3 ngày bà Long lại phải vệ sinh bể chứa nước của gia đình. Theo ông Y Dúi Byă, Trưởng buôn Ea Rớt, người dân trong buôn và các thôn, buôn khác đang nghi ngại về việc dùng nguồn nước không bảo đảm tác động đến sức khỏe của họ khi nhiều người mắc các căn bệnh ngoài da, thận, viêm gan…

Các hốc nước cạnh suối Ea Rớt được người dân tự đào để lấy nước về sử dụng  trong ăn uống.
Các hốc nước cạnh suối Ea Rớt được người dân tự đào để lấy nước về sử dụng trong ăn uống.

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Thành Nguyên, cán bộ phụ trách môi trường xã Cư Elang cho biết: “Dự án nước sạch phục vụ nhân dân các thôn, buôn trên địa bàn xã thuộc hợp phần đập Krông Pak thượng (với tổng vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng) đã triển khai được 1 năm, hiện nay đã thực hiện chôn lấp đường ống dọc tuyến đường chính của xã, riêng bể lọc nước đang được xây dựng. Dự kiến công trình sẽ đưa vào sử dụng đầu năm 2016, cấp nước cho khoảng 1.700 hộ dân, chủ yếu ở các buôn Ea Rớt, Vân Kiều, thôn 1 và 6B”. Hy vọng rằng, công trình cấp nước sạch xã Cư Elang sớm đi vào hoạt động giúp người dân nơi đây có nguồn nước đảm bảo vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.