Kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở: Mỗi nơi làm một kiểu
Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu quá trình thực hiện các quy định này trên địa bàn tỉnh cho thấy, bên cạnh một số địa phương chủ động dự trù, chi trả kinh phí cho hoạt động này thì vẫn còn nhiều nơi chưa quan tâm, bố trí kinh phí cho hoạt động của đội ngũ hòa giải viên ở thôn, buôn, tổ dân phố dẫn đến tình trạng một số tổ hòa giải đã tự đề ra các quy định riêng nhằm tạo kinh phí hoạt động; đặc biệt, tình trạng này xảy ra phổ biến tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Chẳng hạn ở huyện Cư M’gar, tổ hòa giải tại một số buôn lấy tiền phạt từ bên vi phạm để tạo quỹ hoạt động. Buôn trưởng một buôn ở xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cho biết: “Khi xảy ra mâu thuẫn, tổ hòa giải gặp mặt các bên khuyên bảo, phân tích cái đúng, cái sai để làm hòa. Hai bên tự thương lượng rồi đưa ra mức phạt với nhau. Kinh phí hoạt động của tổ hòa giải là mức phạt mỗi bên 100.000 đồng. Nhà nào có điều kiện hơn thì làm heo mời cả làng ăn phạt, ăn để mà ghi nhớ, răn đe, giữ lời, không tái phạm nữa”.
Đối với hòa giải viên trực tiếp tham gia hòa giải ở cơ sở thì mức chi thù lao cũng mỗi nơi mỗi khác. Già làng buôn B., xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) cho biết: “Khi tham gia hòa giải thì phải phân xử, làm rõ lỗi của từng bên, bên A vi phạm như thế này, bên B cũng vi phạm như thế kia. Khi hai bên nhất trí với nhau làm hòa thì phải làm giấy cam đoan không vi phạm nữa, nếu vi phạm thì bắt đền nhiều hơn nữa. Mỗi lần đi hòa giải như vậy người ta cũng cho tiền, họ cho bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu”. Có buôn ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thì thu phí hòa giải bằng 10% mức phạt. Buôn trưởng buôn Ea B. ở xã Cư Êbur giải thích: “Chẳng hạn, nếu hộ gia đình bị phạt 10 triệu đồng thì đưa cho tổ hòa giải 1 triệu đồng. Tổ hòa giải gồm 7 người họp, bàn bạc, chỉ ra mức độ vi phạm của từng bên rồi đưa ra mức phạt cho đại diện hai bên gia đình là 1 triệu đồng, từng bên gia đình cũng họp lại để đưa ra mức nộp phạt hợp lý. Chẳng hạn bên thì đưa ra mức 500.000 đồng, bên thì đưa ra mức 800.000 đồng. Sau đó, tổ hòa giải sẽ xem xét sao cho công bằng, bình đẳng giữa hai bên gia đình, phân tích mức độ vi phạm cho bà con tham dự buổi hòa giải nghe, rồi thống nhất hai bên gia đình là mỗi bên cùng nộp phạt 500.000 đồng hay 800.000 đồng. Nếu số tiền nộp phạt là 500.000 đồng thì đóng vào quỹ tổ là 200.000 đồng, số tiền còn lại chia đều cho 7 người trong tổ hòa giải, riêng tổ trưởng sẽ được nhiều hơn một chút. Số tiền còn lại tổ hòa giải sẽ đưa lại cho đại diện hai bên gia đình để mua đồ ăn hoặc nước uống để những người tham gia buổi hòa giải ăn uống làm hòa”.
Qua một số trường hợp đề cập trên đây cho thấy đã có cách hiểu và thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong việc tạo lập và sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện các hoạt động hòa giải ở cơ sở. Theo quy định hiện hành thì kinh phí chi cho hoạt động này do ngân sách Nhà nước chi trả chứ không phải lấy từ các khoản thu của các bên được hòa giải. Mới đây nhất, liên Bộ Tài Chính, Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30-7-2014 quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, trong đó có quy định rõ việc ngân sách Nhà nước phải chi hỗ trợ cho hoạt động của tổ hòa giải, thù lao cho hòa giải viên; ngân sách Trung ương sẽ hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chưa tự cân đối được nguồn ngân sách.
Thiết nghĩ, trong thời gian tới đây, sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 122/2014/NQ-HĐND quy định riêng về mức chi để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở nhằm cụ thể hóa Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến việc bố trí nguồn kinh phí hợp lý cho công tác này; đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này để việc áp dụng được thống nhất trong toàn tỉnh, qua đó, bảo đảm được nguồn kinh phí hoạt động, tạo thuận lợi cho đội ngũ hòa giải viên phát huy hết vai trò của mình trong việc giải quyết các vi phạm pháp luật, các tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, hình thành sự hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật và thói quen hành động theo pháp luật ở từng cụm dân cư, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Trần Thị Bích Luy
Ý kiến bạn đọc